Theo một nghiên cứu từ những năm gần đây cho thấy, hầu hết những đứa trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm dẫn đến tự tử cao hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, cha mẹ hướng dẫn và giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp con bảo vệ bản thân và cải thiện sức khỏe tinh thần ổn định tốt hơn những đứa trẻ cùng lứa khác.
Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn nên cần được dạy dỗ, rèn luyện và duy trì ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ đã lớn nhưng vẫn còn rụt rè, bạn vẫn có thể giúp con vượt qua mặc cảm, tự ti bằng cách rèn giũa kỹ năng này. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Lý do trẻ nên học kỹ năng giải quyết vấn đề từ bé
Rất nhiều người suy nghĩ, làm trẻ em thật sướng vì chúng thật vô lo vô tư. Tuy nhiên bạn lại không hề biết rằng, trẻ nhỏ thời nay phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mỗi ngày, từ những khó khăn trong quá trình học tập, áp lực điểm số, các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè, các hoạt động thể dục thể thao… Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được trang bị công thức để mạnh mẽ, tự tin giải quyết các vấn đề của chúng.
Cũng chính vì bản tính e dè, rụt rè từ nhỏ nên nhiều trẻ đã chọn cách chạy trốn thay vì đối mặt và giải quyết từng vấn đề một. Đây cũng là lý do tại sao nhiều trẻ gặp nhiều rắc rối trong việc học tập cũng như khó khăn trong việc duy trì tình bạn. Thông thường, những đứa trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề thường có xu hướng không suy nghĩ cẩn trọng trong việc làm và không định hướng được mình nên làm những gì mới đúng.
Chẳng hạn như khi con bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt ở trường, một số trẻ sẽ đánh lại bạn hoặc bỏ chạy khỏi nơi đó thay vì suy nghĩ ra cách khác để chấm dứt tình trạng này. Vì thế, để bảo vệ con khỏi nguy cơ bắt nạt hoặc “giải phóng” trẻ khỏi tính cách nhu nhược, dễ đầu hàng… cha mẹ đừng bỏ qua những gợi ý sau đây để giúp con học được cách giải quyết vấn đề cũng như rèn luyện tính cương trực ngay từ hôm nay nhé!
Cách giúp con giải quyết vấn đề hiệu quả
Thông thường trẻ em khi đối mặt với vấn đề nào đó sẽ có xu hướng nghĩ rằng chúng quá sức với mình hoặc do bản tính rụt rè nên thường cảm thấy mặc cảm, vô vọng nên không muốn cố gắng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể bày cho trẻ những “công thức” chung rõ ràng để giúp con có thể tự tin vào khả năng của mình và áp dụng nó thường xuyên trong cuộc sống.
Bước 1: Xác định vấn đề
Khi trẻ đang gặp phải một tình huống khó xử nào đó, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy vấn đề nằm ở đâu sẽ có hướng giải quyết cụ thể hơn. Khi mới bắt đầu tập làm quen với việc giải quyết vấn đề, bạn có thể đưa ra một số vấn đề cụ thể như một bài tập cho con dễ hình dung như “Tại sao con không có bạn chơi cùng?” hoặc là “Con có thật sự muốn món đồ chơi đó nữa hay không?”.
Bước 2: Lập ra những giải pháp cụ thể
Bước này rất quan trọng vì nó có thể giúp con rèn luyện việc vận dụng trí nao để tìm ra được những cách để giải quyết các vấn đề tốt nhất. Nhấn mạnh là tất cả các ý tưởng mà con nghĩ đến đều có thể trở thành giải pháp hữu hiệu, ngay cả những câu trả lời tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhảm nhí nhưng chúng vẫn có thể trở thành một giải pháp không ngờ. Điều quan trọng trong bước này là việc cho trẻ hiểu được rằng, chỉ với một chút sáng tạo thôi chúng cũng có thể đưa ra rất nhiều giải pháp tiềm năng rồi.
Bước 3: Xác định ưu – nhược điểm của các giải pháp
Lúc mới đầu thực hành, bạn có thể ngồi cùng con đưa ra các ưu – nhược điểm mà giải pháp có thể mang đến khi con áp dụng. Nếu như trẻ đã biết viết, bạn có thể lập ra một cái bảng và chia thành 2 cột lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn cho từng giải pháp và cùng con liệt kê chúng ra một cách tỉ mỉ.
