Mẹ&Con - Mang thai - cứ ngỡ ấy là niềm hạnh phúc tột cùng của bất cứ người phụ nữ nào trên đời. Thế nhưng, bạn có biết rằng một tỷ lệ rất lớn thai phụ / sản phụ mắc phải chứng trầm cảm thai kỳ và trầm cảm sau sinh? Tại sao lại có “nghịch lý” này nhỉ? Đừng đem lo lắng lên giường 6 cách “vượt stress” khi mang thai Trẻ bị trầm cảm, phải làm sao?

Bạn có biết?

Cứ 10 thai phụ thì trung bình có 1 người bị trầm cảm trong thai kỳ (một tỷ lệ khá cao). Trầm cảm có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu như bạn không biết cách nhận ra và giải tỏa, chữa trị kịp thời, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý của bạn và của thai nhi trong bụng.

Bạn có đang bị trầm cảm thai kỳ?

Mọi người chúc mừng khi biết tin bạn có thai. Bản thân bạn cũng mong chờ điều ấy lắm. Chồng và gia đình chồng, gia đình bạn đều ra sức chiều chuộng, thậm chí đáp ứng cả những yêu cầu có vẻ “khác thường” của bạn như bỗng dưng nửa đêm thèm… trứng vịt lộn để chồng phải đi mua chẳng hạn. Thế nhưng, bất chấp tất cả những yêu thương, chiều chuộng, những lời chúc mừng đó, chẳng hiểu sao bạn lại cứ thấy xuất hiện cảm giác sợ hãi, mệt mỏi, lo âu, trống trải, cô đơn, chán nản, thậm chí là… tội lỗi! Chuyện gì đang xảy ra vậy?

trầm cảm thai kỳ

Dấu hiệu
Bạn khóc khá nhiều, vì những lý do khác nhau, có khi không có lý do cụ thể.
Bạn cảm thấy mình vô dụng và chán nản.
Bạn mất khả năng tập trung, hay quên, khó khăn lắm mới hoàn thành một công việc mà bình thường chỉ cần loáng cái đã làm xong.
Bạn hay gặp ác mộng, hay bị ám ảnh, cảm thấy lo âu về nhiều thứ.
Cơ thể bạn ở trong trạng thái mệt mỏi thường xuyên, tinh thần trì trệ.
Khẩu vị bạn thay đổi, chán ăn.
Mất hứng thú với đứa con trong bụng.
Hay nghĩ: Nếu mình không phải đang mang thai thì…
Bạn khó ngủ, thường xuyên mất ngủ hoặc chỉ ngủ được rất ít, rất chập chờn.
Hay nghĩ về ngày mai với cảm giác vô vọng, không biết mọi thứ ra sao.
Luôn thấy buồn rầu, một cảm giác buồn dai dẳng và thường trực.
Bạn dễ cãi cọ với mọi người xung quanh.
Cảm thấy mình khó kiềm chế những cơn nóng giận thình lình đến.
Bạn thường xuyên nghĩ đến những khó khăn tiền bạc sau khi sinh con, nuôi con.
Bạn hiện đang có một trong những khó khăn sau đây: cuộc sống gia đình căng thẳng (với chồng hoặc gia đình chồng), là mẹ đơn thân, thu nhập bấp bênh, đang thất nghiệp, có bầu không đúng lúc, ốm nghén nặng, mang thai con thứ hai trong khi bé đầu lòng còn quá nhỏ (dưới 1 tuổi).
Bạn từng có một thai kỳ không ổn trước đó (sảy thai, thai nhi có bất thường…).

Nếu bạn có trên 3 dấu hiệu trong bảng này, cần hết sức thận trọng và nghĩ đến trầm cảm thai kỳ. Đừng lơ là nó, đừng bỏ qua nó. Đừng cho rằng đó chỉ là những “thất thường” chẳng đáng quan tâm của phụ nữ đang kỳ bầu bí. Bởi lẽ đó chính là những dấu hiệu mang tính báo động đỏ về chứng trầm cảm thai kỳ.

trầm cảm thai kỳ 1

Vì sao bạn rơi vào tình trạng này?

