Khi nhắc đến Giáng Sinh, bạn thường nghĩ đến tuyết, cây thông, ông già Noel và những con đường ngập tràn sắc đỏ, xanh đẹp mắt? Chỉ vậy thôi là chưa đủ. Mỗi quốc gia sẽ có những cách tổ chức lễ Giáng Sinh khác nhau đấy! Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Nhật
Ở nhiều quốc gia, sắc đỏ như màu đại diện cho không khí Noel, cảm giác ấm áp, sự vui tươi và rực rỡ. Vì thế, những tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh thường có màu chủ đạo là màu đỏ đầy bắt mắt. Tuy nhiên người Nhật quan niệm chỉ có những tờ cáo phó mới mang màu đỏ mà thôi. Vì thế, họ rất kiêng kị việc tặng và được tặng thiệp đỏ trong mùa Noel.
Thay vào đó, họ sẽ tặng nhau những tấm thiệp với tông trắng chủ đạo, tượng trưng cho bông tuyết, sự tinh khiết và trong sạch.
Đức
Nếu ở Việt Nam, vào ngày lễ Giáng Sinh bạn vẫn phải đi làm thì tại Đức, chiều ngày 24 (nửa ngày), ngày 25 và 26/12 được quy định như ngày nghỉ quốc gia. Vì thế, bạn sẽ được “đặc cách” không phải đi làm nhưng vẫn được trả lương đầy đủ. Hơn nữa, trong những ngày này, các cửa tiệm buôn bán đều không được phép hoạt động, chỉ trừ các cửa hàng tại nhà ga xe lửa hoặc sân bay mà thôi.
Philippines
Một trong những quốc gia có thời gian đón Noel lâu nhất có lẽ chính là Philippines. Quốc gia này đã tận hưởng không khí Giáng Sinh khi bắt đầu trang trí nhà cửa, tổ chức các lễ hội từ tận tháng 9 cho đến…. tháng 1 năm sau. Đến Philippines, bạn sẽ bất ngờ bởi đường phố, nhà hàng và trung tâm thương mại nơi đây rất đầu tư cho dịp lễ Giáng Sinh hàng năm.
Họ có những chiếc đèn lồng mang tên “parols” – những chiếc đèn lồng được làm bằng tre dành riêng cho dịp đặc biệt này. Parols mang ý nghĩa sự chiến thắng của ánh sáng trước đêm đen. Hầu hết mọi gia đình, cửa hàng đều có những chiếc đèn lồng Parols với những cách bày trí khác nhau.
Tây Ban Nha
Tại Catalonia (Tây Ban Nha) có một phong tục đón Giáng Sinh vô cùng độc đáo mà có lẽ nghe xong bạn sẽ vô cùng bất ngờ. Khoảng 2 tuần trước ngày Noel, người dân nơi đây sẽ lấy một khúc gỗ, sau đó trang trí như một nhân vật hoạt hình xinh xắn có khuôn miệng cười tươi, có mũ noel bắt mắt. Sau đó, mỗi ngày khúc gỗ đều được chăm sóc với khẩu phần ăn có hoa quả, bánh kẹo.
Sau đó, vào ngay đêm Giáng Sinh, tất cả thành viên trong gia đình sẽ quây quần cùng nhau, dùng gậy đánh vào khúc gỗ này và hát mừng Giáng Sinh.
Hungary
Để đón lễ Giáng Sinh, người dân Hungary thường ăn chay và cầu nguyện trong suốt Mùa vọng (Advent) – khởi đầu từ ngày Chủ nhật bốn tuần trước ngày lễ và kéo dài cho đến ngày 24/12. Vào đêm 24/12, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau và ăn một bữa tiệc với các món chay thịnh soạn, được chuẩn bị chu đáo, tươm tất. Một số món ăn có thể kể đến như bánh táo, hạnh nhân, ngũ cốc,…
Hơn nữa, trong phong tục của người Hungary, trong suốt bữa ăn được diễn ra vào tối 24/12, bà chủ nhà không được phép rời khỏi bàn ăn còn mọi người sẽ đứng ăn. Trong bữa ăn này, rơm thường được đặt dưới bàn để tưởng nhớ sự tích Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.
