Bế con còn đỏ hỏn trên tay, mẹ vỡ òa vì hạnh phúc, lại hồi hộp lo lắng không biết tiếp theo cần phải làm gì. Hiểu được tâm lý của mẹ, Tạp chí Mẹ và Con sẽ bật mí ngay cho mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời từ 0-6 tháng trong bài viết dưới đây. Cùng khám phá ngay, mẹ nhé!
9 bài học vỡ lòng của mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Bế con… thế nào?
Mẹ lúng túng vì lần đầu tiên bế bé, không biết mình có làm đau bé hay không, tư thế này có khiến con khó chịu hay không…? Mẹ ơi, đừng quá lo lắng mẹ nhé.
Với trẻ từ 0-2 tháng, mẹ nên bế trẻ theo tư thế nằm ngang, không sử dụng tư thế bế thẳng lưng trẻ (bế vác vai) để tránh áp lực dồn lên cột sống của con. Với trẻ 3 – 5 tháng, mẹ có thể bế trẻ theo hướng nghiêng hoặc bế dựng thẳng đứng (bế vác), không bế hông (bế cắp nách). Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng tư thế bế này mà nhớ xen kẽ với tư thế bé nằm ngang.
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ nên chú ý đến cảm nhận và sự thay đổi của bé. Sau một vài ngày bế con, mẹ sẽ cảm nhận được tư thế bế nào khiến con thoải mái nhất, từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Trẻ sơ sinh bao lâu thì đói?
Sau khi vượt cạn thành công, mẹ cần cố gắng để cho bé bú sữa mẹ sớm nhất có thể. Đặc biệt, nên duy trì việc bú sữa mẹ càng lâu càng tốt và ít nhất là trong 6 tháng đầu đời của bé. Nếu bé sinh mổ, mẹ không có sữa, mẹ có thể sử dụng sữa tại ngân hàng sữa mẹ và hạn chế tối đa việc cho bé sử dụng sữa công thức trong 6 tháng đầu đời.
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ sẽ thấy bé đói… thường xuyên. Điều này là do dạ dày trẻ còn rất nhỏ, mỗi khi bú chỉ bú được rất ít. Vì thế, cứ mỗi 1-2 giờ, bé lại oe oe hay tém miệng liên tục để mẹ biết con bắt đầu đói bụng. Thông thường, một cữ bú của bé sẽ kéo dài 15 – 30 phút. Mẹ có thể dựa theo khoảng thời gian này để biết con yêu đã no bụng hay chưa.
Đặc biệt, mẹ nên dỗ trẻ bằng cách xoa lưng hoặc âu yếm con để hạn chế tình trạng bé yêu chỉ mới “măm măm” một chút và đi vào giấc ngủ.
Bé đang ngủ thì có nên đánh thức con dậy bú sữa?
Mẹ bối rối vì theo kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ biết được, bé yêu sẽ đói sau 1-2 tiếng nhưng giờ đã quá 2 giờ, bé yêu còn ngủ thì phải làm thế nào? Mẹ ơi, lúc này đừng đánh thức con dậy mà hãy để con ngủ mẹ nhé. Trẻ sơ sinh sẽ ngủ 1-3 giờ một lần và ngủ khoảng 16 – 18 giờ/ngày. Nếu bé chỉ mới ngủ 2-3 giờ, mẹ có thể cho bé ngủ thêm và bú sữa ngay sau khi bé ngủ dậy.
Tuy nhiên, nếu thiên thần nhỏ đã say giấc được trên 4 tiếng, mẹ có thể nhẹ nhàng vỗ về con để con tỉnh giấc và bú sữa, tránh bé bị đói, không đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Các tư thế cho bé bú không bị sặc sữa
- Tư thế vòng tay hình nôi: Lúc này, mẹ ngồi trên ghế hoặc trên giường, đặt chân lên một chiếc ghế hoặc bàn hoặc mặt phẳng nào đó. Mẹ bế bé trong lồng ngực, cho bé xoay mặt về phía mẹ, vòng hai cánh tay thành hình nôi và đặt phần đầu của con lên cánh tay. Đừng quên vòng tay còn lại xuống lưng và thân dưới của bé nhé.
- Tư thế nôi chéo: Đây là một tư thế hiệu quả khi mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh có các vấn đề về giấc ngủ. Thay vì để đầu bé tựa vào cánh tay mình như tư thế vòng tay hình nôi, mẹ hãy sử dụng cả hai tay để giữ cố định thân hình của bé.
