Trên thực tế, chúng ta có những năm tháng sống yên ổn và có những năm lại rất chông chênh. Đi qua giai đoạn nổi loạn của những năm tháng đôi mươi tràn đầy sức sống, bạn sẽ đối diện với tuổi 30 âm thầm gây ra khủng hoảng. Sau đây là những thử thách cần đối mặt khi bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi 30 mà Tạp chí Mẹ và Con muốn chia sẻ với bạn:
An phận hơn là phấn đấu
Tuổi 30 đánh dấu bạn đã bước vào giai đoạn sự nghiệp và gia đình đều ổn định. Bạn không còn phải “mài quần” trên giảng đường để có được chiếc bằng tốt nghiệp. Bạn đã qua cái thời rải CV khắp nơi để tìm kiếm một công việc sau khi ra trường. Bạn cũng yên bề gia thất với người bạn đời đầu gối tay ấp, thậm chí là đã có bé đầu tiên.
Đây chính là lúc khủng hoảng tuổi 30 nhen nhóm khi bạn chẳng còn động lực để phát triển bản thân. Cảm giác muốn an phận sẽ khiến bạn ngày càng trở nên trì trệ hơn. Thậm chí, bạn có thể rơi vào khủng hoảng tồn tại với các dấu hiệu sau đây:
- Lo lắng
- Trầm cảm
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp
Khi chạm mốc tuổi 30, bạn có xu hướng nhìn lại quá khứ. Bạn có thể từng trải qua một tuổi thơ dữ dội với rất nhiều tổn thương đã để lại vết sẹo trong tâm hồn. Nếu may mắn sinh ra trong gia đình yên ấm, bạn có thể cảm thấy luyến tiếc một thời vô tư, vô lo…
Tuy hiểu rằng, quá khứ là thứ đã cũ và ngủ yên. Nhưng trong cuộc sống sẽ khó tránh khỏi những khoảng lặng khiến bạn hồi tưởng lại quá khứ và nhói đau khi so sánh với hiện tại phũ phàng. Chưa kể, bạn có thể phải đối diện với những người gợi nhớ về quá khứ đầy tổn thương khiến bạn có cảm giác bất an:
- Người yêu cũ đã chia tay bạn
- Người ngày xưa từng coi thường bạn
- Người thân đã từng bạo hành bạn
- Bạn bè đã từng tẩy chay bạn
- Giáo viên đã từng đối xử bất công với bạn
Khủng hoảng tuổi 30 có thể khiến bạn suy sụp khi phải đối diện với những tổn thương trong quá khứ. Nếu người gây tổn thương là ba mẹ, bạn có thể sẽ dằn vặt bản thân: “Mình có nên tha thứ hay không?”
Bạn không hài lòng về sự nghiệp
Khi vừa bước qua giai đoạn 30 tuổi bạn sẽ muốn an phận với mọi thứ kể cả công việc, bạn chỉ muốn có một công việc đúng ngành nghề với mức lương đủ sống. Nhưng dần về sau của tuổi 30 bạn lại khát khao vươn lên vị trí cao hơn với mức lương tương xứng. Những giá trị cuộc sống hiện đại như đàn ông thành đạt mới hấp dẫn hay phụ nữ ngày nay phải giỏi giang có thể khiến bạn dần đánh mất bản thân vì cố gắng đạt “chuẩn” kỳ vọng của xã hội.
Nếu không đạt được mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy “vỡ mộng” vì khủng hoảng tuổi 30. Khủng hoảng sẽ càng nặng nề hơn khi bạn nhìn xung quanh thấy bạn bè cùng trang lứa đã mua được nhà to, xe xịn hay được thăng chức.
Bạn cảm thấy chán nản với hôn nhân
Nếu kết hôn ở độ tuổi đôi mươi, 30 là thời điểm đánh dấu nhiều thay đổi sau một chặng đường thử thách. Đi qua khủng hoảng tiền hôn nhân, bây giờ bạn lại cảm thấy chán nản cuộc sống vợ chồng khi cả hai đã không còn gì bí ẩn để khám phá nhau nữa. Đúng vậy! Người ta thường nói giai đoạn tìm hiểu nhau chính là khoảng thời gian thú vị nhất của tình yêu. Sau khi kết hôn, những cuộc cãi vã sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Bạn dường như không còn nhận ra người mình đã từng rung động và yêu thương hết lòng.
Những cuộc hẹn lãng mạn hay câu tán tỉnh ngọt ngào đã trở thành dĩ vãng xa xôi. Đôi lúc bạn còn cảm thấy nghi ngờ vợ/chồng mình đang ngoại tình. Khủng hoảng tuổi 30 khiến bạn cảm thấy hôn nhân là nấm mồ của tình yêu!
Lo lắng về chuyện con cái
Nếu như đã có con thì cuộc sống của bạn hầu như chỉ xoay quanh các con. Bạn dường như đánh mất bản thân mình khi trở thành một người mẹ. Bạn cả ngày chỉ lo lắng về chuyện ăn ngủ hay học hành của con cái. Ngay cả khi muốn dành thời gian để chăm sóc bản thân, bạn cũng cảm thấy có lỗi với con.
Nếu đã 30 tuổi mà vẫn chưa có con, bạn bắt đầu sợ hãi về khả năng vô sinh. Mỗi khi nhìn thấy bạn bè “post” hình con hay nhìn thấy một đứa trẻ đáng yêu, bạn lại cảm thấy chạnh lòng và có lỗi với gia đình hai bên… Khủng hoảng tuổi 30 thật sự là một nỗi ám ảnh khi bạn đang mong con mà vẫn không thấy có dấu hiệu mang thai nào cả. Kết quả đi khám vô sinh dù thế nào vẫn luôn khiến bạn cảm thấy lo lắng.