Bước 4: Chọn lựa 1 giải pháp cụ thể
Sau khi đã phân tích và đánh giá được những kết quả tích cực và tiêu cực của các giải pháp trên, bạn có thể khuyến khích con lựa chọn một giải pháp mà con nghĩ là khả quan và mang đến hiệu quả nhất.
Bước 5: Kiểm chứng hiệu quả
Hãy thử giải pháp đã chọn ở bước 4 và xem điều gì xảy ra. Nếu như cách làm này không mang đến hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, bạn có thể động viên con hãy thử một lựa chọn khác từ những danh sách mà con đã suy nghĩ và đánh giá được ở bước trên 2 và 3.
Những lưu ý khi thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề
Khi gặp một vấn đề cụ thể nào đó xảy ra, cha mẹ không nên giúp con làm ngay. Thay vào đó hãy cùng con thực hiện lại những bước giải quyết vấn đề ở trên. Cha mẹ vẫn có thể sẵn sàng hướng dẫn khi con cần hỗ trợ, tuy nhiên vẫn nên khuyến khích trẻ tự mình giải quyết vấn đề của bản thân trước.
Nếu con đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các giải pháp, bạn có thể cùng con ngồi thảo luận xem nên làm những gì để mang lại hiệu quả. Nhưng cha mẹ nên nhớ, đừng tự động nói ra ngay phương án của mình, hãy gợi ý cho con liên tưởng đến việc bạn đang nghĩ để giúp con vận dụng não hiệu quả hơn là ỷ y vào người khác.
Ngoài ra, việc vận dụng kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là khi bạn thấy trẻ có những hành vi cần phải chỉnh sửa. Ví dụ như bạn có thể ngồi xuống cùng con và nói “Dạo gần đây mẹ thấy con đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập đúng giờ. Mình cùng giải quyết vấn đề này nhé!” hoặc là “Mẹ thấy hôm qua con lại quên đánh răng trước khi ngủ đúng không nào? Bây giờ chúng ta nên làm gì để đảm bảo không lặp lại việc này nữa nhỉ?”
Trẻ nhỏ thường sẽ nghĩ ra rất nhiều những giải pháp sáng tạo, vì trí tưởng tượng của con là vô hạn. Vì thế, đôi khi bạn chỉ cần gợi ý nhỏ với trẻ một số việc, con đã có thể tự phát triển chúng ra thành rất nhiều ý tưởng hay ho.
Khi trẻ tự mình làm được một việc gì đó, bạn đừng quên khen ngợi trẻ để giúp con có thêm động lực cho lần sáng tạo tiếp theo nhé!
Dù kết quả thế nào, hãy cho phép chúng được xảy ra
Kết quả của những việc làm dù như thế nào cũng ít nhiều có thể giúp con nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề. Vậy nên nếu được, bạn nên cân nhắc cho con đối diện với những hậu quả mà con chưa từng được đối diện bao giờ, miễn là bạn vẫn đảm bảo trẻ vẫn an toàn.
Chẳng hạn như bạn cho trẻ một số tiền và mặc sức cho trẻ tiêu hết số tiền đó vào những trò chơi con yêu thích dù chỉ mới vào khu trò chơi được 10 phút. Sau đó bạn sẽ cùng trẻ đi vòng vòng khu trò chơi mà không tiêu thêm bất kỳ một đồng nào cả vì trẻ đã chót tiêu hết rồi.
Sau đó khi về đến nhà, bạn có thể cùng con thảo luận về kỹ năng giải quyết vấn đề để lần sau con có được những lựa chọn tốt hơn cho mình, ví dụ như “Trong số những trò chơi đấy, con cảm thấy trò chơi nào con chán nhất?”, “Con cảm thấy như thế nào nếu chúng ta dùng số tiền chơi trò chơi lúc đấy để mua một bữa ăn thật ngon miệng?”.
Ngay cả những người lớn như chúng ta cũng phải cần rất nhiều thời gian để thuần thục một thói quen nào đấy. Và trẻ nhỏ cũng thế. Do đó, bạn nên kiên nhẫn hơn với trẻ để con có thể tự tin vận dụng não bộ của mình nhé. Nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ trở nên độc lập và tự tin hơn đấy!