Có thai, nhưng thai… lạc chỗ!
Đúng vậy! Thông thường, trứng đã thụ tinh tự gắn nó với niêm mạc tử cung và bắt đầu phát triển ở đấy. Nhưng với thai ngoài tử cung, sự thụ tinh trứng sẽ diễn ra ở một nơi khác. Thai ngoài tử cung hầu hết xảy ra ở một trong các ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung. Ngoài ra, tuy hiếm gặp nhưng thỉnh thoảng còn xuất hiện thai “làm tổ” ở vị trí buồng trứng, bụng hay cổ tử cung.
Do tử cung là nơi duy nhất đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và sự an toàn cho thai phát triển bình thường, nên bất kỳ nơi nào khác đều không thể đảm nhiệm tốt vai trò này của tử cung.
“Lạc chỗ” như vậy nên thai ngoài tử cung hoàn toàn không thể giữ, cũng không thể tiến triển như bình thường. Bạn có thể hình dung một cách đơn giản nhất là nếu một mầm thai lại “lớn lên” ở vị trí bé tí ti như vòi trứng, không có chỗ để phát triển thì chắc chắn sẽ dẫn đến những nguy cơ như vỡ thai, chảy máu, mất máu gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Phát hiện sớm và điều trị sớm thai ngoài tử cung mang ý nghĩa sống còn, vì nếu không cứu kịp, bác sĩ thậm chí phải cắt bỏ một số phần như vòi trứng, buồng trứng, tử cung… dẫn đến cơ hội làm mẹ sau này bị đe dọa.
Nguy hiểm là vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về thai ngoài tử cung. Các bác sĩ đã từng phải cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân bị thai ngoài tử cung mà hoàn toàn không biết. Cứ tự thử que ở nhà, thấy 2 vạch thì yên tâm rằng mình có thai và cứ thế lo bồi bổ, nghỉ ngơi thay vì đến bệnh viện để khám. Chỉ đến lúc thai vỡ, xuất huyết mới đưa đi cấp cứu. Thậm chí, đã có trường hợp thai phụ tử vong trên đường cấp cứu vì không phát hiện kịp thời.
Làm sao để sớm biết thai ngoài tử cung?
Công thức vô cùng đơn giản là theo dõi chặt chẽ chu kỳ hàng tháng của mình. Nếu thấy nghi ngờ và thử que, thấy hai vạch thì việc đầu tiên cần làm là đến bác sĩ để xác định thai có vào đúng chỗ, có phát triển bình thường hay không.
Ngoài ra, bạn cần biết các dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của thai ngoài tử cung thường bao gồm:
– Chảy máu âm đạo.
– Đau bụng dưới.
– Chuột rút ở một bên của xương chậu.
Nếu vỡ vòi trứng, các triệu chứng có thể bao gồm:
– Đột ngột, đau ở xương chậu, bụng, hoặc ngay cả vai và cổ.
– Chóng mặt.
– Hoa mắt.
Lưu ý rằng các dấu hiệu này chỉ mang tính tương đối, vì đã có những trường hợp người bị thai ngoài tử cung không có dấu hiệu gì cả, chỉ đau lâm râm và ra máu âm đạo. Đã có không ít trường hợp thậm chí còn nhầm lẫn đây là máu do… có chu kỳ “đèn đỏ” hàng tháng và không hề quan tâm cho đến khi xuất hiện cơn đau dữ dội.
Những ai nên đề phòng?
Thai ngoài tử cung xảy ra khi một trứng thụ tinh bị mắc kẹt trên đường vào tử cung, thường bởi các ống dẫn trứng sẹo, hư hỏng hoặc biến dạng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người bị thai ngoài tử cung không có vấn đề gì trước đó nên bạn cần thận trọng, đừng cho rằng chuyện này nhất định “chừa tôi ra”.
Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5-10,5 phần ngàn, có nghĩa là cứ 1.000 người có thai thì sẽ có từ 4 đến 10 người có thể bị thai ngoài tử cung. Con số này không nhỏ, nên bạn đừng chủ quan. Đặc biệt, nếu bạn đã từng thực hiện việc nạo hút thai, từng có thai ngoài tử cung trước đó thì càng phải cẩn thận đề phòng.
