Hầu hết các bậc cha mẹ đều ngạc nhiên và thích thú đến mức nghiện làn da của con mình, một làn da mềm mại, ấm áp và thơm mùi sữa. Làn da em bé luôn là làn da mơ ước của biết bao người lớn. Nhưng thực chất làn da của trẻ sơ sinh lại rất nhạy cảm và cần được chăm sóc cẩn thận. Dưới đây là một số mẹo skincare cho bé để đảm bảo làn da của trẻ luôn mịn màng và khỏe mạnh.
Các mẹo skincare cho bé
1. Hạn chế tiếp xức trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Bạn nên hạn chế cho bé ra nắng sau 8 giờ sáng. Khi bạn đưa chúng ra ngoài trời vui chơi, hãy cố gắng giữ cho da của con tránh ánh nắng mặt trời, ngay cả trong mùa đông.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), bạn không nên thoa kem chống nắng cho em bé dưới 6 tháng tuổi. Thay vào đó, bạn nên:
- Cho con ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt
- Cho bé đội mũ che kín cổ và tai
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, nhẹ, che được cánh tay và chân
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là khi tia cực tím (UV) hoạt động mạnh nhất
Điều quan trọng tiếp theo là giữ cho cơ thể con luôn đủ nước bằng cách cho con bú sữa và uống nước đúng bữa dù đang hoạt động ngoài trời.
Các Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Họ khuyến cáo nên tránh thoa kem chống nắng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nhưng họ khuyến cáo rằng trẻ lớn hơn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15. Nếu bạn có thắc mắc về việc sử dụng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh, hãy đến tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
2. Kiểm tra độ ẩm của da trẻ
Không phải trẻ sơ sinh nào cũng cần bôi kem dưỡng ẩm. Làn da của sơ sinh xuất hiện các mảng da khô nhỏ trong vài tuần đầu tiên sau khi về nhà là điều bình thường. Các mảng này thường sẽ tự biến mất mà không cần dùng thêm bất kỳ loại kem dưỡng ẩm nào.
Nhưng nếu em bé của bạn có làn da rất khô hoặc nứt nẻ, bạn có thể thoa các sản phẩm dưỡng ẩm cho trẻ có nền là Petroleum Jelly, không có hương liệu và màu nhân tạo, những thành phần có thể gây kích ứng.
Dầu thực vật tự nhiên, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu dừa hoặc dầu hạt hướng dương, là những nguyên liệu đã được đề xuất làm chất dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh, nhưng có một số nghiên cứu lại cho thấy rằng chúng thực sự có thể làm cho nặng thêm tình trạng da khô hoặc bệnh chàm nặng ở trẻ em.
3. Tránh các tác nhân gây viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc đơn giản là phản ứng dị ứng trên da của bé do tiếp xúc với vật hay các chất gây kích ứng. Triệu chứng bao gồm đỏ da, sưng tấy hoặc da bị khô, nứt nẻ và bong tróc. Sau đây là các chất gây kích ứng và dị ứng phổ biến có thể gây viêm da tiếp xúc ở trẻ:
- nước bọt
- nước tiểu
- xà phòng hoặc chất tẩy rửa
- kem dưỡng da
- thuốc nhuộm
- nước hoa
- mỹ phẩm
- mủ cao su
- một số kim loại
Nếu bạn không thể xác định nguyên nhân đã gây ra kích ứng, bạn nên đến tham khảo ý kiến bác sĩ.
Để phòng tránh bạn có thể:
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi và tránh các loại vải thô, chẳng hạn như len
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không hương liệu, không chất tạo màu
- Tắm cho bé hàng ngày bằng nước ấm cho đến khi hết mẩn ngứa
4. Theo dõi sự phát triển của móng tay
Mặc dù móng tay của bé nhỏ và mỏng, nhưng chúng vẫn không ngừng phát triển. Khi con cựa quậy, móng tay dài và sắc nhọn có thể gây ra các vết xước trên mặt hoặc cơ thể con. Vì vậy, bạn nên theo dõi tình hình phát triển của móng tay của bé.
Bạn cũng nên giũa hoặc cắt tỉa móng tay cho bé hàng tuần hoặc thường xuyên hơn. Việc này nên thực hiện khi trẻ đang ngủ hoặc đang rất thư giãn để tránh các cử động giật mạnh đột ngột có thể gây thương tích không đáng có.
5. Ngăn ngừa rôm sảy
Nổi rôm sảy là tình trạng thường gặp khi thời tiết trở nên quá nóng. Khi bị rôm sảy, những nốt đỏ li ti trên da trẻ thường xuất hiện gần các nếp gấp da hoặc khu vực quần áo cọ xát với da.
Rôm sảy xảy ra khi các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Thời tiết nóng ẩm có thể khiến các tuyến mồ hôi hoạt động quá sức hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến phát ban. Để điều trị cho bé, bạn nên giữ cho da trẻ thoáng mát và tránh sử dụng các sản phẩm chứa dầu. Tắm nước mát hoặc quấn khăn có thể giúp giảm ngứa và hết phát ban. Bạn nên liên hệ với bác sĩ của bé nếu tình trạng phát ban không cải thiện trong vòng 3 ngày, da trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc nếu bé sốt từ 37.8°C trở lên.
6. Không quên chăm sóc vùng rốn
Khi mới đưa bé về nhà, dây rốn vẫn còn dính ở rốn. Bạn cần phải giữ cho khu vực này sạch sẽ và khô ráo nhất có thể cho đến khi dây rốn rụng sau khoảng 1 – 3 tuần. Điều quan trọng là bạn không được kéo hoặc cố gắng ép dây rốn rụng. Bạn không được tự ý thoa bất kỳ chất nào để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc hỗ trợ quá trình làm khô.
Bạn nên gọi cho bác sĩ, nếu phát hiện rốn con bị:
- mưng mủ
- đỏ hoặc sưng
- sốt từ 37,8 độ C trở lên
- tiết dịch có mùi hôi
- lượng máu chảy ra nhiều
Da là cơ quan lớn nhất trên cơ thể. Vì vậy việc chăm sóc sức khỏe da và skincare cho bé là rất quan trọng. Nhớ giữ da trẻ sạch sẽ, khô thoáng và không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều quan trọng là không lạm dụng kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm dưỡng da khác.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh dễ mắc một số tình trạng da khác nhau trong những năm đầu đời. Nếu trẻ phát ban xuất hiện kèm theo sốt cao, bị nhiễm trùng hoặc không thuyên giảm trong vài ngày, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Nhi để được hỗ trợ và can thiệp kịp thời.