Mỗi khi sự việc xảy ra, cha mẹ thường chọn cách la mắng con cái để giải quyết vấn đề nhanh chóng và giải tỏa cơn tức giận của mình. Tuy nhiên, cách giáo dục này không chỉ thiếu thông suốt mà còn làm giảm trạng thái cảm xúc của trẻ. Nghiêm trọng hơn còn có thể làm mất hạnh phúc gia đình và làm cho trẻ có thể bộc phát tính cách đối nghịch, “lì lợm” hơn. Vì thế, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu cách những cha mẹ thông minh đã dạy con cái họ ngoan ngoãn như thế nào nhé!
Phân biệt được “la mắng” và “dạy bảo”
Đầu tiên, những cha mẹ thông minh đều biết phân biệt được giữa “la mắng” và “dạy bảo”. Việc la mắng sẽ mang nghĩa lên án mạnh mẽ, bộc lộ trạng thái tức giận và chỉ nên dùng khi trẻ đã gây ra những tội lỗi rất tệ. Bên cạnh đó, dạy bảo lại mang hàm ý giải thích lý lẽ nhiều hơn, nói rõ cho trẻ hiểu được mặt đúng – sai của sự việc, hướng dẫn con biết cách giải quyết vấn đề đúng đắn hơn, rút kinh nghiệm tốt hơn cho lần sau.
Trẻ con rất vô tư, chúng luôn muốn thể hiện tính cách của mình và đòi hỏi cha mẹ phải thừa nhận và đánh giá chúng thật đặc biệt. Đối với trẻ, việc được thừa nhận và đánh giá cao chính là lời khen ngợi, sự công nhận quý giá. Những lời khen sẽ tác động một cách tích cực lên hành vi, suy nghĩ của trẻ, hành động này giống như cơ thể được nạp thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, nếu như trẻ không được thừa nhận mà chỉ toàn bị la mắng, đánh đập suốt trong một thời gian dài và liên tục, dần dần con sẽ trở nên “suy dinh dưỡng”, việc nuôi dạy con khỏe mạnh về cả tinh thần và thể chất có thể trở nên khó khăn hơn.
Cha mẹ nên lưu ý rằng, dù cho trẻ làm sai điều gì to tát đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên vừa dạy bảo vừa hét to, đe dọa và dùng bạo lực với con. Những việc làm này sẽ càng khiến trẻ không hiểu mình vừa làm sai điều gì, vừa sinh ra tâm lý đối nghịch và không muốn vâng theo lời cha mẹ nữa. Nguy hiểm hơn, một số trẻ sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài.
Nuôi dạy con cái là cả một hành trình dài cần rất nhiều kiên nhẫn, lòng yêu thương và sự thấu hiểu. Phân biệt rõ ràng những hậu quả của sự “la mắng” và “dạy bảo” sẽ giúp bạn hiểu được biện pháp giáo dục nào là phù hợp nhất với trẻ.
Cha mẹ thông minh cho trẻ cơ hội để trải nghiệm hành vi
Cha mẹ thông minh hiểu rằng, con cái có quyền được mắc sai lầm, vì đó là cách con nhận lấy những bài học và kinh nghiệm đầu đời cho mình. Họ luôn sẵn sàng cho trẻ được trải nghiệm các hành vi sai trái mà không quá nổi giận khi đối diện với những lỗi sai của trẻ.
Nếu trẻ làm gì đó không đúng, cha mẹ nên để con tự trải nghiệm hậu quả của những hành vi đó. Không nhất thiết phải thuyết giảng quá nhiều cho trẻ. Ví dụ như trẻ ném đồ chơi lung tung và cha mẹ yêu cầu con nhặt lên nhưng trẻ không chịu hoặc trẻ ném đồ chơi làm vỡ đồ trong nhà, cách tốt nhất là không cho bé chơi hoặc thậm chí là chạm vào món đồ đó trong khoảng thời gian nhất định. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được rằng phải biết trân trọng những món đồ trong nhà và không nên ném lung tung nữa.
Hoặc nếu như trẻ cố tình làm hỏng đồ chơi ví dụ như bẻ tay hoặc chân búp bê/mô hình siêu nhân, đương nhiên trẻ sẽ không có được món đồ chơi đó thêm một lần nào nữa.
