Một trong những nỗi lo lớn nhất của bố mẹ liên quan đến vấn đề nhi khoa chính là tình trạng trẻ bị sâu răng. Nếu hướng dẫn trẻ chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn có thể hạn chế được tình trạng sâu răng ở trẻ em. Vì thế, đừng bỏ qua bài viết này để cập nhật ngay những biện pháp chăm sóc, phòng ngừa tình trạng sâu răng ở trẻ bạn nhé!
Bố mẹ hiểu gì về sâu răng ở trẻ em?
Sâu răng ở trẻ em là gì?
Nếu vi khuẩn trong khoang miệng sản sinh ra axit và tấn công vào men răng, trên răng của trẻ sẽ hình thành các lỗ sâu, gây đau và nhiễm trùng. Tình trạng này được gọi là sâu răng ở trẻ em. Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng có thể khiến trẻ khó chịu, bỏ ăn uống và khi lỗ sâu răng rộng hơn, trẻ sẽ có thể bị mất răng vĩnh viễn.
Dấu hiệu sâu răng ở trẻ em
Thông thường, sẽ khó để có thể phát hiện trẻ bị sâu răng giai đoạn đầu do không có quá nhiều dấu hiệu nhận biết. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn sẽ thấy những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng sâu răng ở trẻ em như răng trẻ có những lỗ nhỏ, nứu sưng và đau, răng bị đổi màu, có màu đen. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như:
- Hơi thở có mùi
- Trẻ đau răng khi nhai hoặc cắn thức ăn, thường xuyên bỏ bữa, sợ ăn
- Răng ê buốt, nhạy cảm với thức ăn nóng hoặc lạnh
- Đau răng không lý do
- …
Nếu nghi ngờ đây là dấu hiệu sâu răng ở trẻ em, bạn nên trực tiếp đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở nha khoa để được thăm khám, chẩn đoán.
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
Tình trạng sâu răng ở trẻ em thường do các mảnh vụn của thức ăn mắc lại bên trong kẽ răng. Các mảnh vụn này được vi khuẩn cư trú trong khoang miệng lên men carbohydrate để tạo ra axit, từ đó tấn công men răng và gây tổn thương cho men răng. Hơn nữa, các vi khuẩn có trong khoang miệng khi không được vệ sinh sạch sẽ sẽ tạo ra mảng bám chứa axit để ăn mòn men răng và tạo nên những lỗ sâu ở răng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng ở trẻ em bao gồm:
Tình trạng sức khỏe ở trẻ
Trẻ sẽ có nguy cơ sâu răng cao hơn nếu mắc một số bệnh, chẳng hạn như dị ứng mãn tính. Lúc này, trẻ sẽ phải thở bằng miệng dẫn đến khô miệng, gia tăng nguy cơ gặp phải tình trạng sâu răng ở trẻ em.
Ăn nhiều đồ ngọt
Trẻ em thường rất thích ăn các loại đồ ngọt như kem, bánh kẹo, socola,…. Các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ và làm tăng nguy cơ gây sâu răng. Do đó, bố mẹ nên chú ý xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chứa quá nhiều đường làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ.
Thói quen vệ sinh răng miệng
Sau khi ăn hoặc bú bình nhưng không súc miệng, đánh răng sẽ làm các mảnh vụn của thức ăn cũng như đường từ thực phẩm bám trên răng và tăng nguy cơ sâu răng.
Thói quen bú bình vào ban đêm
Bạn có biết, bú bình cũng là một nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em? Sữa có chứa đường và bám lại trên răng của trẻ, từ đó khiến vi khuẩn phát triển nhanh chóng và làm tổn thương răng của trẻ.
Thiếu fluoride
Thiếu fluoride có thể gây nên tình trạng sâu răng ở trẻ em bởi fluoride là một chất khoáng tự nhiên với công dụng bảo vệ răng cũng như giúp phục hồi những tổn thương ở răng trong giai đoạn đầu. Vì thế, nếu thiếu fluoride, trẻ sẽ có nguy cơ sâu răng cao hơn bình thường.
Fluoride thường được bổ sung vào kem đánh răng, nước máy, nước súc miệng,… Bố mẹ có thể chủ động bổ sung fluoride để trẻ có một hàm răng chắc khỏe hơn.
Điều trị sâu răng ở trẻ em như thế nào?
Khi trẻ có những dấu hiệu sâu răng, bố mẹ có thể đưa trẻ đến các nha khoa để được kiểm tra. Tuỳ theo tình trạng sâu răng có nghiêm trọng hay không, bác sĩ sẽ đưa ra hướng đều trị thích hợp. Một số phương pháp thường được chọn lựa bao gồm:
Điều trị bằng fluoride
Nếu tình trạng sâu răng ở trẻ em chỉ đang ở giai đoạn đầu, các đốm trên răng còn nhỏ và chỉ xuất hiện thưa thớt, các bác sĩ sẽ sử dụng fluoride để phục hồi các tổn thương của men răng.
Lúc này, bác sĩ sẽ bôi fluoride dưới dạng gel, bọt… lên những chiếc răng sâu để che phủ các lỗ sâu này. Hơn nữa, fluoride được bôi lên còn giúp cung cấp các khoáng chất cho răng để răng thêm chắc khỏe. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể cho bé sử dụng thêm kem đánh răng chứa fluoride để tăng hiệu quả điều trị sâu răng ở trẻ em.
