Trong giai đoạn từ 6-36 tháng tuổi, vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm đáng kể nhưng hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công dẫn đến sốt phát ban. Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong giai đoạn này, ba mẹ cần bỏ túi các thông tin về các phòng bệnh cũng như cách xử lý khi trẻ bị sốt phát ban để bảo vệ sức khỏe bé yêu tốt nhất.
Sốt phát ban là gì?
Bệnh sốt phát là một căn bệnh được gây ra bởi các loại virus điển hình, chẳng hạn như virus Rubella, virus sởi, virus đường ruột ECHO… Căn bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh trước 36 tháng tuổi. Phần lớn virus gây bệnh đều là virus lành tính nên trẻ bị sốt phát ban có thể khỏi bệnh sau từ 5-7 ngày nếu được chăm sóc tốt.
Hầu hết trẻ sơ sinh đều bị sốt phát ban ít nhất một lần. Tùy theo sức đề kháng cũng như tình trạng sức khỏe mà có thể trẻ bị sốt phát ban nhiều lần hơn. Sốt phát ban là một căn bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp khi sổ mũi, hắt hơi hoặc ho làm phát tán những tia nước bọt nhỏ chứa virus mang bệnh cho trẻ khác, đặc biệt là ở trong môi trường nhiều trẻ nhỏ như trường mầm non, nhà trẻ.
Biểu hiện thường gặp khi trẻ bị sốt phát ban
Một số biểu hiện ở trẻ bị sốt phát ban mà mẹ có thể thấy bao gồm:
Trước phát ban
Trước khi bắt đầu phát ban, trẻ thường sẽ mệt mỏi, khó chịu trong người. Tuy nhiên, do chưa thể biểu đạt đầy đủ cảm xúc của mình nên trẻ thường sẽ quấy khóc kèm với biểu hiện sốt. Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ bị sốt phát ban.
Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây sốt mà trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau như: sốt cao kèm ho, chảy nước mũi và mắt đỏ nếu trẻ bị sốt phát ban do sởi, có biểu hiện sốt nhẹ hoặc không sốt nếu trẻ bị sốt phát ban do rubella,…
Trong phát ban
Từ một đến vài ngày sau khi có biểu hiện sốt, trẻ sẽ bắt đầu hạ sốt và ban sẽ dần nổi lên. Ban sẽ thường xuất hiện ở trên mặt trước rồi dần lan xuống cổ, ngực, bụng và các chi. Lúc này, trên người trẻ bị sốt phát ban sẽ có các nốt màu đỏ như bọc nước với số lượng từ vài chục đến hàng trăm. Các nốt ban sẽ lưu lại khoảng 3-5 ngày (nếu được điều trị tốt).
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ gặp thêm một số triệu chứng khác như đi ngoài phân lỏng hoặc tiêu chảy.
Sau phát ban
Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách thường sẽ không để lại các vết thâm hoặc sẹo trên da (trừ trường hợp trẻ phát ban do sởi). Trẻ có thể vui chơi, sinh hoạt như bình thường mà không để lại biến chứng.
Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, các vết ban trên da có thể bị nhiễm khuẩn, để lại vết lở loét, hình thành sẹo và trẻ cũng sẽ mắc một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm não, đi ngoài ra máu, viêm não,…
Trẻ bị sốt phát ban có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, sốt phát ban có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp trẻ bị sốt phát ban do virus sởi gây ra, nguy cơ gặp các biến chứng nếu không chăm sóc đúng cách thường sẽ cao hơn. Trẻ có thể mắc biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như viêm phổi, viêm não do virus.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban là do virus rubella thì ba mẹ có thể yên tâm bởi đây là một virus lành tính và không để lại biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban như thế nào?
Việc phát hiện và chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách có thể giúp trẻ khỏi bệnh nhanh hơn và tránh các ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Khi phát hiện trẻ bị sốt phát ban, đầu tiên ba mẹ nên chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để có thể được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ điều trị tại nhà hoặc cần nhập viện để tiếp tục theo dõi.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà
Hạ sốt cho trẻ
Vì biểu hiện đầu tiên khi bị sốt phát ban là sốt nên ba mẹ cần hạ sốt cho trẻ đúng cách. Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, lau người bằng nước ấm và cho trẻ uống nhiều nước.
Việc uống thuốc hạ sốt cần được chỉ định từ bác sĩ và uống đúng liều lượng được chỉ định. Không tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt liên tục để tránh các tác dụng phụ của thuốc gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc sử dụng dạng thuốc đặt hậu môn đều được. Trong trường hợp trẻ vẫn sốt, có thể cho trẻ uống paracetamol liều 10mg – 15 /1kg/lần cách nhau ít nhất 6 tiếng.
Giảm ho cho trẻ
Nếu trẻ bị sốt phát ban có biểu hiện ho hoặc đau họng, bạn có thể áp dụng một số cách trị ho cho trẻ từ thiên nhiên như dùng gừng hấp đường phèn, uống nước rau tần, quất chưng mật ong,… Nếu tình trạng không cải thiện, bạn có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định dùng thuốc.
Vệ sinh mũi cho trẻ
Trong lúc chăm sóc trẻ bị sốt phát ban, ba mẹ nên chủ động sử dụng nước muối sinh lý loãng để thông mũi cho trẻ. Ngoài ra, nên lấy khăn giấy mềm để lau mũi cho trẻ, đảm bảo trẻ dễ thở, dễ ăn uống và bú mẹ.
Dinh dưỡng cho trẻ
Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ có thể phục hồi nhanh hơn. Nên cho trẻ dùng các loại thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa. Ngoài ra, cần chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ hấp thụ hơn. Đặc biệt, khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban, cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước như nước hoa quả, súp hoặc oresol.
Cách ly trẻ với những trẻ khác
Một lưu ý đặc biệt quan trọng khi trẻ bị sốt phát ban chính là cha mẹ nên chủ động cách ly trẻ với những trẻ khác để tránh trẻ lây bệnh và làm ảnh hưởng đến sức khỏe bạn bè.
Khi nào cần đưa trẻ trở lại cơ sở y tế?
Trong lúc chăm sóc trẻ tại nhà, nếu trẻ bị sốt phát ban có thêm các biểu hiện sau thì ba mẹ nên chủ động đưa trẻ quay trở lại cơ sở y tế để kịp thời can thiệp:
- Trẻ bị sốt cao trên 39 độ C không hạ sốt.
- Các dấu phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày.
- Trẻ có hệ miễn dịch yếu.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Nghi ngờ trẻ bị mất nước do tiêu chảy.
- Trẻ bị co giật, thay đổi tri giác (lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê), thở mệt, thở nhanh, khó thở.
Trẻ bị sốt phát ban thông thường sẽ không quá nguy hiểm đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bị sốt phát ban do virus Rubella, sởi thì vô cùng nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, ba mẹ nên chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nhé!