Cách cho bé ợ hơi sau khi bú
Làm sao để bé ợ hơi sau khi bú là một trong những điều mẹ quan tâm khi tìm kiếm cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Bí quyết rất đơn giản. Sau khi con bú xong, hãy bế bé ở tư thế vác vai hoặc bế chéo để bụng bé áp sát vào ngực mẹ. Sau đó, mẹ hãy vỗ nhẹ lưng bé trong khoảng 5-10 phút để bé dễ ợ hơi và dễ tiêu hóa hơn, tránh tình trạng ọc sữa hoặc trào ngược dạ dày do chức năng của van giữa thực quản và dạ dày chưa hoàn thiện.
Một lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh ợ hơi chính là mẹ nên giữ phần đầu và cổ của bé thật cẩn thận vì lúc này bé còn rất yếu, tránh tình trạng vẹo cổ, chấn thương cột sống mẹ nhé!
Chăm sóc giấc ngủ cho bé
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vì thế, mẹ nên chú ý “đầu tư” vào phòng ngủ của bé, để bé có được không gian thật yên tĩnh, sạch sẽ và thoáng đãng. Đặc biệt, nên chú ý để nhiệt độ phòng duy trì ở mức khoảng 28ºC. Nếu nhiệt độ quá cao, trẻ sẽ dễ bị đổ mồ hôi, hầm nóng dẫn đến ngứa ngáy, bí bách, ngủ không ngon giấc. Ngược lại, nhiệt độ phòng quá thấp sẽ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Một điều mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh chính là mẹ nên cho trẻ ợ hơi trước khi cho bé đi ngủ để con ngủ ngon hơn. Mẹ cũng có thể massage nhẹ nhàng và hát ru, mở nhạc êm dịu để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Và đặc biệt, mẹ không nên cho con nằm sấp hoặc để gối, thú bông xung quanh trẻ vì điều này sẽ tăng nguy cơ trẻ bị ngạt mũi, đột tử.
Tắm cho trẻ sao quá khó với mẹ
Tắm cho con là một nhiệm vụ khó nhằn với mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng. Chỉ cần vài ngày làm quen là mẹ đã có thể tắm rửa bé yêu một cách dễ dàng thôi.
Khi tắm cho con, mẹ nên chuẩn bị:
- Gạc, bông gòn, tăm bông, băng rốn vô trùng
- Khăn xô khổ nhỏ và khổ lớn
- Quần áo, mũ, bao tay, vớ
- Nước muối sinh lý 0,9%
- Sữa tắm gội 2 trong 1
Trước khi bắt đầu tắm cho con, mẹ nên tắt quạt hoặc máy lạnh, cởi áo và massage cho bé vài phút. Đừng quên pha nước sạch với nước sôi để có nước ấm ở nhiệt độ khoảng 36 – 38°C. Ngoài ra, một điều mẹ cần lưu ý khi tắm và chăm sóc trẻ sơ sinh chính là không để bé tắm ngay sau khi vừa bú sữa mẹ nhé.
Giờ thì bắt đầu tắm cho bé rồi. Mẹ chỉ cần áp dụng cách tắm cho trẻ sơ sinh như sau:
- Trước tiên, mẹ đặt bé trên giường hoặc mặt phẳng, lấy bông gòn thấm nước muối sinh lý và bắt đầu lau mắt cho bé. Khi lau, mẹ nên lau theo hướng từ trong ra ngoài để vùng mắt bé được sạch nhất
- Sau đó, mẹ bắt đầu dùng tăm bông để làm sạch lỗ mũi của bé rồi dùng khăn xô mềm để lau mặt cho con
- Bây giờ, mẹ hãy bế bé lên và gội đầu cho con. Lúc này, mẹ thoa nước lên tóc của bé. Mẹ hãy dùng 2 ngón tay (ngón cái và ngón áp út) ép nhẹ vành tai sát vào lỗ tai để tránh nước chảy vào tai bé mẹ nhé! Khi tóc bé đã ướt, hãy thoa dầu gội lên tóc rồi xoa nhẹ, sau đó lấy khăn thấm nước sạch để lau đến khi tóc sạch xà bông thì lau lại với khăn khô.
- Sau khi gội đầu cho bé, mẹ hãy bắt đầu tắm cho bé mẹ nhé. Để chăm sóc trẻ sơ sinh được tốt nhất, mẹ nên đổi bé sang một chậu nước tắm khác và tắm nhẹ nhàng cho bé. Với các bé chưa rụng rốn, mẹ chỉ nên dùng khăn mềm lau người của con để tránh làm ướt rồi. Nếu vẫn muốn tắm, mẹ đừng quên lau khô vùng rốn cho bé yêu sau khi tắm để tránh vị trí này bị nhiễm khuẩn.
