Để xây dựng được thói quen tốt cần rất nhiều thời gian và điều này không hề đơn giản, nhưng nếu bạn đang tìm cách để nhanh chóng lấy lại những thói quen đã mất vì dịch Covid-19 thì hãy tham khảo ngay những bí quyết sau đây nhé!
Bắt đầu với thay đổi nhỏ nhất
Hầu hết mọi người khi đặt ra một mục tiêu là xây dựng thói quen nào đó thường đi kèm với mong muốn là phải hình thành được thói quen này trong 1 ngày. Tuy nhiên điều này là bất khả thi khi mà việc xây dựng một thói quen cần có rất nhiều thói quen. Chính vì vậy, các bạn đừng nên quá kỳ vọng vào những ngày đầu nhé.
Ví dụ các bạn muốn hình thành lại thói quen tốt là dậy sớm thì đừng ngay lập tức cài báo thức đúng giờ bạn mong muốn. Thay vào đó các bạn nên chia thành từng lộ trình khác nhau, và thời gian sẽ từ trễ sang sớm hơn và dần sẽ đến mục tiêu bạn mong muốn. Nếu như bạn đang muốn dậy vào 6h30, vào ngày đầu tiên các bạn có thể cài báo thức là 7h30, sang ngày thứ hai là 7h15, ngày thứ ba là 7h, đến ngày tư sẽ là 6h45. Bạn có thể duy trì khung giờ 6h45 này khoảng 2 – 3 ngày rồi mới cài đúng 6h30 như mình mong muốn.
Lý do giải thích cho việc cần chia nhỏ mục tiêu này là chúng ta cần sự quyết tâm, hứng thú để hình thành một thói quen mới. Nếu bạn chỉ dồn hết sức lực vào một ngày thì rất có thể bạn sẽ kiệt sức và mệt mỏi với điều đó.
Giữ tinh thần lạc quan
Bất kỳ một thói quen tốt nào được hình thành cũng cần yếu tố tinh thần rất lớn, và tất nhiên tinh thần phải thật lạc quan thì mới có thể xây dựng tốt. Việc suy nghĩ tích cực không chỉ giúp mọi người vượt qua cảm giác tiêu cực mà còn cho phép các bạn giải quyết vấn đề liên quan suy nghĩ tiêu cực khi xây dựng thói quen. Bạn hãy tự cổ vũ bản thân bằng những câu nói như: “rồi mình sẽ làm được mà”, thói quen này mình cũng đã từng có mà”…
Nếu bạn cứ mãi suy nghĩ tiêu cực thì bạn rất khó để bản thân chấp nhận rằng “mình cần phải thay đổi” từ đó các bạn sẽ khó đổi mới trong cuộc sống và quen với cuộc sống hiện tại. Ngược lại, việc nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn dễ chấp nhận thay đổi hơn.
Cam kết với bản thân
Cam kết bản thân là một việc làm vô cùng với khó, vì trên thực tế chúng ta sẽ chẳng có ràng buộc nào cho các cam kết đó. Nếu như các bạn nhận lương từ công ty thì cam kết chính là hoàn thành công việc, đạt điểm cao thì cam kết chính là sự cố gắng. Chính vì vậy khi không có ràng buộc bạn hãy thay bằng phần thưởng cho bản thân. Các bạn có thể cam kết với bản thân rằng “nếu mình hình thành được thói quen tốt là chạy bộ mỗi sáng mình sẽ mua ngay chiếc váy yêu thích”, “nếu mình lấy lại được thói quen dậy sớm mình sẽ tự thưởng bản thân bằng một bữa buffet”… việc có mục tiêu cũng như phần thưởng rõ ràng sẽ giúp bạn phấn đấu hiệu quả hơn.
Xác định trở ngại khi xây dựng thói quen tốt
Chắc hẳn việc hình thành một thói quen nào đó sẽ đi kèm rất nhiều trở ngại. Đặc biệt là các là những tác nhân khách quan sẽ khiến các bạn khó hình thành được thói quen tốt. Chính vì vậy, một trong những bước đầu tiên khi muốn xây dựng được một thói quen mới là hãy liệt kê hết những trở ngại có thể ảnh hưởng đến việc này.