Trám răng
Nếu trên răng sâu đã xuất hiện những lỗ sâu lớn nhưng không quá nghiêm trọng và chưa làm tổn thương tuỷ răng, trẻ sẽ được trám lỗ sâu răng bằng amalgam nha khoa hoặc nhựa sứ để bảo vệ phần răng còn lại và giữ cho bề mặt răng thẩm mỹ hơn.
Lấy tủy và trám răng
Phương pháp điều trị sâu răng ở trẻ em này thường chỉ được áp dụng khi tình trạng sâu răng đã diễn tiến nghiêm trọng, được chẩn đoán có thể gây viêm tuỷ răng và buộc trẻ phải nhổ bỏ răng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Lúc này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần tuỷ răng đã bị nhiễm trùng, sau đó làm sạch lỗ trống trên răng và bắt đầu trám lại hoặc bọc mão răng.
Gắn mão răng
Nếu tình trạng sâu răng ở trẻ em ở mức trung bình nặng, không trám được, trẻ sẽ được nha sĩ chỉ định bọc mão răng – một loại vỏ bọc tuỳ chỉnh theo hình dáng của răng. Vỏ bọc này sẽ giúp bảo vệ răng của trẻ cũng như giúp vỏ tự nhiên của răng được phục hồi.
Khi bọc mão răng để điều trị tình trạng sâu răng ở trẻ em, nha sĩ sẽ mài răng để bỏ đi phần răng hư, sau đó trám lại răng và mài mặt nhai cùng mặt bên. Tiếp theo, nha sĩ sẽ dùng cao hoặc bột để lấy dấu răng phục hình mão và dùng mão chụp lên răng, từ đó bảo vệ răng của trẻ, ngăn cho răng bị hư hại thêm.
Nhổ răng
Nhổ răng là lựa chọn mà các nha sĩ thường không mong muốn khi điều trị sâu răng ở trẻ em. Thông thường, nha sĩ sẽ chỉ định nhổ khi răng đã bị hư hại nhiều, không thể phục hồi. Răng được nhổ đi sẽ hạn chế được tình trạng lây cho các răng bên cạnh.
Tuy nhiên, việc nhổ răng có thể khiến bé gặp khó khăn trong việc ăn uống và gây mất thẩm mỹ. Lúc này, các nha sĩ sẽ cân nhắc chỉ định việc cấy ghép hoặc làm cầu răng sau khi nhổ răng sâu.
Phải làm sao để ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em?
Sâu răng ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân này đều có thể ngăn ngừa nếu chăm sóc răng miệng đúng cách. Bạn nên cùng trẻ bảo vệ răng chắc khỏe bằng cách:
- Dùng gạc hoặc dụng cụ rơ miệng để vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ khi trẻ còn là trẻ sơ sinh và chưa có cái răng nào
- Khi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, hãy dùng bàn chải mềm và kem đánh răng co trẻ em có chứa fluoride để đánh răng cho trẻ
- Hạn chế tình trạng trẻ vừa ngủ vừa bú bình
- Cho trẻ vệ sinh răng miệng trước khi ngủ
- Hướng dẫn trẻ thường xuyên súc miệng sau khi ăn hoặc dùng các loại thực phẩm, thức uống có chứa đường và axit
- Sử dụng nước có chứa fluoride hoặc tham khảo nha sĩ các biện pháp bổ sung fluoride
- Không cho trẻ dùng chung dụng cụ ăn uống với người lớn. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm vi khuẩn dẫn đến tình trạng sâu răng ở trẻ em mà còn giúp bảo vệ sức khỏe hô hấp, tiêu hóa,… ở trẻ
- Cho trẻ dùng thức uống lỏng (nước, sữa,…) bằng ly/cốc thay vì bằng bình bú
- Hạn chế cho trẻ dùng các loại thực phẩm có chứa nhiều đường
- Cho trẻ đi khám răng thường xuyên từ khi trẻ bắt đầu mọc răng để kịp thời phát hiện các bất thường về răng miệng
- Chọn bàn chải thích hợp và thay bàn chải sau mỗi 3 tháng sử dụng
- Đánh răng 2 ngày một lần (sáng và tối), dùng thêm dụng cụ cạo lưỡi
Chế độ ăn uống hạn chế tình trạng sâu răng ở trẻ em
Chế độ dinh dưỡng phù hợp, sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh sẽ góp phần ngăn ngừa và cải thiện sâu răng ở trẻ em. Khi nấu ăn cho trẻ, bạn nên chú ý:
- Bổ sung thêm phô mai để cung cấp canxi tốt cho răng và xương của trẻ
- Nên cho trẻ ăn thêm các loại rau củ quả và trái cây như lê, cần tây, dưa hấu, dưa chuột, bông cải và các loại rau xanh,… Những loại trái cây và rau củ này thường chứa nhiều chất xơ và ít đường nên rất tốt cho sức khỏe răng miệng của trẻ
- Hạn chế các loại thức ăn có tính chất dinh như kẹo dẻo, bánh bột lọc, kẹo dừa,… vì chúng có nguy cơ dính lại kẽ răng và làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ em.
Sâu răng ở trẻ em không chỉ khiến trẻ cảm thấy đau nhức khó chịu mà còn tăng nguy cơ mất răng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể mất nhiều chi phí để điều trị, khắc phục. Do vậy bạn nên hướng dẫn trẻ các biện pháp chăm sóc răng miệng ngay khi con còn nhỏ để giúp con có hàm răng chắc khỏe, sáng bóng, không bị ảnh hưởng bởi sâu răng nhé!