Mang thai là giai đoạn có nhiều thay đổi quan trọng với cơ thể, tâm lý. Những hormone trong cơ thể thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗi buồn vui của bạn. Thêm vào đó, những lo lắng, hoang mang ập đến. Bất cứ ai lần đầu làm một điều gì đó cũng có chút lo lắng. “Lần đầu” này của bạn lại kéo dài hơn chín tháng trời, với đầy ắp các biến đổi từng ngày, từng giờ, chuyện bạn lo hoàn toàn dễ hiểu.

Trầm cảm thai kỳ thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba, do đó là những giai đoạn khó khăn nhất của bạn: ốm nghén, cơ thể nặng nề, không ngủ ngon, dễ gặp ác mộng… Bạn hãy tích cực thực hiện các biện pháp giúp mình thoát ra. Trong trường hợp tâm trạng chán nản, u buồn kéo dài hơn 2 tuần lễ và không có dấu hiệu tốt lên, nên tìm đến bác sĩ.

Làm cách nào để “thoát ra”?

Để giảm trầm cảm trong thai kỳ, bạn cần tỉnh táo “hiểu” tình trạng của mình và thật sự nỗ lực tìm cách giải quyết nó. Ví dụ bạn thấy buồn thường xuyên mà không rõ nguyên do, đừng bỏ mặc bản thân mình trong cảm giác buồn mà cần tìm ngay đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý, cho họ biết những bất ổn bạn đang có. Chắc chắn đó không phải là một cơn “mưa nắng thất thường” của phụ nữ. Bạn cần sự giúp đỡ để có thể thoát ra, bảo vệ cho chính mình và cho thai nhi trong bụng.

Dưới đây là một số cách để bạn có thể thoát ra khỏi chứng trầm cảm thai kỳ:

Nếu bạn… Bạn nên…
Công việc của bạn đang gặp khó khăn. Viết ra lần lượt từng nguyên nhân gây nên khó khăn. Thử tìm cách giải quyết chúng. Đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ của sếp, bạn bè đồng nghiệp.
Thu nhập của bạn bấp bênh và bạn lo không đủ tiền cho việc sinh nở, nuôi con. Chia sẻ những lo lắng với chồng và người thân. Tìm cách để xây dựng một khoản “quỹ” ổn định đủ cho bạn yên tâm về việc sinh nở, nuôi con (kể cả phải mượn của người thân cũng được).
Luôn thấy căng thẳng. Tìm đến các lớp học yoga, học bơi hoặc thể dục nhẹ nhàng dành cho bà bầu. Vận động nhẹ nhàng sẽ giúp bạn giải tỏa cảm giác đó.
Thấy sợ hãi, lo lắng về thai kỳ, về con. (Đặc biệt trong trường hợp bạn từng có một thai kỳ bất ổn trước đó). Chia sẻ những nỗi băn khoăn, lo lắng của mình với bác sĩ. Thực hiện đầy đủ mọi xét nghiệm, kiểm tra.
Thường xuyên mất ngủ. Tạo không gian thư giãn cho mình (phòng ngủ yên tĩnh, đèn ngủ có màu êm dịu). Uống một cốc sữa nóng nhỏ cách giờ lên giường khoảng nửa tiếng và nằm hít thở nhẹ nhàng. Không cần tự trách mình nếu bạn nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không ngủ được. Nếu sau 1 tuần, tình trạng mất ngủ vẫn như cũ, hãy hỏi bác sĩ.
Cảm thấy ức chế một số chuyện về chồng, về gia đình chồng. Tìm đến chuyên gia tâm lý, trò chuyện với người thân, bạn bè thân. (Nên chọn những bạn bè và người thân thường cho bạn các lời khuyên tích cực, lạc quan).
Áp lực, mệt mỏi quá nhiều vì công việc. Nên giảm tải đến mức tối đa công việc. Tự nhủ với mình: Con là ưu tiên số 1 lúc này. Tăng cường thời gian nghỉ ngơi và xin nghỉ phép một vài tuần nếu được.
Hay buồn rầu. Tránh xa những bộ phim, những vở kịch, cuốn sách có nội dung buồn bã, căng thẳng, nhiều nội tâm. Tập trung xem những gì vui tươi, nhẹ nhàng. Có thể thử một vài công việc chi phối sự buồn rầu như đan lát, thêu thùa, may quần áo cho con…
Hay cãi cọ với bạn đời. Hãy ngồi xuống tâm sự cởi mở, bộc bạch những khó khăn của bạn và nói rõ bạn cần sự đồng lòng, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ và che chở của anh ấy lúc này.
Bạn là một bà mẹ đơn thân. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn thân thiết nhất hoặc gia đình. Bạn cũng có thể gia nhập hội các bà mẹ đơn thân trên các diễn đàn, kết bạn với một số người để hiểu rằng mình không hề lẻ loi trên chặng đường dài.
Chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Chia nhỏ bữa ăn, chọn một số món có khả năng kích thích vị giác tốt, dễ ăn như sữa chua. Uống thêm một số loại sữa có bổ sung nhiều dưỡng chất (nếu bạn uống được).
Làm tất cả mọi thứ nhưng vẫn thấy mình trong trạng thái ức chế, chán chường, mệt mỏi, không muốn nghĩ đến chuyện sinh con… Tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa sản, bác sĩ tâm lý hoặc các nữ hộ sinh giỏi. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích hoặc những phương pháp điều trị tích cực hơn.

