Mẹ và Con - Hiện nay cả nước đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin nhằm hạn chế các ca mắc COVID-19. Trong số đó có nhiều người đang chuẩn bị tiêm mũi 2, nếu bạn đang thuộc diện chuẩn bị tiêm mũi 2 hay đã có lịch tiêm hãy tham khảo ngay những lưu ý khi tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 nhé!

Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 có giống như mũi 1? Những điều cần quan tâm để có thể tiêm chủng an toàn là gì? Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, cùng tìm hiểu với Mẹ và Con nhé! 

Loại vắc xin tiêm mũi 2 là gì?

Hiện nay, có 6 loại vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Vì vậy, các loại vắc xin được tiêm tại mỗi địa phương và cho mỗi người theo từng đợt cung ứng có thể khác nhau. Nhiều người thắc mắc nếu mũi 1 và mũi 2 tiêm 2 loại vắc xin khác nhau có được không?

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và của Bộ Y tế tại Công văn số 6030/BYT-D 2021 hướng dẫn tiêm 02 liều vắc xin phòng COVID-19 được ban hành ngày 27/7/2021, tốt nhất nên tiêm 2 liều cùng 1 loại vắc xin. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế thì có thể phối hợp hai loại vắc xin khác nhau trong 02 lần tiêm như sau:

  • Mũi 1 Astrazeneca + Mũi 2 Astrazeneca hoặc Pfizer (nếu người tiêm đồng ý)
  • Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm
  • Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer
  • Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna
  • Mũi 1 Astrazeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna

Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 1 và 2

Để tạo ra miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, vắc xin COVID-19 được tiêm 2 liều và duy trì khoảng cách giữa 2 lần tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 3588/QĐ-BYT. Tùy vào loại vắc xin được tiêm mà khoảng cách giữa các lần tiêm khác nhau, cụ thể:

  • Vắc xin COVID-19 vắc xin AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần
  • Vắc xin Gam-COVID-Vac (Tên gọi khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2 từ 3 tuần
  • Vắc xin Comirnaty: Mũi 1 cách mũi 2 từ 3 tuần
  • Vắc xin SARSCoV-2 vắc xin (Tên gọi khác là Vero Cell): Mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần
  • Vắc xin COVID-19 vắc xin Moderna: Mũi 1 cách mũi 2 từ 4 tuần

Do đó, những người đã tiêm mũi 1 cần lưu ý về khoảng cách với mũi tiêm thứ 2 để việc tiêm vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả tốt nhất.

COVID-19

Một số lưu ý để bảo đảm sức khỏe trước tiêm

Tương tự như tiêm mũi 1, người tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cần lưu ý một số khuyến cáo trước khi tiêm như sau:

  • Nếu có phản ứng dị ứng ngay lập tức hoặc nghiêm trọng sau tiêm mũi đầu tiên thì không nên tiêm liều thứ 2
  • Tránh dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc có thành phần steroid trước khi tiêm, vì các loại thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19.
  • Không uống rượu bia, dùng chất kích thích trước ngày tiêm chủng, nhằm đảm bảo hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, giúp tạo ra kháng thể chống lại virus…
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng, nước, điện giải, ăn các loại hoa quả, trái cây và rau xanh trước và sau tiêm giúp hạn chế, giảm nhẹ các phản ứng phụ không mong muốn

Lưu ý về thời gian theo dõi sức khỏe sau khi tiêm

Dù đã có kinh nghiệm ở lần tiêm thứ 1 nhưng người tiêm mũi thứ 2 vẫn phải cẩn thận và theo dõi sức khỏe để đảm bảo an toàn cho bản thân. Theo hướng dẫn tại Quyết định 3588/QĐ-BYT, cần lưu ý về thời gian theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng như sau:

  • Theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm
  • Tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

08 dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2  

Theo hướng dẫn tại Quyết định 3588/QĐ-BYT thì sau khi tiêm nếu có một trong các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu, cụ thể:

  • Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
  • Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
  • Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
  • Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
  • Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
  • Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
  • Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
  • Toàn thân:
    • Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
    • Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
    • Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

dịch COVID-19

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thì nên ăn gì

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, đặc biệt là khi có tình trạng sốt sau tiêm vắc xin COVID-19 nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Có thể lựa chọn các loại thực phẩm như:

  • Cá: Cá có đặc tính chống viêm và rất giàu chất béo omega-3 giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
  • Gà: Thịt gà là một nguồn thực phẩm giàu protein và có đặc tính chống viêm. Ngoài ra, thịt gà rất thích hợp cho những người bị đái tháo đường và tăng huyết áp. Có thể ăn 2-3 lần/tuần sau khi tiêm phòng.
  • Những thực phẩm như rau xanh, nghệ, tỏi, hành tây có nhiều dưỡng chất, đồng thời cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Nên ăn nhiều trái cây tươi hay uống nước trái cây giàu vitamin C, A (như cam, dâu, táo, chanh…). Có thể uống nước lá tía tô, ăn cháo với tía tô rất hiệu quả với phản ứng sốt sau tiêm vắc xin COVID-19.
  • Bổ sung thêm vi chất rất quan trọng đối với cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể. Những vi chất được xác định là thiết yếu trong quá trình phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch bao gồm vitamin C, vitamin D, A, E, B6, kẽm, selenium, sắt và chất đạm (gồm axit amin Glutamine). Nhóm này hoạt động như chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào khỏe mạnh và hỗ trợ việc phát triển cũng như các hoạt động của tế bào miễn dịch và sản sinh kháng thể. Thiếu một trong các chất dinh dưỡng này có thể thay đổi hệ miễn dịch

Lưu ý:

  • Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, không nên bỏ bữa, mà chuyển sang ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt băm, đậu xanh… hay thay thế bằng một ly sữa và chia nhỏ bữa ăn. Không vì bị sốt sau tiêm vắc xin COVID-19 mà chán ăn, bỏ ăn, cần cố gắng duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Sau tiêm vắc xin phòng COVID -19, cần duy trì giấc ngủ khoảng 7-8 giờ/đêm. Việc mất ngủ có thể kích thích stress, tiết các chất gây ức chế hệ miễn dịch như cortisol.
  • Bên cạnh đó, nên tập các bài tập thể dục nhẹ khoảng 30 phút/ngày giúp hỗ trợ tuần hoàn máu trong cơ thể giúp giảm các tác dụng phụ của vắc xin. Kiêng các hoạt động mạnh ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin.

Những lưu ý quan trọng khi tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 4

Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Chính vì vậy, các bạn nên tiêm vắc xin COVID-19 ngay khi có thể nhé. Việc tiêm vắc xin sớm sẽ giúp cơ thể chủ động hơn trong việc chống lại các biến thể mới của COVID-19. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe để vượt qua mùa dịch này nhé!

Tồng hợp từ Bộ Y tế

Bài viết liên quan