Mẹ&Con - Việc vệ sinh răng miệng vô cùng quan trọng và cần thiết đối với trẻ nhỏ. Vì thế, bạn hãy xây dựng cho con thói quen này ngay từ khi con còn bé nhé!

Nhiều người nghĩ rằng khoảng thời gian đầu đời việc vệ sinh răng miệng cho bé là không cần thiết, đặc biệt khi con bước vào thời kỳ ăn dặm, chỉ cần uống nước cũng coi như là súc miệng rồi. Điều này đang vô tình gây hại cho bé. Thực chất, trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp phải các vấn đề về răng miệng như sâu răng sữa, viêm nướu, viêm loét miệng… Vậy nên, ngay từ khi con còn uống sữa, ăn dặm, các mẹ hãy tạo cho bé thói quen đánh răng và làm sạch răng miệng nhé!

đánh răng

Vì sao nên vệ sinh răng miệng cho trẻ trong tuổi ăn dặm?

Mặc dù trong khoảng thời gian này bé chủ yếu là bú sữa, ăn cháo, bột ăn dặm.. nhưng các mảng bám vẫn có thể tồn đọng ở nướu và răng, cần phải được làm sạch. Hơn nữa, việc đánh răng và làm sạch răng miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ từ những năm tháng đầu đời sẽ giúp ích cho việc mọc răng sữa của trẻ. Đồng thời, tạo thói quen lành mạnh giúp bé giữ gìn nụ cười xinh. 

Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ

  • Nếu bé chưa mọc răng, mẹ nên sử dụng băng gạc hoặc vải mềm nhúng vào nước ấm sạch hoặc nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng nướu của trẻ 1 lần/ngày. Nếu bé bắt đầu mọc răng mẹ có thể dùng bàn chải đánh răng dạng có lông bàn chải thật mềm để chải sạch răng cho bé. Hãy dùng với nước hoặc nước muối sinh lý, nhẹ nhàng xoay và chải từng khóm răng và cả 3 mặt ( mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai) của răng bé. 
  • Ngoài ra, khi bé được 3 tuổi, hãy bắt đầu cho bé làm quen với kem đánh răng. Kem đánh răng có chứa fluoride giúp răng chắc khỏe và ngăn ngừa sâu răng. Ban đầu trẻ sẽ không thích hoặc nuốt phải một lượng nhỏ kem đánh răng nhưng bố mẹ hãy thật kiên nhẫn để hướng dẫn, nhắc nhở và tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho bé nhé!

dạy con đánh răng

Lưu ý khi vệ sinh răng miệng cho trẻ ăn dặm

  • Bố mẹ nên giúp bé tạo thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi ăn và trước khi ngủ. Hãy tạo không khí vui nhộn mỗi khi đánh răng bằng cách kể chuyện, ca hát hoặc bật nhạc để bé biết được rằng đánh răng là niềm vui.
  • Trước và sau khi mọc răng, nếu bé bú hoặc ăn thì sau đó bố mẹ nên cho bé uống chút nước, rồi dùng băng gạc hoặc vải mềm bọc vào ngón tay để lau sạch răng, nướu và lưỡi của bé.
  • Không vệ sinh răng miệng cẩn thận cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm mọc răng ở trẻ nhỏ. Nếu không thường xuyên đánh răng, bé có thể bị viêm lợi, nhiễm khuẩn khoang miệng. Vậy nên, khi có các dấu hiệu chậm mọc răng, bố mẹ nên đưa bé đến gặp nha sĩ để xem xét tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn vệ sinh đúng cách trong trường hợp của bé.
  • Thay bàn chải 3 tháng/lần hoặc khi lông bàn chải bị xơ cứng để tránh làm tổn thương tới phần nướu. Nếu trẻ trên 3 tuổi, bạn đã có thể sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mặt trong của răng.
  • Bố mẹ không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ hoặc cho trẻ sử dụng chung muỗng đũa với người thân bị các vấn đề về răng miệng, vì như vậy sẽ truyền vi khuẩn qua cho bé. Bé còn quá nhỏ và sức đề kháng còn yếu để có thể chống lại những vi khuẩn này, vậy nên hãy nói không với những hành động kể trên để bảo vệ con nhé!

cả nhà cùng đánh răng

Để răng miệng của bé phát triển khỏe mạnh

Bên cạnh việc thường xuyên vệ sinh răng miệng cho bé, bố mẹ cũng cần lưu ý không nên cho bé ngậm bình sữa quá lâu vì sẽ làm hại tới răng. Đặc biệt khi mọc răng, trẻ thường có thói quen ngậm chặt, cắn núm bình khiến răng bị ngâm trong sữa, làm hỏng men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dễ gây sâu răng. Ngoài ra, không nên cho bé mút đầu ngón tay hoặc ngậm ti giả vì sẽ khiến răng mọc không đều, không thẳng hàng. Chú ý quan sát không để trẻ nhai một bên vì sẽ khiến hàm bị lệch và mất cân đối khuôn mặt. 

Các cụ ta có câu “Cái răng cái tóc là vóc con người”. Ngày nay, một hàm răng đẹp có thể giúp chúng ta tự tin và tỏa sáng mọi lúc, cũng như tiết kiệm được một khoản kha kha tiền chỉnh sửa, làm răng. Do đó, ngay từ những năm tháng đầu đời Mẹ&Con khuyên bạn hãy tạo cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng để bảo vệ con khỏi các vấn đề về răng miệng cũng như nụ cười rạng rỡ của trẻ nhé! 

Bài viết liên quan