Sau khi tắm xong cần làm gì mẹ nhỉ? Lúc này, mẹ cần:
- Dùng khăn lau khô và ủ ấm cơ thể của con
- Lấy nước muối sinh lý nhỏ vào mắt, mũi rồi lấy bông gòn lau theo chiều chuyển động từ trong ra ngoài
- Lấy tăm bông loại chuyên dụng để chăm sóc trẻ sơ sinh làm sạch vùng bên ngoài tai cho bé
- Lấy gạc rơ lưỡi có thấm nước muối sinh lý để làm sạch miệng cho bé
- Sử dụng bông gòn ẩm nước hoặc tăm bông ẩm, có thấm nước muối sinh lý để lau rốn cho bé. Khi rốn khô thoáng hoàn toàn mới quấn băng gạc lại. Như vậy, rốn bé sẽ mau rụng hơn.
- Tiếp theo, mẹ mặc áo, tã, bao tay, vớ cho bé. Mẹ cũng có thể cho bé bú ngay lúc này nếu bé có nhu cầu.
- Sau khi tắm xong, móng tay móng chân của bé rất mềm, dễ cắt nên mẹ cũng có thể tranh thủ lúc này để cắt ngắn móng tay và móng chân của con, hạn chế bé tự làm đau mình hoặc làm xước bao tay, vớ
Cách thay tã cho trẻ
Với trẻ sơ sinh, mẹ có thể dùng tã vải, tã giấy hoặc xen kẽ cả hai loại đều được. Cách thay tã cho trẻ sơ sinh cũng rất đơn giản, chỉ một vài lưu ý là mẹ có thể tự thực hiện được ngay. Thời gian thay tã cho bé thường khoảng 3-4 tiếng/lần. Hiện nay, các loại tã giấy cũng có vạch báo tiểu, mẹ có thể nhìn vào vạch báo này để biết khi nào tã đầy và cần thay tã cho con.
Sau khi bé tè đầy hoặc ị, mẹ nên thay tã ngay cho bé mẹ nhé. Và trước mặc tã mới cho con, cần dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của bé theo hướng từ trước ra sau. Tiếp theo, đừng quên sử dụng kem chống hăm tã hoặc để da khô ráo hẳn rồi mới mặc tã mới.
Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ không được bỏ qua cuống rốn của bé bởi đây là một vết thương hở, rất dễ bị nhiễm trùng nếu chăm sóc không đúng cách. Thậm chí, cuống rốn sau khi nhiễm trùng còn có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng máu ở trẻ. Do vậy, mẹ có thể áp dụng các bước chăm sóc rốn dưới đây để vùng rốn của bé yêu luôn khô thoáng, sạch sẽ:
- Trước khi vệ sinh và chăm sóc rốn cho bé, mẹ phải rửa tay thật sạch, thậm chí rửa tay với cồn 90 độ để sát trùng
- Sau đó, mẹ bắt đầu tháo băng rốn và gạc rốn ra, kiểm tra xem mặt cắt rốn và các vùng xung quanh có các dấu hiệu bất thường hay không (viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, có mùi hôi…)
- Dùng bông gòn thấm nước chín vô trùng để lau khô vùng cuống rốn và chân rốn
- Sau đó, dùng bông gòn có thấm nước muối sinh lý để sát trùng vùng da quanh rốn
- Khi đã vệ sinh làm sạch vùng rốn của bé, mẹ có thể để hở cho vùng rốn nhanh khô hơn hoặc dùng một lớp gạc mỏng vô trùng để băng lại
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong những ngày đầu đời của bé, nếu mẹ thấy vùng rốn của con có những dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không nên đắp bất cứ loại thuốc nào lên rốn bé mà nên lập tức đưa con đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ sơ sinh?
- Làn da của bé rất mỏng manh, nhạy cảm. Vì thế, mẹ cần hạn chế các loại đồ dùng cho trẻ sơ sinh có hương liệu để tránh ảnh hưởng đến da bé.
- Ngoài ra, khi chăm sóc con, mẹ không nên để móng tay dài hoặc đeo các loại trang sức vì điều này có thể vô tình làm xước da bé khiến con bị đau.
- Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, sẽ có nhiều lần mẹ tự hỏi nên làm theo phương pháp nào thì tốt nhất. Nhưng mẹ ơi, mỗi bé sẽ có một sở thích khác nhau. Vì thế, mẹ hãy chú ý quan sát các biểu hiện của bé để tìm ra phương pháp nuôi dạy con phù hợp nhất.
Lần đầu tiên làm mẹ thật nhiều điều lạ lẫm, bỡ ngỡ. Nhưng sau này, nhớ lại những khoảnh khắc bế con trên tay, dỗ dành con, mẹ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Hy vọng những bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ trên đây có thể giúp mẹ phần nào an tâm hơn trong hành trình làm mẹ vừa mới bắt đầu này. Đồng thời, mẹ đừng quên cập nhật fanpage Mẹ và Con thường xuyên để bổ sung thêm nhiều kiến thức hôn nhân, gia đình và chăm sóc bé yêu thật bổ ích nhé!