Hà Lan
Thông thường buổi sáng ngày 25/12 là khoảnh khắc mà trẻ em ở các quốc gia háo hức nhất trong dịp lễ Giáng Sinh. Bởi lúc này, những món quà đã được đặt dưới gốc cây thông hoặc trên giường ngủ, sẵn sàng để các em có thể khám phá. Tuy nhiên, với những đứa trẻ tại Hà Lan thì ngày 5/12 mới là ngày mà ông già Noel Sinterklaas mang quà đến.
Theo tục lệ tại nơi đây, vào ngày thứ 7 thứ 2 của tháng 11 (hoặc hiểu đơn giản là ngày thứ 7 đầu tiên sau 11/11), ông già Noel Sinterklaas sẽ cùng những người tùy tùng tên là ”Zwarte Pieten” (Hay còn gọi là Black Peters – Peter mặt đen) bắt đầu du hành khắp các thành phố tại Hà Lan. Và ngày mà trẻ em được nhận quà Giáng Sinh là ngày 5/12.
Thụy Sỹ
Nếu bạn đã quá quen với hình ảnh ông già Noel cưỡi tuần lộc trong dịp lễ Giáng Sinh thì chắc có lẽ bạn sẽ cảm thấy bất ngờ bởi tại Thuỵ Sỹ, ông già Noel sẽ di chuyển bằng… phương tiện giao thông công cộng! Phải, bạn không nhìn lầm đâu. Tại Thuỵ Sỹ, hình ảnh ông già Noel ngồi trên xe buýt để phát kẹo và quà cho trẻ em đã là một hình ảnh vô cùng quen thuộc.
Australia
Ngoài tuần lộc và xe buýt như ở Thụy Sỹ thì bạn có nghĩ ra liệu ông già Noel có còn phương tiện di chuyển nào khác? Hãy đến Australia, nơi ông già Noel sẽ ngồi trên một chiếc xe kéo không tuần lộc mà thay vào đó là tám con kangguru trắng. Bởi kangguru là loài vật tượng trưng cho Australia nên cũng khá hợp lý khi ông già Noel “tận dụng” những chú kangguru bạn nhỉ?
Nga
Nga cũng là một trong những quốc gia đón lễ Giáng Sinh khá muộn, vào tận ngày 7/1 chứ không phải vào ngày 24-25/12 như chúng ta vẫn thường nghĩ. Nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem còn dùng lịch Julius thay vì lịch Gregorius nên ngày Giáng sinh sẽ không giống như những quốc gia khác.
Hơn nữa, Ông già Tuyết xuất hiện trong ngày Giáng Sinh tại Nga có vẻ không giống lắm với những quốc gia khác khi trang phục của ông là màu xanh chứ không phải màu đỏ. Và người để trao quà cho trẻ em chính là cháu của Ông già Tuyết – Công chúa Tuyết. Nghe có vẻ cũng rất thú vị bạn nhỉ?
Trung Quốc
Khi nhắc đến các cụm từ như Noel, Giáng Sinh, người ta thường nghĩ ngay đến bánh và kẹo ngọt. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, món ăn vinh dự có mặt khắp mọi nơi lại là táo. Bạn có biết vì sao lại xuất hiện phong tục này? Bởi táo trong tiếng Trung có phát âm là “ping guo”, đồng âm với phát âm của từ “Đêm Giáng sinh” (tại Trung Quốc, đêm Giáng Sinh được phát âm là, “ping’an ye”, có nghĩa là “đêm Bình an”).
Vì thế, vào dịp lễ Giáng Sinh, mọi người sẽ tặng nhau những quả táo được gói trong các loại giấy rực rỡ sắc màu, mang những hoa văn đặc trưng của đất nước Trung Quốc thay vì tặng nhau thiệp hay quà như ở các quốc gia khác.
Na Uy
Một phong tục thường thấy ở Na Uy trong đêm Giáng Sinh chính là… giấu hết tất cả những chiếc chổi trong nhà. Vì sao phải làm như vậy? Bởi người Na Uy tin rằng, đêm Giáng Sinh cũng là đêm những phù thủy độc ác hay những linh hồn lưu lạc được phép xuất hiện, đánh cắp chổi để bay lên trời, gieo rắc tai họa cho mọi người. Vì thế, để đảm bảo có một năm tiếp theo an lành thì bạn cần giấu hết chổi đi trong đêm này.
