Tình trạng rong kinh kéo dài khiến nhiều chị em đau đầu không biết phải giải quyết như thế nào. Nếu không trị dứt điểm, rong kinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, gây nên nhiều cản trở trong cuộc sống của bạn.
Rong kinh kéo dài là gì?
Trên thực tế, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không giống nhau và thời gian của mỗi chu kỳ cũng không giống nhau. Một chu kỳ kinh nguyệt dao động từ 26 – 31 ngày và kéo dài khoảng 3-5 ngày. Trong khoảng thời gian này, chị em có thể mất đi tầm 40-60ml máu kinh.
Trong trường hợp số ngày có kinh kéo dài trên 7 ngày và lượng máu kinh mất đi nhiều thì có thể chẩn đoán bạn đang gặp tình trạng rong kinh kéo dài và cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Dấu hiệu của rong kinh
Tình trạng rong kinh kéo dài có thể có một số dấu hiệu sau đây:
- Máu ra nhiều trong thời gian hành kinh
- Ra máu liên tục trong 7 ngày hoặc hơn
- Phải thay băng vệ sinh mỗi giờ hoặc dùng nhiều băng vệ sinh cùng lúc
- Có nhiều cục máu đông lẫn trong máu kinh
- Bụng dưới đau âm ỉ hoặc dữ dội
- Có biểu hiện thiếu máu, người uể oải mệt mỏi, chóng mặt và khó thở
Nguyên nhân rong kinh kéo dài
Rong kinh có thể do nhiều lý do khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
Sự mất cân bằng hormone
Trong chu kỳ kinh nguyệt, hormone estrogen và progesterone sẽ cần phải cân bằng để điều chỉnh sự tích tụ của nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) bị bong ra. Khi cơ thể bị mất cần bằng hormone, nội mạc tử cung sẽ bong ra quá mức dẫn đến máu chảy liên tục và kéo dài.
Sự mất cân bằng nội tiết tố này có thể do nhiều yếu tố khác nhau như béo phì, cơ thể kháng insulin, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), gặp các vấn đề về tuyến giáp…
Rối loạn chức năng buồng trứng
Chị em bị rối loạn chức năng buồng trứng cũng có thể bị rong kinh kéo dài bởi lúc này buồng trứng không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, cơ thể không thể sản xuất hormone progesterone và khiến cơ thể mất cân bằng hormone.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là một dạng bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trong mọi độ tuổi, đặc biệt là ở giai đoạn đang mang thai, sinh nở hoặc mãn kinh. Hiện tượng u xơ tử cung khiến các khối mụn thịt mọc bất thường từ cơ tử cung… Những khối u không ung thư (lành tính) có thể trở nặng và gây ra tình trạng chảy máu, rong kinh kéo dài.
Polyp tử cung
Không chỉ u xơ tử cung mà polyp tử cung có kích thước nhỏ, lành tính xuất hiện trên niêm mạc tử cung cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh.
Lạc nội mạc tử cung
Cứ khoảng 10 người phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thì sẽ có 1 người bị lạc nội mạc tử cung. Đây chính là tình trạng các tuyến từ nội mạc tử cung xuất hiện bên trong cơ tử cung. Khi bị lạc nội mạc tử cung, bạn sẽ bị rong kinh kéo dài kèm theo cảm giác đau đớn khó chịu.
Dụng cụ tử cung
Dụng cụ tử cung là một dạng dụng cụ tránh thai được đặt vào trong lòng tử cung để ngăn chặn phôi thai làm tổ trong tử cung. Thông thường, dụng cụ tử cung sẽ có hình chữ T và có 2 loại chính là dụng cụ chứa đồng và dụng cụ chứa nội tiết. Sử dụng dụng cụ chứa không chứa nội tiết có thể dẫn đến rong kinh kéo dài.
Biến chứng thai kỳ
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh chính là biến chứng thai kỳ (nhau thai ở vị trí bất thường hoặc sảy thai).
Ung thư
Rong kinh cũng có thể xảy ra ở phụ nữ bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung. Trường hợp này đặc biệt xảy ra ở người có kết quả xét nghiệm PAP bất thường hoặc đã mãn kinh.
Rối loạn chảy máu do di truyền hoặc do sử dụng thuốc
Yếu tố di truyền hoặc các loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm, thuốc nội tiết tố estrogen và progestin,… có thể khiến bạn chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn và bị rong kinh kéo dài.
Các yếu tố bệnh lý
Phụ nữ mắc các bệnh về gan, thận… cũng có khả năng bị rong kinh kéo dài cao hơn so với các đối tượng khác.
