Cùng Tạp chí Mẹ và Con lưu ngay danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng này để bổ sung cho cả nhà hàng ngày trong mùa dịch này, mẹ nhé!
Dấu hiệu suy giảm sức đề kháng
Trước khi đến với danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng, mời các bạn cùng tìm hiểu những dấu hiệu suy giảm sức đề kháng sau đây nhé!
Suy nhược tinh thần
Đây được xem là một trong những dấu hiệu rõ nhất của những người đang suy giảm sức đề kháng. Nếu bạn luôn có cảm giác khó chịu, thiếu sức sống, dễ mệt mỏi thì hãy nghĩ ngay đến khả năng là mình đang bị giảm hệ miễn dịch nhé!
Dễ cảm lạnh
Một trong những nguyên nhân chính gây ra các dấu hiệu cảm lạnh là do sự xâm nhập của virus. Chính vì vậy, một trong những triệu chứng rõ nhất khi bị suy giảm sức đề kháng chính là rất dễ bị cảm lạnh.
Dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, vết thương chậm lành
Nếu vô tình bị thương, đứt tay và chảy máu những người có sức đề kháng yếu không những cầm máu chậm hơn mà còn rất dễ bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, người sức đề kháng yếu cũng rất dễ mắc viêm phổi, viêm xoang… và bệnh thường xuyên tái phát.
Tiêu hóa kém
Những người có sức đề kháng tốt thường thì chức năng tiêu hóa sẽ rất ổn định, ít gặp các vấn đề liên quan đến đường ruột. Ngược lại, với những người có hệ miễn dịch kém, hệ tiêu hóa thường sẽ có khả năng hấp thu kém hơn người bình thường, khi ăn các thực phẩm lạ sẽ rất dễ nôn ói hay tiêu chảy.
Dễ mệt mỏi
Người có sức đề kháng yếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ngay cả sau một giấc ngủ đủ vẫn cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, người không có sức lực…
Nếu bạn gặp một trong những dấu hiệu trên đây rất có thể hệ miễn dịch bạn đang gặp chút “trục trặc”. Bạn nên xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn để cải thiện sức đề kháng, đặc biệt là trong thời kì dịch bệnh đang diễn biến phúc tạp như hiện nay.
Thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể
Thực hiện nguyên tắc dinh dưỡng 4-5-1
Trước khi tìm hiểu danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, các bạn nên thực hiện quy tắc dinh dưỡng 4-5-1 của Bộ Y tế vào bữa ăn hàng ngày. Cụ thể, trong công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Số 4: Chính là xây dựng chế độ ăn cân đối 4 dưỡng chất sinh năng lượng là Carbohydrate; protein (từ động vật và thực vật); lipid (động vật và thực vật); vitamin và khoáng chất.
Số 5: Có nghĩa là bữa ăn cần đảm bảo đa dạng thực phẩm ít nhất là 5/8 nhóm thực phẩm sau đây:
- Nhóm lương thực (gạo, mì): Đây là nguồn thực phẩm cơ bản, cung cấp năng lượng cho cơ thể
- Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…): Chứa chất đạm cho cơ thể
- Nhóm thịt các loại, cá, hải sản: Cung cấp chất đạm từ động vật cùng các axit amin cần thiết cho cơ thể (không tự tổng hợp được).
- Trứng: Nguồn cung cấp chất đạm dồi dào
- Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua)
- Rau tươi có màu xanh thẫm chứa nhiều khoáng chất cho cơ thể
- Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải…) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ
- Nhóm dầu ăn, mỡ: Đây là nguồn cung cấp năng lượng cùng các axit béo cần thiết cho cơ thể
Số 1: Mang ý nghĩa mỗi bữa ăn trong một ngày cần kết hợp giữa các nhóm chất và thực phẩm. Với công thức này các bạn nên đảm bảo sự đa dạng, cân đối chất dinh dưỡng không kiêng khem hay lạm dụng bất kỳ nhóm thực phẩm nào.
“Điểm danh” danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng
Nhóm trái cây họ cam quýt
Vitamin C được xem là “chìa khóa” giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Vitamin C giúp cơ thể tăng cường interferon – đây là một loại protein do tế bào trong cơ thể tái tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh và thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Hầu như trong các loại trái cây thuộc nhóm có múi đều có rất nhiều vitamin C.
