Trên thế giới, tập bơi cho trẻ sơ sinh từ lâu đã không còn là khái niệm quá xa lạ. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh Việt Nam với tâm lý bảo bọc con nhỏ lại tỏ ra khá e ngại. Điều này vô tình bỏ qua cơ hội phát triển tốt nhất cho trẻ.
Vậy, có nên cho trẻ sơ sinh đi bơi từ sớm? Lợi ích mang lại là gì? Và làm thế nào để tập bơi cho trẻ sơ sinh hiệu quả và an toàn nhất? Tất cả sẽ được Tạp chí Mẹ và Con giải đáp qua bài viết dưới đây:
Lợi ích của việc tập bơi cho trẻ sơ sinh
Một khảo sát trên 7.000 trẻ nhỏ, kéo dài trong suốt 4 năm của Đại học Griffith (Úc) đã kết luận rằng, trẻ em thường xuyên đi bơi có điều kiện phát triển thể chất, trí tuệ và tinh thần thuận lợi hơn so với trẻ em không biết bơi.
Giúp não bộ phát triển tối ưu
Theo phân tích từ chuyên gia, việc tập bơi cho trẻ sơ sinh sử dụng hai chân và hai tay quẫy đạp ở dưới nước có tác dụng giúp cho não bộ phát triển, kích thích các tế bào thần kinh trung ương.
Đồng thời tạo điều kiện cho việc phản xạ và truyền thông tin giữa các phần của não bộ diễn ra thuận lợi hơn. Qua đó, giúp các bé nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, đọc hiểu cũng như nhận thức về hình ảnh trong tương lai.
Phát triển thể chất toàn diện
Việc tập bơi cho trẻ sơ sinh có cơ hội phát triển thể chất một cách toàn diện. Theo đó, các hoạt động quạt nước bằng hai tay, đạp nước bằng hai chân và phối hợp ngẩng cao đầu nổi trên mặt nước sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, tăng cường sức mạnh, đồng thời tối ưu hóa việc tăng chiều cao cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh việc phát triển sức mạnh của các cơ, bơi lội còn là hoạt động thể chất hữu hiệu giúp các khớp trên cơ thể của bé cử động một cách linh hoạt, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, phổi và lưu thông tuần hoàn máu.
Xem thêm: Vì sao bố mẹ càng stress trẻ càng có nguy cơ suy giảm tinh thần
Theo các chuyên gia, hoạt động dưới nước không chỉ mang đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa phụ huynh và con nhỏ.
Tăng cường khả năng phối hợp và giữ thăng bằng
Song song với việc phát triển hệ cơ xương, tập bơi cho trẻ sơ sinh còn là hoạt động giúp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, nâng cao khả năng giữ thăng bằng giúp các bé lớn lên sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và linh hoạt.
Kích thích ăn khỏe, ngủ ngon
Khi bơi dưới nước, bên cạnh các hoạt động tay chân, trẻ nhỏ còn cần phải điều tiết để làm quen với môi trường mới, duy trì thân nhiệt để giữ ấm cơ thể. Quá trình này tiêu hao không ít năng lượng của trẻ.
Vì vậy, để bù đắp vào phần năng lượng bị thiếu hụt đó, thông thường sau khi bơi, các bé sẽ có xu hướng ăn nhiều và ngon miệng hơn; đồng thời ngủ sâu và tròn giấc hơn.
Giúp con tự bảo vệ bản thân khi gặp nạn
Theo thống kế, hàng năm tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn còn tương đối cao. Do đó, việc tập bơi cho trẻ sơ sinh, trang bị cho con những kỹ năng cần thiết khi ở dưới nước, giúp con có thể tự bảo vệ mình nếu không may gặp phải sự cố về là điều mà bố mẹ nên làm.
Nên tập bơi cho trẻ sơ sinh từ mấy tháng tuổi?
Như đã đề cập phía trên, việc cho trẻ sơ sinh tập bơi và làm quen sớm với môi trường nước sẽ giúp bé phát triển một cách toàn diện không chỉ về thể chất, tinh thần mà cả trí tuệ.
Phụ thuộc vào từng cơ địa của mỗi bé, mà độ tuổi bắt đầu tập bơi sẽ khác nhau. Về vấn đề này, các bậc bậc phụ huynh cần phải đặc biệt lưu tâm và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thông thường thời điểm 6 tháng là giai đoạn thích hợp nhất để bắt đầu tập bơi cho bé. Bởi lúc này, cơ, xương cổ, chân tay của bé dần cứng cáp, bé đã có thể thoải mái quẫy đạp và cảm nhận được nước. Do đó, bố mẹ có thể lưu ý thời gian này để bắt đầu cho trẻ đi bơi.
Tùy vào thể trạng và cơ địa mà mỗi trẻ sơ sinh có thời gian bắt đầu tập bơi khác nhau.
Các bước tập bơi đúng cách và an toàn cho trẻ sơ sinh
- Bước 1: Cho bé tập làm quen với môi trường nước, phản xạ nín thở bẩm sinh bằng cách dội nước nhẹ nhàng lên đầu, hoặc nhúng chìm rồi nâng bé lên mặt nước thật nhanh.