Ví dụ nếu bạn đang cố gắng ngủ thật sớm để làn da đẹp hơn và bạn đã sẵn sàng chìm giấc ngủ nhưng chính tiếng động của nhà hàng xóm lại đánh thức bạn. Việc này cứ lặp lại sẽ ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thói quen ngủ sớm của bạn. Chính vì vậy, các bạn hãy liệt kê ngay vào danh sách và giải quyết bằng cách khiếu nại với ban quản lý chung cư hay có thể góp ý trực tiếp. Bên cạnh đó sẽ có những yếu tố chủ quan và bạn cần nghiêm túc giải quyết như: cày phim đêm khuya, uống cà phê trà trước khi đi ngủ…
Thử thay đổi môi trường sống
Nếu như đối với trẻ em môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách thì môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành thói quen của người lớn. Ví dụ như các bạn đang cố gắng xây dựng thói quen ngủ sớm nhưng nơi bạn ở lại gần các quán bar, club, karaoke… luôn đông người qua lại thì rất khó để bạn hình thành thói quen tốt này. Việc bạn cần làm là hãy tìm một nơi ở yên tĩnh hơn.
Việc bạn cố xây dựng thói quen tốt trong môi trường không đảm bảo chỉ làm bạn trở nên căng thẳng hơn và có thể gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Ví dụ bạn sẽ gặp rối loạn giấc ngủ nếu cố gắng ngủ trong môi trường đầy âm thanh.
Nhờ sự hỗ trợ từ người xung quanh
Các bạn biết không gia đình hay bạn bè luôn tác động ít nhiều đến thói quen của bạn, nếu các bạn không thể xây dựng được thói quen trong thời gian dài bạn hãy chia sẻ với bạn bè. Việc chia sẻ có thể giúp bạn nhận thêm các lời khuyên hữu ích từ họ, bên cạnh đó mọi người cũng hiểu bạn hơn và sẽ tránh ảnh hưởng đến thói quen của bạn.
Ví dụ bạn chia sẻ với người thân là bạn đang xây dựng thói quen tập trung mỗi khi làm việc, thì có thể mọi người sẽ chia sẻ về những kinh nghiệm giúp tập trung. Hơn hết là họ sẽ biết đâu là khoảng thời gian không nên làm phiền bạn. Hay bạn bè của bạn sẽ hạn chế mời bạn vào các buổi tiệc bánh ngọt nếu họ biết rằng bạn đang muốn giảm cân.
Việc chia sẻ với bạn bè người thân về kế hoạch xây dựng thói quen của bạn không những giúp bạn tự tin hơn mà còn giúp mọi người đánh giá cao về sự quyết tâm của bạn.
Thêm thói quen vào thời gian biểu
Hãy nhớ rằng, nếu không tiếp xúc với một cái gì thường xuyên, bạn sẽ khó có cảm giác thân thuộc với nó. Hãy ghi nhớ để không quên đi hành động, liên tục nhắc lại và thực hiện thói quen tốt của mình như việc uống nước hằng ngày trở thành một hành động hiển nhiên và vô thức, không thể bỏ đi trong cuộc sống. Tất nhiên các bạn phải tuân thủ quy tắc là không được hành động sai những gì ghi vào thời gian biểu. Ví dụ như 22h là đến giờ bạn phải tắt hết thiết bị điện để bắt đầu vệ sinh răng miệng thì bạn không được “trả giá” rằng 20 phút sau mình sẽ thực hiện. Vì lâu dần việc này sẽ khiến bạn hình thành các thói quen xấu.
Việc hình thành thói quen tốt là điều không hề dễ dàng, cần nhiều thời gian sự nỗ lực cũng như các yếu tố khách quan khác. Mẹ và Con hy vọng rằng qua bài viết trên đây các bạn sẽ có được những bí quyết để xây dựng thói quen tốt thành công nhé!