1. Theo bạn, việc chọc hút ối nên thực hiện khi…
a. Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm.
b. Triple test có kết quả dương tính.
c. Tăng khoảng sáng sau gáy.
d. Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử sinh nở bất thường.
e. Tất cả các câu trên đều đúng.
>> Đáp án đúng là: Câu e.
Chọc hút ối là một trong những xét nghiệm được dùng để xác định dị tật bẩm sinh của thai nhi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là chọc hút ối CHỈ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp thật cần thiết vì có khả năng gây sẩy thai, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Những trường hợp được chỉ định chọc hút ối sẽ là: Thai nhi có bất thường về hình thái trên siêu âm; Triple test có kết quả dương tính; Tăng khoảng sáng sau gáy; Người mẹ lớn tuổi hoặc có tiền sử sinh nở bất thường.
Xét nghiệm chọc ối cho thai phụ thường được thực hiện khi thai nhi được 16-20 tuần. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu chọc hút ối ở những thời điểm khác. Sau khi thực hiện chọc hút ối, thai phụ phải nghỉ ngơi theo yêu cầu của bác sĩ. Sau vài ngày không thấy có hiện tượng bất thường gì mới được sinh hoạt bình thường trở lại. Kết quả xét nghiệm ối thường có sau 1-2 tuần.
2. Trong quá trình mang thai, thai phụ nên ăn nhiều cá ngừ, cá mập, cá kiếm và các loại cá biển khác nói chung để có nhiều dưỡng chất cho thai nhi. Điều này…
a. Đúng
b. Sai
>> Đáp án đúng là: Câu b.
Ăn nhiều cá ngừ, cá mập, cá kiếm cũng như bất kỳ loại cá biển nào nói chung cũng khiến thai phụ có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân (do các loại cá biển thường có hàm lượng thủy ngân cao). Thủy ngân khi vào cơ thể mẹ, tích tụ lâu ngày sẽ làm hủy hoại hệ thần kinh trung ương và những cơ quan khác như: gan, bộ máy tiêu hóa… Ngoài ra, thủy ngân sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, dễ gây ra dị tật thai. Do đó, nói chung bạn không nên động đến cá biển hoặc chỉ ăn ở mức vừa phải những loại cá biển tương đối “lành” như cá hồi. Thay vào đó, cá sông sẽ là ưu tiên chọn lựa cho bạn.
3. Mang thai đến tam cá nguyệt thứ ba, đột nhiên bạn có hiện tượng ngứa ngáy rất nhiều, da vàng đi, mất ngủ. Theo bạn hiện tượng này là…
a. Bình thường thôi. Ai mà chả bị như vậy. Rồi sẽ tự khỏi.
b. Cần trao đổi với bác sĩ vì đây có thể là tình trạng bất ổn về gan của mẹ.
>> Đáp án đúng là: Câu b.
Ngứa ở tam cá nguyệt thứ ba là khá bình thường, nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, nếu bạn thấy ngứa ngáy rất nhiều, da vàng đi, kèm theo đó là những hiện tượng như mất ngủ, mệt mỏi… thì nên trao đổi với bác sĩ. Đây có thể là tình trạng mật bị ứ lại trong gan, ngấm vào máu rồi ngấm vào da, gây ra triệu chứng ngứa và vàng da. Triệu chứng ngứa xuất hiện có thể ở toàn thân hoặc ở lòng bàn tay, bàn chân.
Hãy lưu ý rằng tuy không ảnh hưởng nhiều đến mẹ (bệnh sẽ hết sau khi sinh) nhưng lại có thể ảnh hưởng đến thai nhi nếu như không có sự theo dõi của bác sĩ. Nguy cơ dễ gặp nhất là việc trẻ dễ bị sinh non trước 37 tuần. Bệnh cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu, suy thai. Do vậy, bác sĩ cần theo dõi thai nhi cẩn thận với siêu âm và đo tim thai. Nếu bất thường có thể cho sinh sớm để giảm nguy cơ thai chết lưu.
4. Bạn nên làm gì khi mang thai trong 3 tháng đầu và thấy đau tức ở bụng dưới, mỏi vùng thắt lưng, ra dịch màu hồng nhạt hoặc chảy máu ở âm đạo?
a. Nghỉ ngơi, xoa bóp bụng.
b. Cứ sinh hoạt bình thường.
c. Nghỉ ngơi, tránh xoa bóp bụng, kiêng giao hợp tuyệt đối. Nếu thấy vẫn ra dịch thì đến ngay cơ sở y tế.
>> Đáp án đúng là: Câu c.
Những dấu hiệu như vừa kể trên là dấu hiệu dọa sẩy thai. Do đó, bạn không được phép cứ thoải mái sinh hoạt bình thường nữa. Cũng cần lưu ý rằng xoa bóp bụng là điều cần hạn chế trong trường hợp này vì có khả năng gây sẩy thai. Những việc cần làm khi có dấu hiệu dọa sẩy thai là:
– Phân biệt chỉ mới dọa sẩy thai hay sẩy thai, thai lưu: Dọa sẩy thai thì bạn chỉ ra ít dịch màu hồng, đau bụng nhưng thai vẫn sống, chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung; Sẩy thai thì sẽ có hiện tượng ra máu liên tục, thậm chí có thể bị băng huyết (trường hợp này cần đến ngay bệnh viện); Thai lưu thì máu ra ở âm đạo có màu đen và không đau bụng, lúc này thai nhi đã chết nhưng vẫn còn lưu lại trong tử cung chưa bị đẩy ra ngoài.
– Nếu là dọa sẩy thai, nên hạn chế đi lại, nằm nghỉ ngơi, tránh xoa bóp bụng và kiêng gần gũi chăn gối tuyệt đối. Mời bác sĩ đến nhà theo dõi hoặc tự theo dõi. Nếu hiện tượng ra dịch và đau bụng tăng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và dùng thuốc làm giảm cơn co tử cung tránh gây sẩy thai.
5. Mang thai đến tuần thứ 38, bạn thấy hiện tượng rỉ nước ở vùng kín. Dấu hiệu này là…
a. Bình thường, báo hiệu thời gian chuyển dạ sắp tới.
b. Bất thường, cần được chăm sóc ngay vì có nguy cơ nhiễm khuẩn cho thai nhi.
>> Đáp án đúng là: Câu a.
Cần biết rằng nước ối đóng vai trò rất quan trọng vì dùng để cung cấp dinh dưỡng, giúp bảo vệ bào thai đang phát triển. Vì vậy, bất kỳ sự rò rỉ nước ối nào (ra nước ở vùng kín) cũng cần phải được mẹ hiểu đúng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Nếu việc rò rỉ ối xuất hiện trước tuần 38, cần báo với bác sĩ ngay để có biện pháp ngăn ngừa nhiễm khuẩn thai nhi, nguy cơ sinh non cho mẹ. Tuy nhiên, nếu sau tuần thứ 38 mới có hiện tượng rò rỉ này thì bạn có thể yên tâm, vì đó chỉ là dấu hiệu bình thường cảnh báo thời gian chuyển dạ sắp tới. Bạn có thể báo việc này với bác sĩ và trong tư thế sẵn sàng để bắt đầu một chuyến vượt cạn sắp đến rồi đó.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược)