Mẹ và Con - Bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện nhất là vào mùa hè và mùa thu. Bệnh được đặt tên theo khu vực phát ban đặc trưng là lòng bàn tay, lòng bàn chân và khoang miệng.

Các nghiên cứu cho thấy bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể lưu hành quanh năm. Vì thế, ba mẹ cần hết sức chú ý để bảo vệ con nhé!

Bệnh tay chân miệng là gì?

Đúng như tên gọi, bệnh tay chân miệng do một loại vi-rút truyền nhiễm gồm nhiều chủng gây ra, nhưng nghiêm trọng nhất là Enterovirus 71 (EV71), chủng gây ra nguy cơ tử vong cao. Bệnh thường ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân và miệng người bệnh. Trên thực tế, bệnh còn có thể gây phát ban sần sùi hoặc phồng rộp khắp cơ thể như cánh tay, cẳng chân, mông, bộ phận sinh dục bụng và lưng…

Các ca bệnh tay có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 tuổi trở xuống do trẻ ở độ tuổi này thường khám phá thế giới bằng cách ngậm đồ vật. Bệnh thường khỏi hoàn toàn trong vòng 7 – 10 ngày.

Bệnh tay chân miệng

Đâu là dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng?

Trẻ nhiễm vi-rút gây bệnh tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, chán ăn, đau họng và kém linh động. Sau khi bị sốt, vết loét có thể phát triển trong miệng. Những vết loét này, được gọi là herpangina, xuất hiện dưới dạng các đốm, thường tập trung ở phía sau miệng. Những đốm này sẽ phồng rộp và gây đau đớn cho người bệnh.

Đồng thời hoặc ngay sau khi những vết loét xuất hiện, các nốt ban có thể phát triển ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, lan ra cánh tay, chân, mông, bộ phận sinh dục, bụng, lưng…

Ngoài phát ban, trẻ thường bị sốt trong vài ngày đầu tiên nhiễm bệnh. Một số trẻ còn đi phân lỏng. Mặc dù phát ban trên da có thể gây khó chịu, nhưng vết loét trong miệng mới đáng lo vì chúng có thể gây đau đớn đến mức trẻ không chịu ăn uống.

Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?

Xuất phát từ nguyên nhân do vi-rút truyền nhiễm gây ra nên bệnh tay chân miệng có thể truyền từ người này sang người khác qua dịch tiết mũi và họng bao gồm nước bọt hoặc chất nhầy, dịch từ các nốt phồng rộp khi: tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, hít phải không khí có vi-rút do người bệnh hắt hơi hoặc ho, chạm vào các đồ vật bị dính dịch tiết, tiếp xúc với nước mà người bị nhiễm vi-rút từng dùng…

Bệnh lây lan trong bao lâu?

Giống như hầu hết các loại vi-rút ở trẻ em, rất khó để xác định chính xác khi nào trẻ mắc bệnh tay chân miệng không còn lây nhiễm nữa.

Trẻ bị nhiễm tay chân miệng sẽ trở thành nguồn lây lan nhanh nhất trong tuần đầu tiên, cho đến khi các mụn nước đóng vảy. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng người bệnh vẫn còn nguy cơ lây truyền cho người khác trong vài ngày sau khi các triệu chứng hoàn toàn biến mất.

Bệnh tay chân miệng

Người lớn có nhiễm bệnh tay chân miệng?

Trong khi trẻ em thường biểu hiện một số triệu chứng nhất định, tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ nhiễm bệnh, thì nhiều người lớn nhiễm vi-rút tay chân miệng nhưng không có các triệu chứng cụ thể hoặc các triệu chứng không liên quan trực tiếp đến bệnh này.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng bệnh tay chân miệng dễ lây lan ở mọi người, ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người lớn thường sẽ không biểu hiện rõ rệt, nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng

Hiện nay chưa có cách chữa trị cụ thể cho bệnh tay chân miệng. Thế nhưng, bạn vẫn có thể giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn cho đến khi khỏi bệnh bằng cách làm theo các mẹo sau:

– Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để trị đau miệng, trẻ uống dễ dàng hơn và không bị mất nước.