Ớt chuông đỏ
Ớt chuông màu đỏ là thực phẩm tăng sức đề kháng giúp chống lại Covid-19 hiệu quả bởi trong loại quả này chứa rất nhiều vitamin C (cao hơn gấp 3 lần vitamin C trong các loại trái cây họ cam quýt). Bên cạnh đó, ớt chuông đỏ còn cung cấp một lượng vitamin dồi dào như: A, B, E6, phytochemical và carotenoid, nhất là beta carotene (tiền chất của vitamin A). Không chỉ tăng sức đề kháng mà chúng còn hỗ trợ sáng mắt, có lợi cho da… và chống oxy hóa, kháng viêm hiệu quả.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là một trong những loại rau lành mạnh và dễ dùng. Trong bông cải xanh chứa rất nhiều hàm lượng vitamin đặc biệt là vitamin C, vitamin A, vitamin E có lợi cho sức khỏe đặc biệt là hệ miễn dịch. Đặc biệt chất sulforaphane có trong bông cải xanh chống oxy hóa, làm giảm căng thẳng, làm chậm sự suy giảm của hệ thống miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp…
Theo nhiều nghiên cứu, bông cải xanh giữ được trọn vẹn dưỡng chất nhất là khi không chế biến quá lâu (tức là nấu càng ít, bông cải xanh sẽ càng giữ được nhiều dưỡng chất hơn).
Thực phẩm tăng sức đề kháng: Tỏi
Tỏi không chỉ đơn thuần là một gia vị làm dậy mùi thơm của món ăn, mà đây còn là thần dược nằm trong danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng. Đặc biệt tỏi chứa nhiều dưỡng chất như: iod, glucogen và allicin, fitonxit… nên có thể hỗ trợ cơ thể chống lại các bệnh như liên quan đến đường hô hấp, mỡ máu, tăng huyết áp…
Gừng
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao khi bị cảm người ta thường nghĩ đến các món ăn và thêm gừng vào không? Vì gừng mang đến công dụng giảm viêm, giảm đau họng và ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm khác. Hơn nữa, gừng có tác dụng giảm buồn nôn cực kỳ hiệu quả và là “liều thuốc” bồi bổ cho hệ miễn dịch.
Theo nghiên cứu mới đây, gừng giúp làm giảm các triệu chứng đau và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Chế biến gừng vô cùng đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc dùng nấu chín, món tráng miệng, hoặc pha trà gừng để uống.
Cải bó xôi
Cải bó xôi (hay còn có tên gọi là rau bina, rau chân vịt) chứa rất nhiều vitamin C và chất chất chống oxy hóa, đi cùng với beta carotene giúp nâng cao hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng trong cơ thể. Tương tự như bông cải xanh, để giữ được dưỡng chất của cải bó xôi bạn nên nấu trong khoảng thời gian càng ngắn càng tốt.
Sữa chua nguyên chất
Sữa chua là một trong những thực phẩm chứa hàm lượng lợi khuẩn rất nhiều. Bên cạnh đó, sữa chua còn là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều vitamin D. Không chỉ tăng khả năng chống lại virus, đồng thời còn hỗ trợ quá trình giảm cân và giúp da mịn màng hơn. Điều cần lưu ý nên hạn chế sử dụng các loại sữa chua nhiều đường. Thay vào đó, bạn có thể tự làm sữa chua tại nhà rồi dừng kèm với các loại trái cây hay ngũ cốc tự nhiên.
Hạnh nhân là một thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể
Vitamin E đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống cảm lạnh, đặc biệt là người cao tuổi. Nhưng để hấp thụ được vitamin này cần một lượng chất béo nhất định. Chính vì vậy, các loạt hạt trở thành nguồn thực phẩm “vàng” bổ sung vitamin E cho cơ thể. Đặc biệt là hạnh nhân – một trong những loại hạt giàu chất béo và hàm lượng vitamin tốt cho cơ thể. Một khẩu phần ăn cho người lớn bao gồm nửa cốc chứa khoảng 46 hạt hạnh nhân nguyên vỏ sẽ cung cấp gần như 100% lượng vitamin E cho cơ thể.
Hạt hướng dương
Bên cạnh hạt hạnh nhân thì hạt hướng dương cũng nằm trong danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt hạt hướng dương chứa nhiều khoáng chất như: phốt pho, magie, selen… và vitamin E, B6. Những khoáng chất này giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, hỗ trợ giảm căng thẳng và ngừa trầm cảm hiệu quả.
Thực phẩm tăng sức đề kháng: Nghệ
Nghệ là loại thực phẩm được ông cha ta sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền nhiều đời qua. Chứa hàm lượng “hợp chất quý” curcumin, nghệ được biết rộng rãi nhờ công dụng hỗ trợ trong việc làm đẹp da, bảo vệ gan, dạ dày và được đánh giá rất có tiềm năng trong hỗ trợ đẩy lùi các bệnh về tim mạch, ung thư… Khi chế biến thức ăn, các bạn có thể cho thêm nghệ vào để tăng màu sắc cũng như bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Trên đây là danh sách thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Để hoàn thiện hệ miễn dịch các bạn cần duy trì những thói quen tốt cho cơ thể như: tập thể dục điều độ, ngủ sớm… cùng với đó là sự kết hợp với thực đơn lành mạnh. Trên hết, các bạn cần khai báo y tế và tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế nhé!