Khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sẽ không ít lần bạn thấy trẻ nấc cụt liên tục. Trong lúc này, cần phải xử trí như thế nào? Liệu việc trẻ sơ sinh bị nấc cụt có nguy hiểm hay không? Câu trả lời sẽ được Tạp chí Mẹ và Con bật mí ngay phía dưới đây. Cùng xem ngay nhé!
Nấc cụt (nấc) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Nấc cụt (nấc) là tình trạng thường gặp ở các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Những cơn nấc ở trẻ diễn ra là do cơ hoành bị kích thích không liên tục đồng thời nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột.
Trẻ sơ sinh bị nấc là một biểu hiện sinh lý bình thường “thú vị” đã có từ khi bé còn trong bụng mẹ. Ba mẹ có thể yên tâm vì nấc cụt ở trẻ không khó chịu như người lớn. Nấc cụt không gây khó chịu hay nguy hiểm cho bé. Trẻ sau 12 tháng tuổi, đường tiêu hóa dần hoàn thiện thì số lần bị nấc cụt sẽ giảm đi.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Nếu loại trừ các bệnh nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh, u não… các chuyên ra cho rằng, trẻ sơ sinh bị nấc cụt là do những nguyên nhân sau:
Hệ tiêu hóa gặp vấn đề
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ là biểu hiện dễ thấy nhất khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Khi axit trong dạ dày của trẻ dâng lên, tràn vào thực quản sẽ gây nên hiện tượng nấc cụt ở trẻ nhỏ. Nếu bé có hiện tượng như trên, hãy tới thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để tránh tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Nền nhiệt thay đổi đột ngột
Một nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh bị nấc cục chính là do nền nhiệt bị thay đổi. Nền nhiệt thay đổi đột ngột, không khí lạnh đi vào phổi cũng khiến thân nhiệt trẻ giảm xuống rồi gây nấc cụt. Do vậy, ba mẹ cần lưu ý về việc điều chỉnh nhiệt độ để con thích nghi dần nhé!
Dạ dày căng đầy hơi
Về bản chất thì nấc cụt là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi dạ dày bị căng, đầy khí. Do đó, nếu trẻ cười đùa quá nhiều, bú mẹ hay bú bình không đúng cách cũng khiến cho dạ dày bị ứ đầy hơi, từ đó sinh ra hiện tượng nấc cụt.
Mẹo chữa nấc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh bị nấc cụt thường xuyên khiến ba mẹ lo lắng, bối rối. Những lúc này, ba mẹ cần bình tĩnh để tiến hành những mẹo chữa nấc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới đây:
Xoa lưng cho bé
Xoa lưng nhẹ nhàng hoặc massage vùng lưng cho trẻ không chỉ giúp con ợ hơi tốt hơn mà còn giúp bé mau hết nấc. Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý hạn chế vỗ lưng bé dù mạnh hay nhẹ vì lúc này khung xương của con còn rất non nớt, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động về lực.
Cho trẻ ợ hơi thường xuyên
Cho trẻ ợ hơi thường xuyên trong khi bú hay sau khi ăn cũng là cách ngăn chặn tình trạng trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Do vậy, các mẹ có thể thử để con bú và ngưng lại giữa chừng để bé ợ hơi rồi mới tiếp tục bú tiếp. Điều này có thể giúp giảm nấc rõ rệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Thay đổi tư thế cho bé bú
Bú không đúng cách khiến bé nuốt nhiều khí vào bụng hơn. Lúc này, mẹ nên cho bé nằm nghiêng hoặc để bé tự nghiêng đầu khi bú. Sau khi bé bú xong, mẹ nên giữ bé ở tư thế ngồi thẳng trong khoảng 15 phút kết hợp với động tác xoa lưng để bé ợ và giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị nấc cụt.
Cách dùng núm vú giả chữa nấc cho trẻ nhỏ
Đối với những bé đã bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ có thể ngăn cơn nấc cụt bằng núm vú giả có thoa một ít siro. Việc này giúp cơ hoành của con được thư giãn và giảm tình trạng nấc cụt thường xuyên.
Ngoài ra, đối với những bé bú bình, mẹ cần lưu ý lựa chọn cỡ núm vừa phải, không quá lớn để tránh việc bé vô tình nuốt nhiều không khí khi bú và kéo theo cơn nấc cụt.
Cho bé ăn một ít đường
Vị ngọt của đường sẽ “đánh lừa” các dây thần kinh và ngăn chặn chúng co thắt để cắt đứt cơn nấc cụt. Nhưng mẹ cần lưu ý, cách này chỉ phù hợp với bé đã ăn dặm mà thôi nhé!
Chơi với con cũng là một cách chữa trẻ sơ sinh bị nấc
Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ khi tập trung vào điều khác sẽ quên đi cơn nấc cụt và chúng biến mất từ lúc nào cũng không hay. Do đó, khi bé bị nấc, ba mẹ hãy chơi đùa cùng con để phân tán sự chú ý của bé, làm não bộ quên đi cơn nấc.
Những lưu ý dành cho mẹ khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Mặc dù biết bé nấc cụt thường xuyên thì ba mẹ rất thương rất xót, nhưng ba mẹ không nên áp dụng những cách chữa nấc như:
- Kéo lưỡi hay xương của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Làm cho bé giật mình
- Cho trẻ ăn bánh kẹo đồ chua để chữa nấc.
Thông thường, bé có thể tự qua cơn nấc cụt trong một vài phút. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài khiến bé quấy khóc nhiều, không chịu bú dù đã áp dụng những cách kể trên thì ba mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ nhi để tìm nguyên nhân và chữa trị kịp thời.
Hạn chế trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Có một số cách để hạn chế việc nấc cụt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà mẹ có thể thử dưới đây. Tuy nhiên, ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý rằng việc nấc cụt chỉ là biểu hiện phát triển sinh lý của trẻ, tránh việc mất bình tĩnh, lo lắng quá độ. Thay vào đó hãy thử những phương pháp này để hạn chế trẻ sơ sinh bị nấc cụt nhé!
- Tập trung khi cho bé bú, tránh để bé cười đùa quá nhiều.
- Đảm bảo bé yêu bình tĩnh khi cho bé ăn. Có nghĩa là không đợi cho đến khi bé đói đến mức buồn và khóc trước khi bắt đầu ăn. Khi bé khóc nhiều sẽ nuốt hơi nhiều gây nấc.
- Khi cho bé bú phải thực hiện đúng tư thế và các hướng dẫn để bé không nuốt hơi
- Sau khi bé bú no, mẹ cần dành một khoảng thời gian từ 10 – 20 phút bế bé thẳng đứng để giúp bé nhanh ợ hơi
- Nếu trẻ sơ sinh bị nấc cụt quá thường xuyên, mẹ nên chia nhỏ cữ bú, giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải và nên dùng bình sữa có van chống sặc và chống đầy hơi.
- Nếu mẹ cho con bú sữa mẹ, nên cho bé ợ hơi sau mỗi lần chuyển sang vú kia và cho bé ngậm quầng vú chứ không phải ngậm đầu ti.
- Giữ cho nhiệt độ môi trường xung quanh bé không thay đổi đột ngột bằng cách điều chỉnh điều hòa và thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé.
- Sau khi cho bú, tránh hoạt động nặng với bé, chẳng hạn cho bé nảy lên hay xuống hoặc các trò chơi đòi hỏi bé vận động nhiều.
Nấc cụt là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Do đó, ba mẹ đừng quá lo lắng, xót xa khi thấy con trẻ nấc cụt. Hãy thử áp dụng những mẹo chữa nấc trên để giúp bé mau hết nấc hơn nhé!