“Da tiếp da” với ngay sau sinh
Sau khi vượt cạn vài giờ đầu tiên, mẹ không nên để tình trạng “mẹ con xa cách” diễn ra. Mẹ nên nói chuyện trước với bác sĩ hoặc các y tá về vấn đề này trước khi sinh. Sự tiếp xúc trực tiếp qua da hay ánh mắt chính là cơ hội để bé cảm nhận tình cảm ruột thịt giữa mẹ và con. Tuy nhiên, nếu chuyện tách mẹ và con là điều cần thiết thì bạn hãy chờ khi cho con bú lần đầu tiên, mẹ và bé sẽ cảm nhận được tình cảm gắn kết này.
Hát ru
Các chuyên gia cho biết trẻ nhỏ rất thích nghe tiếng hát thay vì chỉ nói chuyện bình thường. Khi cho bé ngủ mẹ hãy hát ru bằng những bài hát ru có giai điệu nhẹ nhàng, du dương kết hợp với cử chỉ nhỏ như vuốt ve sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, bạn hãy thử kết hợp giai điệu vào các câu nói với trẻ sẽ khiến bé cảm thấy thích thú và yêu bạn hơn.
Đọc sách cho con nghe
Có những ngày mẹ và con không biết làm gì thì mẹ hãy mua những cuốn sách cổ tích đọc cho bé nghe. Tuy bé chưa biết đọc nhưng những hình ảnh màu sắc ngộ nghĩnh trong câu chuyện đó sẽ khiến bé tò mò và muốn ngồi hoặc nằm trong lòng của mẹ. Bé sẽ quen và thích được nghe âm thanh, nhịp điệu giọng nói của mẹ khi bạn ở bên cạnh.
Đọc sách giúp bé sẽ quen và thích được nhịp điệu giọng nói của mẹ khi ở bên cạnh. (Ảnh minh họa)
Chơi trò chơi cùng bé
Ngay từ nhỏ bé sẽ làm quen với trò chơi ú òa, ngoài việc bé cảm thấy vui và thích thú, trò này giúp bé nhận thức một điều mới. Mẹ có thể chơi cùng bé bằng những món đồ đơn giản như chong chóng giấy với nhiều màu sắc, hay trống lục lạc, vỗ tay… sẽ khiến bé cảm thấy vui vẻ và hào hứng.
Ôm ấp và gần gũi với trẻ
Bạn hãy thử ôm ấp bé phía bên ngực trái của bạn, bé sẽ được nghe tiếng tim của bạn đang đập. Bé sẽ cảm thấy yên tâm và gần gũi với bạn hơn.
Bạn hãy thử nhìn vào đôi mắt của bé và sử dụng những biểu cảm nét mặt, hành động tay chân khi trò chuyện với bé, điều này sẽ giúp bé gắn kết với mẹ qua lời nói và cảm xúc.
Mát xa cho bé
Mát xa cũng là một cách mà mẹ có thể kết nối tình cảm của con một cách dễ dàng. Mỗi ngày bạn dành một ít thời giam để mát xa chân, tay, bụng và cổ cho bé sẽ khiến bé thích thú và gắn bó với bạn hơn rất nhiều. Mát xa nhẹ nhàng sẽ tạo cảm giác an toàn cho bé và khiến bé cảm thấy dễ chịu.
Mát xa sẽ tạo cho bé cảm giác thích thú và dễ chịu. (Ảnh minh họa)
Cho bé bú
Cho bé bú sữa mẹ là sợi dây hoàn hảo để gắn kết tình cảm mẹ con. Khi bé bú, trọn tầm mắt sẽ hướng về khuôn mặt và bầu ngực của mẹ, hơn nữa việc cho con bú làm cơ thể mẹ sản sinh ra hormone oxytocin, loại hormone tình yêu thúc đẩy cảm giác hạnh phúc cho mẹ lẫn con.
Nhảy múa theo nhạc
Bật một bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình để bé không giật mình hay hoảng sợ. Bạn bế hoặc ôm bé rồi chậm rãi nhảy theo điệu nhạc, vừa nhảy vừa cười với bé, chắc chắn bé sẽ rất thích đấy.
Nói chuyện với bé mỗi ngày
Việc nói chuyện với bé mỗi ngày sẽ làm tăng tình cảm của con lên một bậc cao hơn, khi mẹ chỉ các món đồ vật hay cái gì đó xung quanh và nói cho bé nghe, bé sẽ “ê a” theo mẹ vì tò mò với những đồ vật đó.
Nói chuyện với bé mỗi ngày sẽ làm tăng tình cảm gắn kết mẹ con. (Ảnh minh họa)
Soi gương
Trẻ nhỏ thường rất thích soi gương, điều này lên quan đến việc bé rất thích nhìn những khuôn mặt hay đồ vật phản chiếu trong gương. Bé có thể nhìn thấy khuôn mặt của mình và thích nhìn vào nó. Lúc đầu, bé sẽ không biết mình chính là em bé được mẹ bế trong gương, nó giống như trẻ đang nhìn thấy một bé khác trong gương, cười với mình và sau đó bé sẽ đáp lại bằng nụ cười của chính mình. Đến khi 18 tháng tuổi, bé mới hiểu được rằng đứa bé cười trong gương kia chính là mình.