Mẹ&Con - Ước nguyện làm mẹ là ước nguyện của bất kỳ người phụ nữ nào sau khi lập gia đình. Tuy nhiên, có những trường hợp nhất định, bác sĩ sẽ buộc lòng phải đưa ra lời khuyên trì hoãn việc mang thai, nếu như… Nên làm gì khi mang thai ngoài ý muốn 9 thời điểm không nên mang thai Hành chồng lúc mang thai

1. Bạn đang có bệnh về tuyến giáp

Tuyến giáp nằm ở trước cổ, có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự trưởng thành, hoạt động của mọi tế bào. Trong trường hợp khám tổng quát trước khi muốn mang thai và được xác định là bị suy giáp hay cường giáp, bạn nên tạm hoãn việc có thai lại, điều trị dứt điểm để trở về bình giáp.

Thời gian điều trị để trở về bình giáp có thể mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Trường hợp đã lỡ có thai hoặc bạn quyết định muốn có thai trước rồi điều trị sau, nên hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng dùng thuốc thích hợp nhằm bảo vệ thai nhi, đồng thời bảo vệ cả cho người mẹ.

Bạn cần lường trước rằng, nếu bạn cố mang thai trong giai đoạn bị suy giáp hoặc cường giáp thì bé chính là người nhận lãnh hậu quả trước tiên, kế đến là bạn. Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Hormone tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan cũng như sự phát triển của não bộ. Vì vậy, trẻ chào đời bị suy giáp bẩm sinh (vì mẹ bị suy giáp) sẽ chậm lớn, chậm phát triển, đần độn…

Với chính bản thân bạn, nếu trì hoãn việc điều trị cho trở về bình giáp mà ưu tiên sinh con trước thì bạn có thể phải đối mặt với những biến chứng như thiếu máu, suy tim, khi sinh con có trường hợp bị tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau gây ra máu nhiều, nguy hiểm cho tính mạng.

Trường hợp bị cường giáp mà vẫn cố mang thai thì nồng độ hormon thyroxin trong máu mẹ có thể đi vào máu thai, dẫn đến tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu, dị tật, dị dạng thai nhi. Về phía mẹ, nếu bị cường giáp nặng mà không điều trị, vẫn muốn sinh con trước thì có nguy cơ bị các cơn bão giáp có thể gây tử vong cho mẹ.

Hãy biết, một đứa con rất quan trọng với bạn nhưng không nhất thiết phải có nhanh bằng mọi giá mà bỏ qua các yếu tố sức khỏe của chính bản thân mình cũng như của dứa con sinh ra. Các bác sĩ luôn khuyên nếu phụ nữ đang bị bệnh về tuyến giáp (suy giáp hoặc cường giáp) nên tạm hoãn việc có thai, điều trị dứt điểm rồi mới có. Trừ trường hợp chỉ bị ở mức độ nhẹ, có thể theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mà không cần dùng thuốc.

2. Bạn bị suy thận vừa và nặng

Nếu chỉ bị viêm cầu thận cấp, sỏi thận và đường tiết niệu nhưng chưa có suy thận thì vẫn có thể mang thai được với điều kiện được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Còn trong trường hợp bị hội chứng thận hư tiên phát, viêm cầu thận luput, bị suy thận vừa và nặng thì không nên có thai.

Bạn cần biết rằng khi có thai, người vốn có sức khỏe bình thường còn dễ gặp phải các vấn đề về tiết niệu và thận chứ đừng nói đến người đang suy thận, ảnh hưởng lên sức khỏe của cả mẹ lẫn con là vô cùng lớn. Việc bị suy thận vừa và nặng vẫn có thai không khác nào bạn đang đùa với sinh mạng của chính mình, khiến bệnh trầm trọng hơn và chính bé sinh ra cũng có thể “gánh” những hậu quả từ mẹ. Ví dụ như mẹ có thể bị tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén, phù nhiều, tăng huyết áp, protein niệu nhiều, có thể gây tử vong cho cả thai phụ lẫn thai nhi.

