Những rối loạn cảm xúc ở giai đoạn tuổi học đường nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến căn bệnh trầm cảm tuổi học đường nguy hiểm. Gia đình và nhà trường cần phối hợp với nhau để có thể chăm sóc trẻ tốt nhất, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh trầm cảm tuổi học đường là gì?
Trầm cảm tuổi học đường là một căn bệnh rối loạn tâm thần và cảm xúc ở tuổi thiếu niên. Về mặt y học, căn bệnh này không khác gì so với chứng trầm cảm ở người lớn. Tuy nhiên, các triệu chứng ở thanh thiếu niên có thể khác hơn so với chứng bệnh trầm cảm ở người lớn do ở độ tuổi này, thanh thiếu niên phải đối mặt với áp lực từ bạn bè, thay đổi nồng độ hormone và cơ thể đang phát triển.
Trầm cảm tuổi học đường có thể khiến người bệnh căng thẳng, lo lắng và tình huống nghiêm trọng nhất là tự tử. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh khác trong cuộc sống như sa sút trong học tập, cô lập bản thân với bạn bè dẫn đến bị bạo lực học đường,… Trong đó, tỷ lệ thanh thiếu niên nữ mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần so với nam giới.
Cần phải hiểu rằng, trầm cảm tuổi học đường không phải là một tình trạng đơn giản mà chỉ cần những câu động viên đơn giản như “vui lên”, “cố gắng lên” là có thể “thoát khỏi” hoặc chỉ đơn giản là “vui lên”. Đây thật sự là một căn bệnh và cần có những biện pháp điều trị phù hợp.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện con mắc bệnh trầm cảm tuổi học đường?
Các triệu chứng của căn bệnh trầm cảm tuổi học đường thường rất khó để phát hiện kịp thời bởi phụ huynh thường nhầm lẫn căn bệnh này với các diễn biến tâm lý nghịch ngợm của giai đoạn tuổi dậy thì. Một số biểu hiện giúp bố mẹ dễ dàng nhận biết con có đang rơi vào tình trạng trầm cảm tuổi học đường hay không:
- Trẻ thường xuyên buồn bã, cáu kỉnh hoặc khóc
- Thèm ăn hoặc chán ăn, có sự thay đổi bất thường về cân nặng
- Giảm hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
- Thường xuyên buồn chán
- Năng lượng giảm sút đáng kể
- Khó tập trung trong bất kỳ việc gì kể cả việc học
- Có cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy
- Có những thay đổi lớn trong thói quen ngủ, thường xuyên ngủ ngày thức đêm
- Nói hoặc nghĩ đến việc tự tử
- Không tham gia các hoạt động sau giờ học
- Tự cô lập mình, không đến những nơi đông người, có bạn bè
- Thành tích học tập kém đi
- Có hành vi gây tổn thương chính mình và những người xung quanh
Một số triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm tuổi học đường nhưng cũng có thể là những thay đổi thoáng qua trong cơ thể trẻ khi con đang trong giai đoạn phát triển. Vì thế, bố mẹ cần quan sát con trong một thời gian để xem những dấu hiệu này có diễn ra liên tục hay không, có kết hợp với các dấu hiệu khác hay không, từ đó chọn cách xử lý phù hợp nhất.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh trầm cảm tuổi học đường?
Không có nguyên nhân nào được xác định là nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng bệnh trầm cảm tuổi học đường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm thường có các điểm chung như:
Sự khác biệt trong cấu trúc não
Chất dẫn truyền thần kinh là những chất hóa học quan trọng trong não ảnh hưởng đến cách các tế bào não giao tiếp với nhau. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng và hành vi. Trong đó, serotonin, dopamine và norepinephrine là các chất dẫn truyền có ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh trầm cảm ở tuổi học đường mà chúng ta đang nhắc đến.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thanh thiếu niên bị trầm cảm có sự khác biệt về cấu trúc não, nồng độ hormone và mức độ dẫn truyền thần kinh trên não. Cụ thể, trong não của bệnh nhân mắc chứng trầm cảm thường có mức serotonin, dopamine và norepinephrine thấp hơn hẳn so với người bình thường.
Những ký ức “đen tối”
Một sự kiện đau buồn ở những năm tháng đầu đời như bố hoặc mẹ hoặc người thân thiết trong gia đình qua đời, trẻ bị “lạm dụng”, bị bạo hành gia đình,… đều có thể để lại ấn tượng lâu dài với trẻ. Những ký ức này sẽ ảnh hưởng đến não bộ của trẻ và dẫn đến bệnh trầm cảm ở tuổi học đường về sau.
