Suy nhược cơ thể
Mẹ bị trầm cảm thường cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể. (Ảnh minh họa)
9 tháng 10 ngày mẹ “mang nặng, đẻ đau”, thời gian sau khi sinh mẹ cũng chịu nhiều vất vả hơn trong việc chăm con, đặc biệt là đối với những chị em sinh con lần đầu. Cho nên, sau sinh nhiều sản phụ rơi vào tình trạng bế tắc, đau khổ… mà không có lý do cụ thể nào. Thậm chí, có lúc họ còn cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Đây chính là những lý do dễ đẩy bà mẹ sau sinh vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược kéo dài, thờ ơ với công việc nhà, không còn trau chuốt cho bản thân cũng như chăm sóc chồng con.
Hoảng hốt
Khi bất ngờ có một tình huống nào đó xảy ra, người bị trầm cảm sau sinh thường rơi vào trạng thái hoảng hốt, khó giữ được bình tĩnh.
Lo lắng
Chị em sau sinh thường có nhiều nỗi lo lắng thái quá, chủ yếu là về sức khỏe bản thân và khả năng chăm con. Theo các bác sĩ, có rất nhiều bà mẹ sau sinh thường than phiền với họ rằng bị đau ở đầu, ở cổ, một số khác lại đau lưng, đau ngực… Càng than phiền bao nhiêu thì càng khiến chị em dễ bị stress, buồn chán, bất lực bấy nhiêu. Những triệu chứng bất thường về sức khỏe sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, một số bà mẹ còn cảm thấy căng thẳng, thiếu tự tin khi ra ngoài, họ sống khép kín hơn, từ chối mọi cuộc gặp gỡ hoặc không trả lời điện thoại, tin nhắn từ bạn bè… Nếu thấy mẹ sau sinh gặp phải tình trạng này thì anh xã hãy nhanh chóng đưa vợ đến gặp bác sĩ hoặc có thể mời bác sĩ đến nhà để được thăm khám và tư vấn nhé.
Căng thẳng
Chứng trầm cảm thường đi kèm với tình trạng căng thẳng. (Ảnh minh họa)
Chứng trầm cảm thường đi kèm với tình trạng căng thẳng. Nếu căng thẳng kéo dài sẽ khiến bệnh trầm cảm của phụ nữ sau sinh trở nên tồi tệ hơn. Đôi khi chỉ chịu một sự tác động nhỏ cũng khiến họ như muốn “vỡ bờ”, khó kiểm soát được thái độ cũng như hành vi của bản thân.
Cảm giác bị ám ảnh
Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường dễ bị ám ảnh về một người, một tình huống cụ thể nào đó. Một số người còn tỏ ra sợ hãi, nghĩ rằng mình chính là mối nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với đứa trẻ. Đồng thời, trong con người họ lúc nào cũng có suy nghĩ mình đang mang cảm giác tội lỗi mà không rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Mất tập trung
Mẹ bị trầm cảm sau sinh thường rất khó có thể hoàn toàn tập trung vào một việc như đọc sách, xem tivi, trò chuyện… Họ sẽ cảm thấy trí nhớ bị giảm sút rõ rệt, thậm chí họ có thể chỉ ngồi yên một chỗ mà không biết mình nên làm gì và đang nghĩ gì.
Rối loạn giấc ngủ
Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của người bị trầm cảm đó là khó ngủ. Có người có thể nằm thao thức đến sáng hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, hay bị thức giấc vào giữa đêm và thỉnh thoảng còn gặp ác mộng. Một khi đã tỉnh giấc giữa chừng họ khó có thể ngủ lại được.
Chuyện chăn gối
Điều này các ông bố cần đặc biệt lưu ý. Hầu hết các bà mẹ trầm cảm sau sinh thường cảm thấy mất hứng thú trong chuyện chăn gối. Lúc này các ông bố cần thông cảm và hiểu rõ rằng đây chính là một trong những triệu chứng của bệnh. Điều mà các ông bố thắc mắc là tình trạng này bao giờ mới chịu kết thúc? Hứng thú tình dục sẽ trở lại bình thường cho đến khi mẹ đã chấm dứt bệnh trầm cảm. Anh xã đừng quên cố gắng an ủi, động viên và chia sẻ để vợ nhanh chóng hồi phục nhé. Hãy thỉnh thoảng thể hiện các hành động, cử chỉ ngọt ngào, âu yếm… sẽ tốt cho cả hai vợ chồng.