Dưới đây là câu chuyện “tình yêu bọ xít” của một độc giả gửi về cho Tạp chí Mẹ và Con. Liệu khi gặp tình huống này, ba mẹ sẽ xử lý thế nào?
Bạn Mi hết yêu con rồi!
Cu Tép mới chuyển sang trường học mới được 2 hôm. Ngày đầu tiên con có vẻ buồn vì chưa quen môi trường mới, bốn giờ chiều mẹ đã đón Tép rồi nhưng con làm lẫy, cứ sụt sịt hỏi: “Tại sao bây giờ mẹ mới tới đón con?”…
Ấy vậy mà buổi chiều hôm thứ hai thì khác biệt hoàn toàn. Bốn rưỡi chiều mới được mẹ tới đón nhưng Tép không những không tỏ ra buồn bã, trái ngược lại cu cậu còn níu tay dặn dò mẹ cẩn thận: “Mai mốt mẹ cứ ở nhà trông em Tom, chừng nào ba đi làm về tới đón con cũng được”. Mẹ Tép bật cười, lòng thầm nghĩ: “Chà! Anh chàng mới 5 tuổi đã biết thương mẹ, thương em rồi đó!”.
Khoảng một tuần sau, nhà có việc nên mẹ tới trường đón Tép về sớm. Nép bên cánh cửa, từ xa mẹ đã thấy Tép đang chơi nấu ăn với cô bạn váy hồng có hai bím tóc đong đưa đáng yêu. Không tranh giành như khi chơi xếp hình cùng bạn Bin hàng xóm, với bạn váy hồng Tép tỏ ra vô cùng lịch sự. Lúc về, cả lớp học có tới hai chục bạn mà Tép chỉ đưa tay vẫy chào mỗi cô bạn váy hồng. Anh chàng quyến luyến: “Ngày mai tụi mình lại chơi nấu ăn nữa nhé!”
Trên đường về nhà, mẹ Tép “dò” thử con trai thì cậu bé như “bắt được sóng”, miệng tía lia: “Bạn đó tên là bạn Mi đó mẹ. Ở lớp con thích chơi với bạn Mi nhất vì bạn ấy xinh gái, lại hiền và học giỏi nữa”.
Bỗng một hôm, Tép đi học về trong tình trạng buồn hiu, không chạy lại ôm hôn em Tom như mọi ngày nữa. Mẹ tưởng Tép mệt nên ra sức hỏi han, cu cậu trả lời mà mắt rưng rưng: “Bạn Mi không chơi nấu ăn với con nữa, hôm nay bạn Mi chơi xây nhà với bạn Minh. Bạn Mi hết yêu con rồi!”
Bé lên 5, mẹ có tin con… biết yêu?
Đối với những bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, chắc hẳn nhiều người đã quá quen với việc hôm nay con thích bạn này, ngày mai con thích bạn khác. Thực ra, ngay từ lúc còn rất nhỏ trẻ đã biết “thích bạn này”, “mến bạn” kia thông qua nhu cầu giao tiếp tình cảm. Đây là điều hết sức bình thường.
“Tình yêu bọ xít” bắt nguồn từ nhiều lý do như: “Bạn ấy xinh gái, đẹp trai; Bạn ấy hiền, không giành đồ chơi; Bạn ấy hát hay, học giỏi”… Tuy nhiên, quý phụ huynh đừng nhầm lẫn tình cảm này của trẻ giống với tình yêu người lớn chúng ta nhé. Đây đơn giản chỉ là tình bạn, không hơn không kém. Nhưng bởi tâm lý thích bắt chước người lớn nên bé tạm gọi đó là tình yêu hoặc đơn giản chỉ là… do vốn từ còn hạn hẹp, con không biết dùng từ chính xác miêu tả cảm xúc của mình mà thôi.
Thật ra, số lượng trẻ biết “thầm thương trộm nhớ” ở tuổi mầm non không phải ít. Ở thế hệ nào, cũng có hiện tượng “yêu” như vậy. Bên cạnh đó, ngày nay các con được tiếp xúc với môi trường hiện đại, qua phim ảnh, qua sách vở, qua truyện đọc khá nhiều nên tư tưởng “Mình thích chơi với bạn lắm đấy!” cũng… bình thường thôi!