Đặc điểm di truyền
Các nghiên cứu cho thấy rằng trầm cảm tuổi học đường có một phần do sinh học, hay chính xác hơn là do yếu tố di truyền từ bố mẹ sang con cái của họ. Vì thế, nếu trẻ có bố hoặc mẹ hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bị tác động bởi các kiểu suy nghĩ tiêu cực từ những người xung quanh
Nếu bố mẹ hoặc thầy cô, bạn bè thường xuyên chia sẻ với trẻ những điều tiêu cực, chẳng hạn như mẹ nói với trẻ rằng bố đang ngoại tình, nhà không đủ điều kiện kinh tế cho trẻ đi học,… trẻ sẽ dễ bị tác động và dẫn đến căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Các yếu tố khác
Ngoài ra, một số yếu tố có thể tác động tới tinh thần và suy nghĩ của trẻ, khiến trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm tuổi học đường gồm có:
- Trẻ gặp khó khăn với xu hướng tính dục của mình: Khi phát hiện ra bản thân thuộc cộng đồng LGBTQIA + (người đồng tính, vô tính, song tính,…) và có xu hướng tính dục khác hơn các bạn, trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ, không biết phải làm gì
- Bị bắt nạt: Trẻ bị bạo lực học đường, bị bắt nạt sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm tuổi học đường cao hơn
- Áp lực học tập: Bị ép phải học quá nhiều và luôn phải đạt được thành tích tốt trong học tập có thể dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm
Bệnh trầm cảm tuổi học đường có thể điều trị hay không?
Cũng giống như bệnh trầm cảm ở người lớn, không có cách điều trị nào phù hợp với tất cả mọi người mắc chứng bệnh này. Bởi mỗi người thường có một câu chuyện, một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khác nhau nên cách điều trị bệnh trầm cảm tuổi học đường cũng tương đối khác nhau.
Các bác sĩ thường tiếp xúc với bệnh nhân trong một vài tuần để tìm ra nguyên nhân bệnh rồi từ đó mới có thể lên phác đồ điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, hoàn toàn có thể chữa khỏi và giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục một cuộc sống bình thường.
Thông thường, điều trị bệnh trầm cảm tuổi học đường thường kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp tâm lý khác nhau. Đối với những người từ 10 đến 21 tuổi và bị trầm cảm mức độ trung bình hoặc nặng, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Loại thuốc này sẽ hoạt động trên chất dẫn truyền thần kinh serotonin, ngăn cơ thể hấp thụ serotonin để nồng độ serotonin trong cơ thể được tăng cao hơn.
Hầu hết các dạng SSRI như citalopram, sertraline, vilazodone,… chỉ được phép sử dụng ở người lớn. Tuy nhiên, fluoxetine – một dạng SSRI có thể sử dụng cho thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm tuổi học đường từ 8 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, escitalopram có thể sử dụng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên.
Một số tác dụng khác khi sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm tuổi học đường gồm có:
- Cảm thấy buồn nôn
- Đau đầu
- Thường xuyên bị tiêu chảy
- …
Duy trì lối sống lành mạnh giúp điều trị bệnh trầm cảm tuổi học đường hiệu quả hơn
Bên cạnh việc dùng thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị tâm lý, bố mẹ nên khuyến khích trẻ duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh:
Tập thể dục
Các nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục thường xuyên kích thích sản xuất các “hormone” vui vẻ trong não giúp cải thiện tâm trạng. Bạn nên kuyến khích con bạn đăng ký tham gia một môn thể thao mà chúng yêu thích hoặc tạo ra các trò chơi để thúc đẩy hoạt động thể chất.
Ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng đối với tâm trạng của chúng ta. Vì thế, hãy đảm bảo con có thể ngủ đủ mỗi đêm, không thức quá khuya để có thể nhanh chóng điều trị chứng trầm cảm tuổi học đường.
Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Các loại thực phẩm nhiều đường và chất béo có thể khiến trẻ dễ cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Vì thế, bạn nên giúp con xây dựng chế độ ăn uống giàu chất xơ, bổ sung vitamin C và các dưỡng chất cần thiết, tránh ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt và các món ăn nhiều chất béo hoặc nhiều đường.
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm tuổi học đường, bố mẹ không nên hoang mang lo lắng hay phản ứng thái quá với trẻ. Thay vào đó, nên tâm sự với con nhiều hơn, động viên con và cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này! Mọi thứ rồi sẽ qua nếu có bố mẹ ở cạnh bên con!