Không cãi nhau trước mặt con cái
Cha mẹ thường xuyên cãi nhau trước mặt con cái sẽ khiến chúng trở nên bất an, lo lắng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm giảm năng lượng về thể chất của con. Trẻ sẽ không hiểu tại sao những người thân thiết bên cạnh mình luôn dùng những ngôn từ khó nghe để làm tổn thương nhau. Việc cha mẹ bất hòa, căng thẳng mỗi ngày, thậm chí là dùng bạo lực với nhau sẽ để lại cho con những bóng ma tâm lý rất lớn, dễ bị sang chấn tâm lý tiêu cực, rối loạn hành vi, đặc biệt là trong độ tuổi phát triển.
Một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những mâu thuẫn và tranh cãi gay gắt của cha mẹ, người nuôi dưỡng chúng. Trẻ từ 1 – 19 tuổi sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những xung đột trong đời sống hôn nhân của cha mẹ. Việc chứng kiến cảnh cha mẹ chúng cãi nhau một cách công khai, những đứa trẻ sơ sinh cũng đã có những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của người lạ.
Đối với những trẻ ở lứa tuổi lớn hơn, chúng còn sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, ảnh hưởng đến tích cách và hành vi của con, đặc biệt còn có những biểu hiện ra bên ngoài như trở nên hung hăng, thù địch, thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, còn bên trong thì thường có cảm giác bất an, lo lắng, thậm chí có ý nghĩ tự tử…
Cha mẹ tiêu cực sẽ luôn thích làm tổn thương con cái bằng những cảm xúc tồi tệ của bản thân họ, trong khi cha mẹ thông minh luôn biết cách dẫn dắt trẻ bằng những lời nói và hành vi tích cực, lạc quan.
Không nên xem trẻ như một đứa trẻ
Nếu như bạn mãi xem con cái là một đứa trẻ, chắc chắn chúng sẽ không thể trưởng thành được mà luôn có một thái độ cáu kỉnh, nhõng nhẽo với cha mẹ. Trẻ cần được học cách quản lý và kiềm chế cảm xúc của bản thân như tức giận, buồn bã như một người lớn. Để làm được điều đó, những cha mẹ thông minh luôn biết cách tạo nên những cơ hội để con học được cách trưởng thành, giúp trẻ họ được cách kiểm soát và giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh hơn, ví dụ như ra ngoài chạy bộ, bơi lội hoặc nghe nhạc, vận động thể thao, làm những gì mà trẻ thích.
Cha mẹ thông minh cũng luôn thể hiện sự tôn trọng với con cái, đặc biệt họ sẽ tôn trọng cá tính và cảm xúc của con. Họ luôn giữ cho mình trạng thái cân bằng và bình tĩnh mỗi khi đối diện với các vấn đề của trẻ, đặc biệt là khi con bộc lộ cảm xúc thật của mình.
Nói những điều tốt đẹp của trẻ với mọi người
Ở những buổi gặp mặt giữa những phụ huynh, dù là tình cờ hoặc có hẹn trước, cha mẹ thường để bọn trẻ chơi cùng nhau và sẽ ngồi nói chuyện cùng với bạn bè/đồng nghiệp/phụ huynh khác, rồi vô tình than thở về những điều không tốt của trẻ. Có rất nhiều cha mẹ làm điều này, và đây chính là một sai lầm trong giáo dục con cái. Theo một cách bản năng, hầu hết họ thường nói ra những câu đại loại như “Con nhà anh/chị trông ngoan ngoãn và chăm học quá nhỉ! Con nhà em chỉ được mỗi cái chơi là giỏi thôi”…
Dù là những câu chỉ khen khách sáo thôi, nhưng chúng ta cũng không nên mang con mình ra so sánh và chê bai chúng trước mặt người khác. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ còn nhỏ lắm, không biết gì đâu. Đôi khi chúng không để ý hoặc quên luôn những điều không hay mà cha mẹ nói về mình với người khác.
Trên thực tế, một câu nói xấu về trẻ của bạn với người khác, khi lọt vào tai con, chúng sẽ nhạy cảm và ấn tượng hơn rất nhiều lần những câu khen ngợi trực tiếp. Nếu như vậy, làm sao bạn có thể mong muốn thay đổi được hành vi của trẻ khi chúng đã bị ấn tượng về việc mình là “một đứa trẻ hư” trong mắt cha mẹ?
Điều này nói lên rằng, bạn nên nghĩ rằng cách “mắng” gián tiếp đến trẻ với người khác sẽ giúp con nghe thấy và khắc phục những điểm đó. Cha mẹ thông minh luôn biết cách tận dụng sự có mặt của người khác để nói về những điểm tốt của con mình, để chúng có thể nghe thấy và cảm thấy rằng mình tự hào và mình được tự hào, chúng sẽ phát huy hơn về những điểm tốt đó. Việc phát huy những ưu điểm luôn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc sửa chữa những khuyết điểm chưa tốt của con.