“Tình yêu bọ xít”, lợi hay hại?
Có một đặc điểm chung, đó là hầu hết những “câu chuyện tình yêu” này thường không kéo dài và chúng cũng hoàn toàn vô hại. Thậm chí, mẹ thông thái còn có thể “lợi dụng thời cơ” này để dạy con. Chẳng hạn như trước đó, mẹ cu Tép từng hỏi con lý do tại sao Tép lại thích với bạn Mi mà không phải bạn Na, bạn Mít cùng lớp? Khi Tép liệt kê ra những ưu điểm của “người ấy” như: học giỏi, không khóc nhè, không giành đồ chơi, tự xúc ăn… mẹ Tép đã khuyến khích con học hỏi những điểm tốt này của bạn.
Với suy nghĩ non nớt của các bé, thì việc hoàn thiện bản thân mình hơn để “người ấy”… cũng thích mình là điều hết sức đơn giản. Chắc chắn chúng sẽ ngoan ngoãn nghe theo lời chỉ dạy của mẹ thôi.
Ứng xử với “tình yêu bọ xít” tuổi mầm non
Không chê bai
Nếu trong mắt người lớn, “nửa kia” luôn là người tuyệt vời nhất thì trong mắt trẻ, anh chàng/cô nàng “bọ xít” mà chúng thích cũng luôn là ngôi sao sáng chói nhất. Vì vậy, ba mẹ đừng phạm điều cấm kị là… chê “người ấy” của bé răng sún, da đen hay mít ướt nhé. Cảm xúc của bé rất trong sáng, không hề toan tính. Vẻ bề ngoài không phải điều mà chúng quyết định khi thích một người. Đừng áp đặt để khiến chúng mất đi sự ngây thơ đấy, ba mẹ nhé!
Không chế giễu
Song song với đó, phụ huynh cũng tuyệt đối không nên chế giễu, cười cợt hoặc trêu chọc con nếu muốn những lần sau, bé tiếp tục mở lòng chia sẻ với bạn. Nhất định, bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tổn thương lắm đấy!
Đừng cấm cản
“Tình yêu bọ xít” tuổi lên 5 kiểu này dễ đến thì cũng dễ đi. Nếu bé có buồn vì… “chuyện tình cảm” không được suôn sẻ, đơn giản chúng chỉ tự động… nghỉ chơi mà thôi. Do không có gì nguy hại, nên phụ huynh không cần cấm cản bé, hãy để chúng tự cảm mến bạn bè bằng cảm xúc thật của mình.
Lắng nghe và chia sẻ
Đây là cách dễ dàng nhất để bạn tạo dựng niềm tin trong lòng con, giúp mẹ và con hiểu nhau hơn. Không chỉ trong chuyện tình cảm, mà còn nhiều chuyện lớn lao khác trong cuộc sống sau này nữa.
Uốn nắn kịp thời
Trẻ con hay bắt chước, vì vậy ba mẹ cần để ý đến hành động tiêu cực của bé (nếu có) khi con tiếp thu qua phim ảnh, người lớn… những cử chỉ không hợp lứa tuổi một cách vô tình. Ví dụ như: Gọi nhau bằng vợ chồng, chơi trò ôm hôn nhau… Nếu con mình rơi vào trường hợp này, phụ huynh cần chấn chỉnh bé ngay lập tức nhé!
Ngay từ lúc biết con có “tình yêu bọ xít”, mẹ hãy chỉ dạy bé điều gì NÊN và KHÔNG NÊN. Nếu bé có hành động quá giới hạn, hãy nghiêm khắc cho chúng thấy điều đó không được chấp nhận. Cuối cùng, đừng quên dặn con không để bạn khác có hành vi tương tự như vậy với mình. Mỗi người chỉ có một tuổi thơ, hãy để bé có những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất, mẹ nhé!