- Bước 2: Tăng dần thời gian nín thở dưới nước của bé, đồng thời cho bé khua tay, đạp chân nhiều hơn dưới nước để phát triển hệ thống cân bằng của cơ thể.
- Bước 3: Tiếp tục duy trì các hoạt động ở bước 1 và 2. Tập cho bé làm quen dần với các kỹ năng lật ngửa dưới nước.
- Bước 4: Tiếp tục phát triển khả năng quẫy đạp dưới nước theo chiều ngang, đồng thời kết hợp tập bơi chìm đầu dưới nước theo từng đoạn ngắn.
- Bước 5: Tập cho bé kỹ năng thả nổi sinh tồn, lật sấp khi bơi và lật ngửa nghỉ khi mệt.
Những điều phụ huynh cần lưu ý khi tập bơi cho trẻ sơ sinh
Thời gian ở dưới nước
Không như người trưởng thành, cơ thể của trẻ sơ sinh rất dễ mất nhiệt. Do đó, phụ huynh không nên cho trẻ bơi quá lâu dưới nước để tránh gây cảm lạnh và những ảnh hưởng không tốt đến phổi của bé.
Theo đó, thời gian tập bơi cho trẻ sơ sinh thích hợp nhất chỉ nên nằm trong khoảng từ 15-25 phút, tùy theo độ tuổi cũng như thể trạng của từng bé.
Ví dụ, bé từ 3-8 tháng tuổi chỉ nên ở dưới nước từ 7-10 phút. Trẻ trên 1 tuổi có thể bơi từ 15-25 phút. Trong trường hợp, trẻ có dấu hiệu run rẩy và lạnh, các mẹ cần ngay lập tức cho bé ra khỏi hồ bơi và lau người cho bé.
Nhiệt độ nước hồ bơi
Khi tập bơi cho trẻ sơ sinh, phụ huynh cũng cần lưu ý về nhiệt độ nước bên trong hồ. Nước không được quá lạnh, cũng không nên quá nóng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Bởi trẻ nhỏ dễ bị nóng nhanh hơn so với người lớn, nên nhiệt độ trong nước cao có thể khiến tim trẻ đập nhanh và thậm chí tổn thương. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, nhiệt độ nước trong hồ bơi nên dao động từ 29,5 – 30,5 độ C. Đây là nhiệt độ sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái nhất.
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, nhiệt độ nước trong hồ bơi nên dao động từ 29,5 – 30,5 độ C. Đây là nhiệt độ sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái nhất.
Chất lượng nước hồ bơi
Bên cạnh đó, lựa chọn hồ bơi có chất lượng nước tốt cũng là một điều mà bố mẹ cần lưu ý. Tránh lựa chọn các hồ có nhiều hóa chất, đặc biệt là clo.
Nếu chất lượng nước không đảm bảo, có thể dẫn tới việc dị ứng rất nguy hiểm. Để cải thiện vấn đề này, bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp khử clo trong nước hồ bơi, nếu là hồ bơi gia đình, nhằm đảm bảo an toàn cho bé.
Chú ý đối với làn da của trẻ
Trẻ sơ sinh sở hữu làn da mỏng và nhạy cảm, do đó bố mẹ cần đặc biệt chú ý để tránh gây ảnh hưởng đến làn da của con khi đi bơi. Cụ thể, trước và sau khi xuống hồ bơi bố mẹ cần phải tắm rửa sạch cho bé để loại bỏ các tạp chất, và lượng clo có trong nước.
Xem thêm: Cách tắm cho trẻ sơ sinh khi trời trở lạnh
Sử dụng thêm kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ nhỏ để tránh khô da. Với những bé da khô, chàm hoặc đang bị bệnh ngoài da, bố mẹ có thể sử dụng loại xịt khoáng khử clo cho trẻ hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về hàm lượng clo cho phép trong nước hồ bơi là bao nhiêu, để tránh gây kích ứng cho bé.
Luôn theo sát con trong quá trình tập bơi
Để kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi tập bơi cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần theo sát con trong suốt thời gian ở trong hồ bơi và lúc tập bơi. Việc bố mẹ ở bên cạnh sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái khi bơi lội. Bên cạnh đó, điều này còn giúp tạo mối liên kết đặc biệt giữa phụ huynh và trẻ nhỏ.
Bố mẹ nên chọn phao ôm sát phần cằm chứ không phải phần cổ của trẻ.
Chọn và dùng phao đỡ cổ đúng cách
Theo các bác sĩ, khi cố định đầu, cổ của bé bằng phao đỡ sẽ gây khó chịu, và tạo ra áp lực lớn cho vùng xương tại đây.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại chưa phát triển toàn diện về xương nên nếu nếu không chú ý có thể khiến bé bị nghẹt thở, khó chịu và ảnh hưởng đến phần xương cổ. Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý lựa chọn phao bơi cổ thích hợp với kích thước cơ thể của bé, ôm sát phần cằm chứ không phải phần cổ khi tập bơi cho trẻ sơ sinh nhé.
Tập bơi cho trẻ sơ sinh tuy có vất vả một chút nhưng lại mang đến vô vàn lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Vì thế, còn chần chờ gì mà không tích cực cho con đi bơi, ba mẹ nhỉ?