Mất sữa một bên là một trong những băn khoăn của rất nhiều bà mẹ. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con có những chia sẻ sau đây. Mời mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Như thế nào là mất sữa một bên?
Mất sữa một bên là tình trạng một bên ngực ít sữa rồi dần dần mất hẳn hoặc đột ngột ngưng sữa khi quá trình cho con bú vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng này thường diễn ra ngay sau khi bé chào đời hoặc sau khoảng 2 tháng nuôi con bằng sữa mẹ.
Không phải tất cả các mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ đều gặp tình trạng này. Nhưng trên thực tế mất sữa một bên có thể xuất hiện từ từ với mức độ khác nhau khiến mẹ không nhận biết được để điều chỉnh ngay. Hậu quả là mẹ có thể mất hẳn sữa một bên và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi dưỡng bé yêu.
5 lý do khiến mẹ mất sữa một bên
Nói một cách chính xác thì có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị mất sữa một bên. Tuy nhiên, 5 lý do được Mẹ và Con liệt kê dưới đây là phổ biến nhất. Mẹ nên tìm hiểu kỹ về trường hợp của mình để có cách xử lý phù hợp:
Căng thẳng sau khi sinh:
Quá trình sinh nở quá khó khăn khiến mẹ bị mất nhiều máu, kiệt sức. Bên cạnh đó, sự thay đổi về nội tiết cộng với những vất vả trong những ngày đầu chăm sóc bé khiến mẹ mệt mỏi, thiếu ngủ và càng lúc càng cảm thấy căng thẳng hơn. Đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ kém sữa, mất sữa một bên, thậm chí là mất hẳn sữa.
Nghỉ ngơi thiếu khoa học
Đây là tình trạng rất thường gặp, nhất là với những người mới làm mẹ lần đầu, người muộn con… Ngay khi sinh, rất nhiều phụ nữ cảm thấy rằng sự xuất hiện của bé là một điều vô cùng kỳ diệu. Tất cả mọi sự chú ý, chăm chút đều tập trung vào bé. Từ đó, mẹ mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc bé và lơ là sức khỏe của bản thân.
Bên cạnh đó cũng có những trường hợp người mẹ sau sinh thiếu sự hỗ trợ từ người thân, gia đình nên phải tự mình chăm sóc con. Áp lực từ việc sinh nở chưa được giải tỏa cộng thêm nhiều lo lắng trong quá trình nuôi con rất dễ khiến mẹ bị mất sữa.
Bé bú lệch một bên
Chắc hẳn mẹ biết rằng hai bên ngực của một người phụ nữ thường không bao giờ đều nhau. Vì thế, bên to hơn sẽ được gọi là bên thuận và đó là nơi bé yêu thích bú hơn vì sữa luôn dồi dào và mẹ cũng thuận tiện khi thao tác. Tình trạng này diễn ra một cách quá thường xuyên sẽ làm cho sữa ở bên ngực bé hơn khó được sản sinh và làm cho bạn bị mất sữa.
Bởi lẽ, việc tiết sữa nhiều hay ít tùy thuộc vào 4 hóc môn là estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Trong đó, hàm lượng của các loại hóc môn cần phải được cân bằng, nếu quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.
Thế nhưng, do sự “ưu ái” của bé dành cho một bên ngực khiến cho hóc môn kích thích tiết sữa oxytocin và hóc môn điều tiết lượng sữa prolactin không được sản sinh đều nên khiến bên ngực ít được bé bú sẽ chậm tạo sữa hơn, gây mất sữa một bên. Tình trạng này sẽ càng trầm trọng khi bé chán bên ít sữa và bỏ hẳn không bú ngực đó nữa.
Thiếu chất dinh dưỡng
Sau sinh, nhiều mẹ và gia đình do những quan niệm sai lầm trong dinh dưỡng đã kiêng khem quá mức như chỉ ăn thịt không ăn các loại thực phẩm khác, chỉ ăn thức ăn thật cay và mặn để sữa ấm, kiêng thực phẩm giàu sắt như thịt bò và rau muống vì sợ vết thương chậm lành…
Xem thêm: Điểm danh những thực phẩm gây mất sữa sau sinh
Điều này không chỉ khiến cho mẹ chậm hồi phục vì bị thiếu chất mà còn gây nên hiện tượng thiếu sữa, mất sữa do cơ thể không đủ nguồn năng lượng cần thiết.
Vắt sữa không đúng cách
Khả năng tiết sữa suy giảm khi mẹ vắt sữa không đúng cách ở cả cách bằng tay và bằng máy. Điển hình nhất là tình trạng mẹ quan tâm ở bên ngực có sữa và không vắt bên ngực mất sữa làm giảm đi sự kích thích, khiến cho sữa không được tạo ra.
Ngoài ra, nguyên nhân vắt sữa không đúng cách khiến mẹ bị mất sữa một bên còn do thao tác không đúng, vắt sữa quá thường xuyên khiến cho ngực bị tổn thương mà sữa lại không nhiều.
Giải pháp cho tình trạng mất sữa ở một bên ngực
Để giải quyết hiện tượng mất sữa một bên ngực, mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này để nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh, đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé. Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ là:
Chia sẻ công việc với người thân
Mẹ vừa trải qua một hành trình vượt cạn nhiều vất vả. Lúc này, hãy tự giảm bớt áp lực cho mình bằng cách nhờ người khác chăm sóc bé yêu trong một số thời điểm nhất định để mẹ có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức.
Sự chia sẻ của người thân không chỉ giúp mẹ đỡ mệt nhọc mà còn là sự ủng hộ về mặt tinh thần, đem đến cảm giác yên tâm, thoải mái. Điều này cực kỳ có lợi cho sự hồi phục thể lực và có tác động tích cực đến quá trình tiết sữa của mẹ.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Sau khi sinh, cơ thể mẹ cần được cung cấp nhiều dưỡng chất để hồi phục. Do đó, bạn cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong thời gian này. Tốt nhất là cân bằng giữa các nhóm thực phẩm với nhau, không kiêng khem quá mức nhưng cũng cần hạn chế ăn quá thường xuyên các món ăn giàu đạm, chất béo.
Mẹ cần bổ sung các thực phẩm có khả năng tăng tiết sữa và tăng dinh dưỡng cho nguồn sữa mẹ như các loại rau có màu xanh đậm, các loại ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu Omega-3 … Song song đó, mẹ cũng cần phải uống nhiều nước, nhất là nước ấm để duy trì lượng nước cho cơ thể, hỗ trợ cho quá trình tạo sữa của cơ thể.
Chăm cho con bú ở cả hai bên
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, ngay sau khi sinh mẹ cần tích cực cho con bú để bé nhận được nguồn sữa non quý giá. Trong quá trình chờ sữa về, hãy thường xuyên cho bé bú mẹ, đừng quá khắt khe theo giờ giấc, cữ bú mà hãy lắng nghe nhu cầu của bé. Cách làm này sẽ giúp não bộ nhận được sự kích thích cần thiết để sản sinh ra các hóc môn điều chỉnh quá trình tiết sữa.
Việc tích cực cho con bú và bú đều cả hai bên sẽ nhanh chóng giúp mẹ ổn định nguồn sữa và kích thích lượng sữa được tiết ra, ngăn ngừa nguy cơ mất sữa một bên. Chúc mẹ nhiều sức khỏe và bé yêu hay ăn chóng lớn!