Chắc hẳn các mẹ bầu khi sinh con lần 2 cũng đã bớt những bỡ ngỡ ban đầu và sẵn sàng hơn cho lần sinh này. Tuy nhiên, cũng có không ít những ngộ nhận mà mẹ bầu vẫn “tin sái cổ” nhưng sự thực thì hoàn toàn không phải như vậy.
1. Sinh con lần 2 luôn sớm hơn lần 1
Mặc dù nhiều mẹ vẫn tin rằng, đứa trẻ sinh đầu nếu sinh đúng ngày hoặc trễ so với ngày dự sinh thì em bé thứ hai sẽ chắc chắn sinh sớm hơn. Những thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Theo kết quả nghiên cứu, con thứ 2 không hẳn lúc nào cũng chào đời sớm, thậm chí một tỉ lệ lớn khảo sát cho thấy, các bé thứ 2 vẫn chào đời quá ngày dự sinh.
2. Chuyển dạ lần 2 dễ dàng hơn
Một số mẹ tin rằng, sau lần chuyển dạ sinh đứa đầu, chị em đã học được cách thở và rặn, tử cung hoặc âm đạo cũng đã được “luyện” trong lần 1 nên sang lần 2, việc sinh con sẽ diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
Việc chuyển dạ lần 2 chưa chắc đã nhanh hơn lần 1 (Ảnh minh họa).
Điều này là chưa hẳn đúng. Trung bình lần sinh thứ nhất sẽ kéo dài trong khoảng 12 giờ còn sinh con lần 2 sẽ diễn ra trong khoảng 8 tiếng do âm đạo đàn hồi tốt hơn, xương chậu giãn nở tốt hơn nên việc sinh nở cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo điều này luôn đúng. Không phải bà mẹ nào cũng sinh con lần 2 suôn sẻ và dễ dàng như lần 1. Một số trường hợp cảm thấy khó sinh trong lần 2 do cơn chuyển dạ lâu hơn, đầu em bé to hơn và khó có thể ra ngoài âm đạo dễ dàng. Chưa kể, nhiều mẹ sinh con lần 2 khi tuổi đã lớn, sức khỏe yếu nên việc sinh con cũng khó khăn hơn.
3. Sinh con lần 2 sẽ bị rạch tầng sinh môn nếu lần 1 đã bị rạch
Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật nhỏ, khiến âm đạo rộng ra, giúp bé chào đời dễ dàng hơn.
Hầu hết chị em đều mang tâm lý lo lắng bị rạch tầng sinh môn lần 2 sau khi lần 1 đã bị rạch. Nhưng tin vui cho chị em, nhiều nghiên cứu cho thấy bạn không hề có nguy cơ bị rạch hay rách tầng sinh môn lần 2. Việc rạch hay rách còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, không phải cứ sinh là bị rạch. Bác sĩ chỉ rạch tầng sinh môn trong trường hợp sản phụ không biết cách rặn đẻ, đầu của bé quá to so với âm đạo của mẹ, thai trong tình trạng nguy hiểm, trường hợp phải nhờ kẹp forcep. Trường hợp mẹ sinh dễ dàng, rặn đẻ tốt, bé ra được nhanh chóng thì không cần rạch tầng sinh môn. Vì vậy, bạn không nên hoang mang.
4. Con thứ 2 luôn nặng cân hơn con đầu
Câu trả lời là không đúng hoàn toàn. Nhiều trường hợp con thứ 2 nặng cân hơn con đầu do người mẹ đã biết chăm sóc cơ thể và ăn uống nghỉ ngơi điều độ, có kinh nghiệm mang thai từ lần 1. Nhưng vẫn nhiều trường hợp con thứ 2 nhẹ cân hơn con đầu.
Cân nặng thai nhi khi mang thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe người mẹ, tâm lý người mẹ, dinh dưỡng thai kỳ… Do đó, muốn con phát triển tốt khi trong bào thai, người mẹ cần phải quan tâm tới sức khỏe của mình.
5. Tâm lý của bạn sẽ ít sợ hãi hơn lần trước
Điều này cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà chủ yếu là phụ thuộc vào lần sinh đầu tiên của bạn. Nếu đã có kinh nghiệm trong lần sinh đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn trong quá trình đau đẻ thứ hai. Tất nhiên chuyện sợ hãi khi trải qua những cơn đau là bình thường. Nhưng khi bắt đầu sinh có thể bạn sẽ thấy tự tin hơn vì đã hình dung ra các việc mình phải làm và các công đoạn tiếp theo.
Tâm lí sợ hãi khi sinh còn lần 2 sẽ phụ thuộc vào lần sinh thứ nhất của bạn (Ảnh minh họa).
6. Mang thai lần 2, sữa non sẽ xuất hiện sớm hơn?
Điều này cũng không ai đảm bảo được. Sữa non có sớm hay muộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa hoặc do chế độ dinh dưỡng khi mang thai. Vì vậy, trong quá trình sinh con lần 2, có những người khi mang thai đã bắt đầu bị rò rỉ sữa non ở tuần thứ 27 nhưng cũng có nhiều người mãi đến khi sinh mới có sữa.