Mẹ Và Con - Tại sao những dụng ý tốt của bạn thực ra cuối cùng lại gây hại cho trẻ. Có nên dạy con bằng đòn roi? Mâu thuẫn cách nuôi dạy con: làm sao giải quyết?

Hầu hết chúng ta đều rất mực yêu thương con mình. Chúng ta có thể làm mọi thứ để được nhìn thấy trẻ hạnh phúc và thành công. Khổ nỗi chúng ta lại thường tạo ra những tình cảnh hoàn toàn trái với ý muốn ban đầu, trong khi nhiệm vụ của chúng ta là đem đến cho trẻ những gì tốt đẹp nhất.

Đây là một trong số những điều mỉa mai nhất của việc làm cha mẹ: các quyết định phát sinh từ những dụng ý tốt – các quyết định mà bề ngoài hoàn toàn có lí, rất giá trị như các nhà tâm lí học thường nói, và thực sự đã được công nhận sâu rộng về mặt văn hoá – thực ra cuối cùng lại có thể gây hại cho trẻ.

Tôi phát hiện thấy đa số các bậc phụ huynh rất tin tưởng vào “những huyền thoại” khi dạy con. Song, nếu bạn xem xét những chứng cứ khoa học về những điều ẩn sau các quyết định trong việc dạy dỗ con cái, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều bằng chứng chỉ ra điều ngược lại. Sau đây là một số thí dụ có thể giúp bạn nhận ra.

dạy con

(Ảnh minh họa)

Học hành nghiêm chỉnh từ bé sẽ giúp trẻ có khởi đầu thuận lợi?

Bạn nghĩ rằng: “Gửi trẻ vào một trường mẫu giáo qui củ sẽ tạo cho chúng một khởi đầu thuận lợi về mặt giáo dục.”

Thực ra: Bạn đang ép trẻ tiếp thu kiến thức trước khi chúng được phát triển đầy đủ để sẵn sàng nắm bắt. Điều này sẽ gây hại cho trẻ về lâu dài.

Các nghiên cứu cho thấy những trẻ được gửi vào các trường mẫu giáo qui củ thường học hành thua kém những trẻ cùng lứa được học tại các trường mẫu giáo đặt nền tảng ở chuyện chơi đùa của trẻ. Những đứa trẻ từ 2 đến 4 tuổi có thiên hướng học hỏi qua việc chơi đùa. Những gì người lớn chúng ta coi là ‘trò chơi’ thực sự giúp trẻ phát triển những kĩ năng xã hội cơ bản, giúp chúng giải quyết vấn đề, hình thành khả năng cộng tác với người khác, và khả năng kết nối trong cuộc sống. Khi gò ép trẻ ở độ tuổi mẫu giáo phải thuộc những con số, màu sắc, hình dạng, và mẫu tự, chúng ta đang gây tổn hại cho trẻ vì lúc ấy trẻ không tập trung được cho chuyện học hỏi những kĩ năng xã hội và những kĩ năng về cảm xúc vốn là nền tảng cho sự phát triển hài hoà sau này.

3 sai lầm trong việc dạy con

(Ảnh minh hoạ)

Nên cho trẻ theo đuổi một niềm đam mê nhất định?

Bạn nghĩ rằng: Khuyến khích trẻ theo đuổi một niềm đam mê nào đó – như chơi một môn thể thao hoặc một loại nhạc cụ – chính là đang củng cố lòng yêu thích học hỏi ở trẻ và giúp chúng nổi bật trước số đông.

Thực ra: Bạn đang tước mất cơ hội khám phá những điều thú vị khác có thể đem lại nhiều thành quả hơn cho trẻ. Hơn nữa, bạn đã ngốn hết thời gian rảnh của chúng.

Nên để trẻ tìm hiểu nhiều điều thú vị thay vì cố định chúng vào một hoạt động đơn lẻ. Một đứa trẻ lên 8 chỉ chơi đá bóng và tham gia những giải bóng đá sẽ không bao giờ nhận thấy bóng rổ hay cầu lông mới thực sự là đam mê của chúng.

Tôi không rõ từ bao giờ mà điều này đã trở thành một quan niệm được chấp nhận rộng rãi. Đam mê cũng cần thời gian và sức lực để phát triển, không phải sao? Những bà mẹ của mấy đứa trẻ lên bảy đến gặp tôi bày tỏ lo lắng rằng con họ chưa có bất kì một ‘đam mê’ nào hết. Với những trẻ ở độ tuổi này, cuộc sống chính là đam mê của chúng!

Đây lại là một vấn đề khác: những trẻ theo đuổi “đam mê” thường có lịch sinh hoạt nặng nề. Nếu con bạn không có nhiều thời gian cho những trò vui đùa tự do, như trèo cây, chạy xe đạp với tụi nhỏ trong xóm hoặc đơn giản chỉ ngồi mơ mộng trong phòng – thì chúng sẽ đánh mất những “hoạt động” đích thực của tuổi thơ. Chơi đùa là cách trẻ học hỏi về thế giới xung quanh, về những mối quan hệ và về chính bản thân mình. Đó là phương tiện giúp trẻ phát triển tính sáng tạo và khả năng đưa ra sáng kiến, vốn là những điều cần thiết giúp chúng thành đạt trong cuộc sống sau này.

3 sai lầm trong việc dạy con 1

(Ảnh minh họa)

Lúc nào cũng ở bên cạnh để giúp đỡ con?

Bạn nghĩ rằng: Luôn bên cạnh con – giúp đỡ, bảo vệ, cổ vũ con –  là cách để nâng cao lòng tự tôn ở trẻ và tạo điều kiện thuận lợi giúp trẻ thành đạt trong tương lai.

Thực ra: Bạn đang tạo ra quá nhiều sự phụ thuộc. Bạn đang bóp nghẹt mọi động lực của trẻ. Bạn đang phát huy những mặt tiêu cực của quyền làm cha mẹ. Như vậy nghĩa là bạn đang nhầm lẫn giữa những gì mình cần và những gì trẻ cần.

Hãy dừng lại chuyện này đi. Tuy nghe có vẻ gay gắt, nhưng đó cũng vì con bạn và vì chính bản thân bạn mà thôi. Việc chăm con quá mức dù xuất phát từ tình yêu thương và với dụng ý tốt, nhưng điều đó chẳng những không giúp trẻ được gì mà còn có thể gây hại cho chúng nữa. Trẻ trưởng thành khi đương đầu với những thách thức, chứ không phải từ những chỉ dẫn từng li từng tí. Chúng ta không thể trao cho trẻ lòng tự tôn bằng cách nói rằng chúng thật tuyệt. Trẻ có được lòng tự tôn nếu chúng có thể tự mình thực hiện được chuyện gì đó, để rồi dần dần trẻ sẽ khá hơn và tự tin hơn.

Hãy nhớ rằng với tư cách là cha mẹ, kì cùng thì mục tiêu của bạn không phải là chuyện đảm bảo tương lai thành công cho trẻ, hoặc chuyện thúc đẩy chúng nổi trội trong mọi lĩnh vực cao quí của xã hội, cũng không phải chuyện bạn phải bảo bọc chúng tránh khỏi những thất bại. Điều nên làm là hãy sửa soạn cho trẻ sống một cuộc đời ý nghĩa như một người tự tin, hoà nhập, kiên cường và luôn có động lực vươn lên.

> 5 mẹo nuôi dạy con đã lỗi thời

Tags:

Bài viết liên quan