Rong kinh có nguy hiểm không? Hậu quả khi bị rong kinh kéo dài
Khi bị rong kinh kéo dài, bạn có thể chịu nhiều ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sức khỏe, khiến cơ thể xanh xao mệt mỏi,… Một số vấn đề bạn có thể gặp sau bị rong kinh có thể kể đến như:
Thiếu máu
Rong kinh có thể làm cho lượng máu kinh chảy ra nhiều hơn, giảm số lượng hồng cầu lưu thông và từ đó dẫn đến tình trạng mất máu, thiếu máu. Khi bị thiếu máu, bạn sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, da dẻ nhợt nhạt, chóng mặt, không đủ năng lượng để học tập, làm việc,…
Cảm giác đau đớn
Chảy máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài có thể mang đến cảm giác đau đớn cho phụ nữ ở vùng bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau bụng còn đi kèm với chuột rút khiến bạn vô cùng khó chịu.
Khó thụ thai
Nếu bạn và bạn đời vẫn giữ tần suất quan hệ đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng vẫn không thể có thai thì có thể nguyên nhân là do tình trạng rong kinh kéo dài.
Rong kinh do rối loạn nội tiết tố sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, khó hoặc không thể xác định thời gian rụng trứng, việc làm tổ của trứng cũng khó khăn hơn. Lúc này, khả năng thụ thai sau khi quan hệ sẽ thấp hơn. Nếu không điều trị kịp thời, rong kinh kéo dài có thể dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn.
Ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng
Khi bị rong kinh kéo dài, việc quan hệ vợ chồng sẽ khó khăn hơn. Nếu lâu ngày không quan hệ thì tình cảm vợ chồng có thể rạn nứt do người ấy không được giải quyết nhu cầu sinh lý, có nguy cơ tìm đến người thứ 3.
Chẩn đoán rong kinh kéo dài như thế nào?
Nếu có thời gian chảy máu kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh nhiều, bạn có thể đến cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Các bác sĩ sẽ chỉ định một trong những loại xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu
Thực hiện xét nghiệm mẫu máu có thể giúp bác sĩ đánh giá được các tình trạng sức khỏe của bạn như thiếu máu, rối loạn tuyến giáp hoặc bất thường đông máu… Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác hơn và có hướng điều trị phù hợp.
Xét nghiệm Pap
Xét nghiệm Pap – phết tế bào cổ tử cung là một xét nghiệm tế bào học giúp phát hiện tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Trong xét nghiệm này, tế bào từ cổ tử cung sẽ được kiểm tra nhiễm trùng, viêm, thay đổi bất thường… để đánh giá tế bào có bị ung thư hoặc có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không.
Sinh thiết nội mạc tử cung
Sinh thiết nội mạc tử cung là cách bác sĩ dùng kim để lấy một mẫu nhỏ của lớp màng lót bên trong tử cung, sau đó đem đi phân tích để tìm kiếm tế bào bất thường. Sinh thiết nội mạc tử cung giúp xác định nồng độ hormone của cơ thể có cân bằng hay không và có thể là nguyên nhân dẫn đến rong kinh kéo dài hay không.
Siêu âm hoặc chụp siêu âm
Khi đến bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định dùng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của tử cung, buồng trứng và xương chậu để chẩn đoán tình trạng rong kinh kéo dài.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định chụp siêu âm – tiêm chất lỏng vào tử cung để siêu âm tìm kiếm các vấn đề bất thường trong niêm mạc tử cung.
Điều trị rong kinh kéo dài như thế nào?
Khi bị rong kinh, bạn nên chủ động nằm nghỉ ngơi nếu ra máu quá nhiều. Cần hạn chế làm việc nặng nhọc, mất sức vì lúc này cơ thể bị thiếu máu nên rất dễ mệt mỏi.
Ngoài ra, nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, magie, vitamin B1, vitamin B6,… Có thể ăn thêm ngải cứu vì ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm cảm giác đau bụng,…
Đặc biệt, khi bị rong kinh kéo dài, cần uống viên sắt và các thực phẩm chứa sắt để hạn chế tình trạng thiếu máu.
Sau khi đi khám, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm các loại thuốc giảm mất máu, giảm đau, cân bằng nội tiết tố… Nếu nguyên nhân rong kinh do polyp hoặc u xơ tử cung, cần thực hiện phẫu thuật để khắc phục…
Rong kinh kéo dài nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, cần kịp thời điều trị để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống về sau.