3. Bạn đang trong giai đoạn trầm cảm, có vấn đề về sức khỏe tâm thần

6 trường hợp bạn không nên mang thai 6

Những giai đoạn đang gặp phải các cú sốc nặng, trầm cảm, suy sụp tinh thần… bạn không nên có thai vội. Hãy dành thời gian tìm đến các bác sĩ chuyên khoa, các chuyên viên tâm lý để có hướng điều trị dứt điểm. Nếu không, chính trạng thái bất an của mẹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của bào thai, dễ dẫn đến sảy thai cũng như khiến thai không phát triển bình thường, khỏe mạnh được.

Cũng chính vì điều này mà khá nhiều bác sĩ khuyên các đôi vợ chồng nên có biện pháp tránh thai vào đêm tân hôn và một vài ngày ngay sau cưới. Nguyên nhân là vì giai đoạn này, cơ thể người mẹ thường đã quá mệt mỏi với những chuyến đi dài (nhất là cưới ở khác tỉnh), quá căng thẳng với tiệc tùng, lễ nghi, khách khứa… Trong giai đoạn gia đình mới có những chuyện không vui lớn như có tang, việc làm ăn không thuận lợi… bác sĩ cũng thường khuyên nên để qua lúc ngặt nghèo, cho trạng thái tinh thần bình ổn trở lại rồi mới có thai.

4. Bạn vừa ngưng thuốc tránh thai hoặc vừa mới sảy thai

Nếu đã uống thuốc tránh thai một khoảng thời gian dài trước đó, nên thay bằng condom (bao cao su) trong vòng 1-2 tháng, sau đó mới thả để có thai. Thuốc tránh thai tuy được khẳng định rằng không gây nên bất kỳ ảnh hưởng nào với thai nhi, kể cả nếu có thai ngay sau khi ngưng thuốc, song để cẩn thận và cũng là để cơ thể điều chỉnh trở lại sau một thời gian dài dùng thuốc thì bạn không nên có thai vội.

Trường hợp mới bị sảy thai, thai chết lưu, thai trứng… nói chung là những biến chứng thai nghén trước đó thì cũng không được có thai vội. Cần phải dành thời gian cho cơ thể phụ hồi, tử cung được nghỉ ngơi ít nhất 6 tháng đến 1 năm, giúp lần có thai sau sẽ mang đến kết quả tốt hơn. Không nên vội vàng lo lắng rằng tuổi đã cao, cần có thai sớm để cố có thai trong khi những hậu quả trước còn chưa được khắc phục, sẽ gây nguy hại cho cả mẹ và thai nhi trong bụng.

5. Bạn đã tiếp xúc với các hóa chất độc hại trước đó

Những người từng tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại… do công việc trước đó, khi muốn có thai cần hỏi bác sĩ để xin tư vấn. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu trì hoãn việc có thai, hoàn toàn không tiếp xúc với những hóa chất này nữa trong vòng 3-6 tháng để theo dõi, sau đó mới có quyết định để bạn thực hiện thiên chức làm mẹ.

Không nên sốt ruột để vượt rào, bất chấp lời khuyên của bác sĩ vì các hóa chất độc hại này có thể gây đột biến, nhiễm độc thai nhi, khiến bé sinh ra bị dị dạng, khuyết tật…

6. Bạn mắc phải một số bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư…

Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ phải cân nhắc cụ thể trên tình hình sức khỏe của bạn để đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, đây là những bệnh lý nằm trong danh sách được khuyên bạn nên hết sức cẩn thận với quyết định có thai của mình. Vì khi có thai, sức khỏe của bạn sẽ ảnh hưởng trầm trọng, bệnh trở nên nặng hơn, có nguy cơ tử vong với mẹ cũng như khiến dễ sảy thai, thai chết lưu, thai chịu những biến chứng, dị tật…

Vẫn biết mong muốn làm mẹ là một mong muốn thiêng liêng, song có những trường hợp bất khả kháng, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nhận một đứa con nuôi thay vì sinh nở. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bác sĩ không thấu hiểu khát khao làm mẹ của bạn, mà chỉ là vì mong muốn mang đến cho bạn và cả em bé một kết quả tốt, một kết thúc có hậu hơn. 

Bác sĩ Đào Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược)

Tags:

Bài viết liên quan