Làm sao để vượt qua khủng hoảng tuổi 30?
Khủng hoảng tuổi 30 thật ra không đáng sợ như khi bạn 20, bởi lẽ những trải nghiệm đã qua cũng giúp bạn trở nên chín chắn hơn. Bạn không có nhiều nguy cơ làm những điều “rồ dại”, nhưng bạn lại có xu hướng buông bỏ nhiều hơn. Bạn có thể nghỉ việc, ly hôn hay sống an phận.
Nếu không muốn từ bỏ những điều mình trân quý, bạn có thể thử các gợi ý sau đây từ Mẹ và Con:
Đánh giá lại bản thân
Để vượt qua khủng hoảng tuổi 30, bạn cần cho phép bản thân thư giãn và nhìn nhận lại chính mình. Hãy tập ngồi thiền, đi du lịch một mình hay về thăm bố mẹ ở quê. Khi bạn tạm lánh những mối quan hệ khiến bạn mệt mỏi, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nghe thì hơi ích kỷ nhưng đây là điều bạn nên làm ở thời điểm hiện tại, sau đây là một số cách ứng xử “ích kỷ” mà bạn không cần phải xấu hổ hay lo lắng:
- Không cố gắng quá sức nếu quá mệt mỏi
- Tránh xa những cuộc “buôn dưa lê, bán dưa chuột” vô nghĩa
- Cân bằng đời sống cá nhân và công việc
- Từ chối những điều bạn không muốn
- Thờ ơ với mọi lời phán xét tiêu cực
- Nghiêm túc yêu cầu nhận được mức bồi thường thiệt hại cho bản thân khi gặp chuyện không mong muốn
- Đề nghị cấp trên thăng chức hoặc tăng lương nếu thấy bản thân xứng đáng
Đặc biệt, bạn cần đầu tư chăm sóc sức khỏe cho bản thân để có thể làm được những điều mình muốn. Hãy đặt mục tiêu tập thể dục, yoga, ngồi thiền 30 phút/ngày, bạn sẽ thấy sức khỏe tinh thần và thể chất cải thiện hơn hẳn đấy!
Làm việc theo thứ tự ưu tiên
Khủng hoảng tuổi 30 có thể là hậu quả của chính kỳ vọng bản thân. Càng kỳ vọng nhiều vào tình yêu, sự nghiệp hay hôn nhân thì bạn sẽ càng cảm thấy chán nản khi mọi thứ không như ý muốn. Hãy chia nhỏ mục tiêu và thực hiện theo thứ tự ưu tiên những giá trị quan trọng đối với bạn, cuộc sống sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Để biến tâm trạng chán nản thành động lực tiến về phía trước, điều đầu tiên bạn cần ưu tiên là cho phép bản thân được nghỉ ngơi và thả lỏng. Sau đó, bạn sẽ cân nhắc đến thứ tự ưu tiên cho các vấn đề mà mình đang gặp phải để giải quyết từng vấn đề một. Bạn có thể chọn những việc sau đây để giải quyết trước:
- Thực hiện một cuộc “cách mạng” thay đổi bản thân từ ngoại hình đến cách ứng xử
- Quyết định nỗ lực phát triển công việc hiện tại hoặc buông bỏ để khởi nghiệp
- Nếu bạn có người yêu, hãy cân nhắc hẹn hò một cách nghiêm túc để tiến đến hôn nhân
- Chia sẻ với bạn đời một cách thẳng thắn về vấn đề của mình để cải thiện hôn nhân
- Đăng ký một khóa học kỹ năng giúp bạn phát triển sự nghiệp hoặc thay đổi công việc
Sáng tạo những điều mới mẻ
Những trải nghiệm mới mẻ sẽ giúp bạn vượt qua khủng hoảng tuổi 30 bằng cách phá vỡ lối mòn. Bạn có thể thử thay đổi phong cách thời trang, lên kế hoạch đi du lịch, nhận nhiệm vụ mới trong công việc… Nếu yêu thích nghệ thuật, bạn nên thử đăng ký một lớp học như vẽ, đàn, hát, nhảy… Sự sáng tạo sẽ mang đến cho bạn sức sống mới mà trước đây bạn chưa bao giờ trải nghiệm đấy. Đừng bao giờ nghĩ độ tuổi mình đã quá lớn để theo đuổi đam mê.
Nếu cảm thấy chán nản trong cuộc sống, bạn có thể thử các hình thức trị liệu nghệ thuật sau đây:
- Vẽ tranh
- Cắt dán ảnh
- Nhiếp ảnh
- May vá
Nếu như đàn ông thường rơi vào khủng hoảng tuổi 30 vì sự nghiệp thì phụ nữ lại cảm thấy cuộc đời mình nổi giông bão kể từ giây phút bước về nhà chồng. Phụ nữ độc thân thời hiện đại có thể vẫn xinh đẹp và trẻ trung ở độ tuổi 30, nhưng phụ nữ lập gia đình thì lại gánh chịu áp lực nhiều hơn ngày xưa.
Bạn có “toan về già” hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực cân bằng giữa cuộc sống gia đình và sự nghiệp cũng như tình yêu thương bản thân và tình yêu dành cho người khác. Hãy cứ xem những cảm xúc chông chênh như các “vị khách không mời” tự đến rồi sẽ tự đi. Nếu bạn giữ được sức khỏe cũng như tinh thần tốt, khủng hoảng tuổi 30 sẽ không dễ dàng đánh gục bạn, nhớ nhé!