Ý (Italy)
Nếu những đất nước khác, ông già Noel sẽ là người trao quà cho trẻ em thì tại Ý, những món quà sẽ do bà già Noel phụ trách. Các món quà sẽ được tặng vào sau Thánh lễ Misa lúc nửa đêm. Thật bất ngờ khi ông già Noel hóa ra không cô đơn như chúng ta vẫn nghĩ, bạn nhỉ?
Pháp
Một nét đặc trưng tuyệt vời trong ngày lễ Giáng Sinh theo văn hóa Pháp chính là những tấm lịch “Calendrier de I’Vvent.” Vào cuối tháng 11, các bà mẹ sẽ bắt đầu mua cho con loại lịch đặc biệt này. Bên trong lịch sẽ chứa những viên kẹo socola vuông có một cửa sổ được đánh số ngày từ ngày 1 đến ngày 24. Những con số này được sắp xếp ngẫu nhiên chứ không theo thứ tự như những tấm lịch thông thường.
Vì thế, vào mỗi sáng thì trẻ em sẽ tìm đúng số ngày ghi trên lịch rồi mở cửa sổ ra, nhận viên kẹo socola thưởng cho ngày hôm ấy. Quả là một truyền thống ngọt ngào và ấm áp phải không nào!
Phần Lan
Khi nhắc đến lễ Giáng Sinh, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những bông tuyết trắng xóa cùng không khí lạnh giá len lỏi vào từng ngõ ngách. Và chắc chắn việc đi tắm trong thời tiết như thế dường như là một chuyện… có phần điên rồ? Thế nhưng tại Phần Lan, người dân nơi đây luôn giữ phong tục đi tắm hơi trước khi ông già Noel xuất hiện, ghé thăm mọi gia đình bằng cửa chính chứ không lẳng lặng vào bằng đường ống khói khi mọi người đã ngủ say!
Với ngày đặc biệt này, người dân Phần Lan thường cùng nhau đi lễ, sau đó đi thăm mộ người thân đã khuất để tưởng nhớ về họ. Đây là một truyền thống lâu đời vô cùng ý nghĩa của quốc gia này.
Ba Lan
Bạn sẽ ngồi vào bàn tiệc vào khi nào? Khi đồng hồ đã điểm 7 giờ hay khi mọi thành viên trong gia đình đã có mặt đông đủ? Tại Ba Lan, người dân thường đợi cho đến khi thấy ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời thì mới bắt đầu ngồi vào bàn để bắt đầu bữa tối lễ Giáng Sinh.
Đặc biệt, trong bữa ăn này, người Ba Lan thường mời thêm các vị khách đến cùng tham dự. Bữa ăn thường bao gồm 12 món – tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Thực đơn của bữa ăn truyền thống thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây.
Một điểm đặc biệt khác trong bữa ăn này chính là số đĩa ăn trên bàn phải bằng với số người ngồi ăn. Và số đĩa ăn phải luôn là số lẻ như 5,7,9 chẳng hạn. Cũng trong bữa ăn, chủ nhà sẽ lấy một chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa chào đời (gọi là bánh oplatek) để cùng chia cho mọi người.
Áo
Tại Áo, trẻ em sẽ không được nhận bánh kẹo vào ngày 24/12 mà sẽ nhận được quà và cây thông Noel. Và dĩ nhiên, những món quà này cũng không phải do ông già Noel mang đến mà do một nhân vật tí hon có cánh tên là Kristkindl ghé thăm. Thông thường, khi nào trẻ nghe được tiếng chuông leng keng thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ đã có thể bước vào phòng, nơi có sẵn cây thông và những món quà đầy sắc màu.
Thế còn bánh kẹo thì sao? Vào ngày 6/12, ông già Noel đã đi thực hiện “nhiệm vụ” này rồi!
Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những phong tục đón lễ Giáng Sinh khác nhau. Nhưng nhìn chung chúng có những câu chuyện thật thú vị, phải không nào? Giờ đây chúng ta đã biết, Giáng Sinh không chỉ có ngày 24 – 25/12 và ông già Noel không chỉ mặc áo màu đỏ mà thôi. Hãy cùng chia sẻ những sự thật thú vị mà Tạp chí Mẹ và Con vừa bật mí cho bạn bè của mình hay lưu lại để kể cho con cùng nghe, bạn nhé!