– Đối với trẻ mới biết đi và trẻ lớn hơn, hãy cho trẻ ăn thức ăn mềm như sữa chua, bánh pudding, sinh tố để cung cấp chất dinh dưỡng và giảm đau.

– Cho trẻ uống nhiều loại nước giàu dinh dưỡng nếu trẻ biếng ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể cũng như ổn định huyết áp.

Giảm khó chịu khi trẻ bị tay chân miệng bằng cách nào?

Bệnh tay chân miệng có thể gây mất nước vì trẻ không thể ăn uống. Ba mẹ có thể giúp giảm cơn đau của con bằng cách cho trẻ ngậm đá viên hoặc đá bào, ăn kem, uống sữa được làm lạnh, súc miệng bằng nước ấm sau bữa ăn…

Đặc biệt, ba mẹ cần tránh cho trẻ ăn thực phẩm và đồ uống có tính axit chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, soda; tránh thức ăn mặn hoặc cay.

Nếu con bạn có thể súc miệng mà không nuốt, hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm. Thực hiện nhiều lần trong ngày hoặc thường xuyên khi cần thiết để giúp giảm đau, giảm viêm các vết loét ở miệng và cổ họng do bệnh tay chân miệng gây ra.

Mẹo phòng bệnh tay chân miệng

Vi-rút gây bệnh tay chân miệng chủ yếu lây lan qua nước bọt và phân. Đây là lý do tại sao nó thường ảnh hưởng đến trẻ mới biết đi. Bởi trẻ trong độ tuổi này thường chạm vào những đứa trẻ khác hoặc cầm nắm đồ chơi rồi cho tay vào miệng. Do đó, cách tốt nhất để hạn chế sự lây lan của vi-rút là rửa tay thường xuyên.

Người lớn cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, bạn cũng nên rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi chăm sóc trẻ và sau khi thay tã, đi vệ sinh, đi từ bên ngoài về… Trong những ngày cao điểm của dịch bệnh, nên hạn chế cho trẻ đến khu vực vui chơi công cộng, sát khuẩn tay trước khi trẻ ăn uống, tăng cường bổ sung thức ăn giúp hỗ trợ tăng đề kháng.

Như Tạp chí Mẹ và Con đã đề cập ở trên là không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Để giúp phòng bệnh, ba mẹ có thể khuyến khích con thực hiện các biện pháp vệ sinh tương tự như ngăn ngừa cảm lạnh.

Cụ thể là rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mắt và mũi, không cho ngón tay vào miệng và che miệng khi ho hay hắt hơi. Khi bị bệnh, không nên đi học hoặc đi làm. Thay vào đó cho trẻ ở nhà, nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp.

Bệnh tay chân miệng

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Hầu hết các trường hợp, trẻ em rất nhanh khỏi đối với loại vi-rút này. Rất nhiều trẻ không bị đau và phát ban nên không cần điều trị. Ba mẹ có thể cho trẻ nghỉ học ở nhà cho đến khi hết sốt và hết đau. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ sẽ gặp rắc rối do bệnh chuyển biến khó đoán và phức tạp hơn.

Vì thế, ba mẹ cần phải biết cách quan sát những biểu hiện bất thường để đánh giá tình trạng bệnh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt chú ý các biểu hiện sau:

– Trẻ không uống đủ nước và có dấu hiệu mất nước như ít đi tiểu (không ướt tã trong 6-8 giờ), khô môi và miệng, không có nước mắt khi khóc hoặc nước tiểu có màu vàng đậm.

Trẻ bị sốt kéo dài từ 3 ngày trở lên.

– Trẻ đau đớn nhiều, khó ăn uống, quấy khóc.

– Trẻ có biểu hiện thay đổi trạng thái tinh thần (lờ đờ, không tương tác với bạn theo cách thông thường hoặc ngủ li bì khó đánh thức).

– Giật mình, hoảng hốt khi ngủ với tuần suất 2 lần/30 phút.

Bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh, nhưng may mắn là hầu hết trẻ em đều có thể vượt qua sau 1-2 tuần. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên chủ quan, nhất là với chủng có chuyển biến phức tạp. Ba mẹ bỏ túi ngay những lưu ý nêu trên để biện pháp bảo vệ con hiệu quả nhé!

Bài viết liên quan