1. Hãy hiếu thảo với… ông bà!
Chứ còn gì nữa. Con chỉ có thể học hiếu thảo với bạn nếu như trẻ thấy bạn hiếu thảo với ông bà. Những việc làm rất nhỏ của bạn như: Hỏi han ông bà, nói với con: “Mẹ để dành trái cam này để biếu ông bà”… vậy mà ăn sâu vào tâm hồn trẻ rất nhanh. Đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đấy, bạn thấy con cũng để dành một trái cam và bảo rằng: “Cái này để dành cho mẹ!”. Ngược lại, thật bất khả thi khi bạn nỗ lực dạy con hiếu thảo nhưng lại để trẻ nhìn thấy bạn trả treo, nạt nộ ông bà khi có chuyện không vừa ý, bạn bỏ bê ông bà không người chăm sóc…
2. Thường xuyên kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo
Khi con còn nhỏ, tâm hồn con như tờ giấy trắng, mỗi điều bạn kể đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ. Nếu như bạn kể cho con nghe một câu chuyện cổ tích, rằng con sẻ mẹ thương sẻ con như thế nào, băng mình trong mưa tìm thức ăn cho những đứa con đang đói như thế nào thì trẻ sẽ thuộc lòng luôn bài học: “Mẹ luôn hi sinh cho con, vì vậy con cần ngoan ngoãn, lễ phép, yêu thương, vâng lời mẹ…”. Cuối mỗi câu chuyện kể cho con nghe buổi tối, bạn có thể đặt ra những câu hỏi để bé trả lời.
3. Tập cho con thuộc những bài hát, những câu ca dao về tình cảm bố mẹ và con
Cũng tương tự như việc kể chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn, những bài hát, những câu ca dao như: “Công cha như núi Thái Sơn…” sẽ in sâu trong tâm hồn con bạn lúc nào không hay. Ban đầu, bé có thể chỉ đọc thuộc lòng chứ không hiểu nghĩa. Nhưng dần dần, khi con lớn hơn, bạn có thể giải nghĩa cặn kẽ cho con nghe để con biết lòng hiếu thảo của con cái quan trọng thế nào.
4. Cho bé tận mắt thấy tình mẹ con
Không hề khó! Nếu như nhà bạn có một đàn gà, hãy chỉ cho con thấy gà mẹ, gà con, gà mẹ che chở cho gà con như thế nào, nhường thức ăn cho gà con ra sao. Nếu nhà có một con mèo mẹ đẻ con, bạn có thể cho con xem mèo mẹ đùa giỡn với con, cho con bú… Khi được thấy và được nghe về tình cảm mẹ con thiêng liêng từ nhỏ, bé sẽ có xu hướng yêu thương mẹ mình nhiều hơn.
5. Cụ thể cho con biết về “hiếu thảo”
Con còn khá nhỏ và tuy rất hay nghe mẹ nhắc tới hiếu thảo, nhưng bé chưa hình dung được thật rõ ràng hiếu thảo là gì. Nhưng bạn có thể hướng dẫn con bằng những cách cụ thể hơn và luôn khen ngợi con khi con làm những điều đó. Ví dụ khi bố đi làm về mệt, bạn có thể hướng dẫn con: “Con rót nước để bố uống đi”, và khen bé: “Con hiếu thảo quá!”, bé sẽ nhớ rằng nên rót nước cho bố khi bố về, nên hỏi han bố khi thấy bố mệt…
6. Chơi trò chơi “hiếu thảo” với con
Bạn có thể đố những câu hỏi và gợi ý cho bé trả lời. Chẳng hạn như: “Con thương ai nhất?” – “Con thương ba mẹ nhất!”; “Con thương ba mẹ thì để ở đâu?” – “Con thương ba me thì để trên đầu”; “Khi ăn cơm thì ta nên mời ai trước?” – “Con nên mời ba mẹ trước”… Hãy khen ngợi con khi con có cách trả lời đúng và hay, sửa cho con khi con trả lời chưa được. Cứ như thế, điều này sẽ khiến con bạn “nhập tâm” lúc nào không biết những ứng xử đúng với mẹ cha để xứng đáng là đứa con hiếu thảo.
7. Dạy bé chia sẻ việc nhà
Đứa trẻ được hướng dẫn những kỹ năng làm việc nhà từ sớm sẽ có sự chủ động chia sẻ việc nhà với bố mẹ hàng ngày, đỡ đần bố mẹ khi bố mẹ mệt. Chẳng có gì ngọt ngào hơn khi bạn bị ốm và đứa con bé bỏng của bạn biết cách vắt cho bạn một ly nước cam, vo gạo nấu nồi cơm thay bạn. Hãy hướng dẫn cho con từng chút một, đừng thương con theo kiểu ôm hết việc nhà để con được… chơi không.
8. Đừng chiều con theo hướng “cái gì cũng cho con”
Những đứa trẻ đòi gì được nấy thường có xu hướng sớm thành “ông trời con”, ích kỷ và chỉ biết mọi thứ thỏa mãn cho mình trước. Chiều con theo cách này là bạn đã vô tình làm hư con. Thay vì thế, hãy chừng mực trong việc đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Không phải vô tình khi ông bà ta có câu: “Gia bần tri hiếu tử” (nhà nghèo biết con hiếu thảo). Những đứa trẻ “nhà nghèo” thường có điều kiện để học và hành sự hiếu thảo hơn trẻ nhà giàu. Tập cho con chừng mực, biết nghĩ đến bố mẹ trước khi nghĩ đến mình, không vòi vĩnh một món đồ chơi đắt tiền nếu biết bố mẹ rất vất vả đi làm, lớn lên con bạn sẽ hiếu thảo như bạn muốn.
9. Nói cho con nghe những khó khăn trong nhà
Nhiều bậc cha mẹ thường giấu con lúc nhà gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng ngược lại, các nhà tâm lý học khuyên rằng hãy khéo léo “hé lộ” cho con biết những vất vả ấy, tất nhiên theo cách thật phù hợp với độ tuổi của trẻ và không làm con quá lo âu. Một đứa trẻ khi biết rằng bố mẹ không đủ tiền mua cho con chiếc áo này vì nhà mình chỉ có ít tiền thôi thì sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn, giữ gìn đồ đạc hơn, ít vòi vĩnh hơn và mong muốn “làm gì đó bù đắp cho bố mẹ” hơn. Khi bạn giấu con hết những chuyện này vì cho rằng con là… con nít, bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nhìn thấy sự “trăn trở” rất đáng yêu của con, được thấy một tấm thiệp con vẽ tặng mẹ để mẹ đỡ mệt, hay được nghe con nói rằng: “Mai mốt lớn lên con sẽ kiếm tiền để nuôi ba mẹ, con sẽ dẫn ba mẹ đi ăn kem, sẽ mua quần áo đẹp cho mẹ nữa…”. Khi con biết nói một câu vụng về, ngô nghê như thế, bạn nên mừng. Bởi lẽ, một hạt mầm của sự hiếu thảo đã gặp được đất tốt và cắm rễ, đâm chồi…