Những dấu hiệu bạn cần đến bác sĩ ngay

Trong trường hợp thấy xuất hiện những dấu hiệu này, đừng ở nhà “tự chữa”. Việc bạn cần làm ngay là tìm đến bác sĩ.

Dấu hiệu “cấp bách”
Muốn tự tử: Chỉ cần thấy mình cảm thấy chán sống, nghĩ đến cái chết trong lúc đang mang thai, bạn cần cố hiểu rằng mình đang bị rơi vào một tình trạng bị đe dọa thật sự bởi chứng trầm cảm thai kỳ và cần đến sự giúp đỡ hữu hiệu, đúng lúc, đầy kinh nghiệm của bác sĩ. (Bình thường, không ai nghĩ đến cái chết khi đang mang trong mình một mầm sống cả).
Tự làm đau chính mình, tự đánh vào cơ thể, đánh vào bụng: Đó là dấu hiệu nghiêm trọng, vì một thai phụ tâm lý bình thường luôn có xu hướng bảo vệ cao nhất cho em bé và cho bản thân. Khi bạn tìm đến cảm giác “đau”, bạn thật sự đang có vấn đề về tâm lý ở mức độ nghiêm trọng.

 

VÀI MẸO HAY CHO MẸ

– Bạn nên tham gia vào các lớp học tiền sản. Ở đó, cảm giác mình không đơn độc sẽ giúp bạn thấy yên tâm hơn, thoải mái hơn với thai kỳ.

– Hãy cố gắng ăn uống tốt và duy trì giấc ngủ đủ 8 tiếng. Một khi cơ thể khỏe, tâm lý của bạn sẽ dễ ổn định theo. Một chế độ ăn lành mạnh nên gồm axit béo omega-3, vitamin và chất khoáng để cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, amino axit tryptophan có thể làm tăng chất melatonin và serotonin (giúp ngủ tốt và khiến bạn vui vẻ) trong não. Chất này có trong nhiều loại hạt. Thực phẩm cần thiết cho bạn gồm hoa quả, sữa, thịt nạc, ngũ cốc, rau xanh…

– Nếu có thể, nên chuẩn bị trước về tài chính cho việc sinh nở. Tài chính ổn định là cách để giúp bạn tránh xa trạng thái trầm cảm thai kỳ, lo lắng quá nhiều đến tương lai.

– Đừng khắc nghiệt với bản thân mình. Hãy biết rằng đến 10% thai phụ mắc chứng trầm cảm thai kỳ và đó hoàn toàn không phải do lỗi của bạn. Hãy buông lỏng bản thân, không trách cứ mình (kể cả khi bạn phạm phải một số lỗi lầm, cáu gắt, lỡ lời với người thân…), hiểu rằng mình đang gặp một trong những khó khăn của thai kỳ và cần đến sự giúp đỡ.

Tags:

Bài viết liên quan