Một “đối tượng” khác cần thận trọng với thai ngoài tử cung là đã từng bị viêm nhiễm phụ khoa trước đó. Nên biết rằng đa số phụ nữ có thai ngoài tử cung đã có viêm ống dẫn trứng (viêm vòi trứng) hoặc nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng (bệnh viêm vùng chậu). Bệnh lậu hay Chlamydia có thể gây ra vấn đề ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Ngoài ra, việc dùng thuốc kích thích rụng trứng, bị lạc nội mạc tử cung trước đó cũng cần phải đề phòng. Những nguyên nhân khác như: khối u phần phụ như u nang buồng trứng, những phẫu thuật được thực hiện trước đó đến vòi trứng… đều sẽ dẫn đến nguy cơ thai ngoài tử cung.
Làm gì khi thai ngoài tử cung?
Một quả trứng thụ tinh không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung. Vì vậy, ngay khi phát hiện, để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng, các mô ngoài tử cung phải được loại bỏ.
Đôi khi nếu thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, tiêm thuốc methotrexate có thể được sử dụng để ngăn chặn sự tăng trưởng tế bào và hòa tan các tế bào hiện có. Sau khi tiêm, bệnh nhân sẽ tiếp tục được bác sĩ theo dõi giám sát cho đến khi bình ổn lại.
Nếu thai ngoài tử cung không đáp ứng với thuốc hoặc quá lớn, có thể cần phẫu thuật nội soi. Nếu ống dẫn trứng bị hư hại đáng kể, nó có thể cần phải được loại bỏ.
Trong trường hợp thai ngoài tử cung phát hiện muộn, gây chảy máu nặng hoặc ống dẫn trứng đã bị vỡ, có thể cần phải phẫu thuật khẩn cấp thông qua một vết mổ bụng. Trong một số trường hợp, các ống dẫn trứng có thể được sửa chữa. Tuy nhiên thông thường, các ống bị vỡ phải được loại bỏ.
Sau khi điều trị, khả năng có thai lại như thế nào?
Phát hiện càng sớm thai ngoài tử cung để điều trị (lý tưởng nhất là điều trị nội khoa trước khi thai vỡ) sẽ giúp bảo toàn các cơ quan. Điều này đưa đến cơ hội có thai lại bình thường sau đó.
Nói một cách chung chung, thời gian để có thai lại tùy thuộc vào tình trạng số lần mang thai ngoài tử cung, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khỏe và phương pháp điều trị đã được sử dụng. Lưu ý, nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát ở trên một bệnh nhân đã có thai ngoài tử cung sẽ nhiều hơn người chưa bị trên 10%. Thai ngoài tử cung tái phát có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại, trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu đã mổ bảo tồn) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã cắt. Vì vậy, lần mang thai sau bạn cần thận trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Bạn cần nhớ!
Khi thử que thử tại nhà là dương tính (hai vạch), nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán xem khối thai đó nằm ở đâu. Phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp giảm được tình trạng mất máu do thai vỡ, giảm nguy cơ bị choáng và tử vong do thai ngoài tử cung, ngoài ra còn gia tăng khả năng giữ lại được vòi trứng – duy trì khả năng có thai lại bình thường.
Có phòng được không?
Không thể ngăn chặn thai ngoài tử cung, nhưng bạn có thể làm giảm yếu tố nguy cơ nhất định. Ví dụ cần thận trọng để tránh bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, khám phụ khoa định kỳ từ trước lúc lập gia đình để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu.
Nếu đã từng có thai ngoài tử cung, bạn cần dưỡng lại ít nhất 6 tháng trước khi chuẩn bị mang thai lần sau. Và cần chia sẻ với bác sĩ tiền sử trước kia, để có được cách theo dõi tốt nhất, tránh thai ngoài tử cung tái diễn.
95% thai ngoài tử cung có vị trí tại vòi trứng. Vì vòi tử cung nhỏ, thành mỏng, và có 2 mạch máu lớn đi sát với vòi tử cung, nên khi khối thai phát triển ở vị trí này sẽ làm vỡ vòi tử cung gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, y học hay gọi là ngập ổ bụng hoặc tràn máu ổ bụng, lụt máu. Việc tràn máu ổ bụng này có thể dẫn đến tử vong do mất máu quá nhiều nếu như việc chẩn đoán bệnh muộn hoặc không mổ cấp cứu kịp thời.