Theo các báo cáo của Viện Da liễu trung ương, tại Việt Nam có đến 20% số bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán viêm da dị ứng do cơ địa. Trong đó 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong 1 năm đầu đời, với 30% ghi nhận trong 5 năm và 10% cho các độ tuổi còn lại.
Vậy đâu là nguồn cơn của bệnh viêm da dị ứng và bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị viêm da dị ứng? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
1. Viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng là tình trạng viêm da mạn tính có nguyên nhân do tiếp xúc kéo dài hoặc tình trạng dị ứng. Tình trạng da tấy đỏ và ngứa ngáy này có thể bắt gặp ở người lớn lẫn trẻ sơ sinh, nhưng ở trẻ em thì bạn sẽ dễ thấy hơn. Phần nhiều vì làn da của các bé rất mỏng.
Những rối loạn đứng sau bệnh viêm da này đến từ hệ miễn dịch của cơ thể. Khi gặp phải một “kẻ lạ mặt”, sự đề phòng quá mức của hệ miễn dịch sẽ làm da của trẻ tấy viêm và ngứa. Phản ứng này có thể diễn ra ngắn hạn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính), khiến cho bệnh viêm da dị ứng trở thành nỗi phiền toái khó dứt bỏ.
2. Các thể viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng do cơ địa – Bệnh chàm thể tạng (Eczema)
Đây là loại chàm mà phần đông bố mẹ đều biết đến. Ở trẻ lớn, bạn có thể bắt gặp những mảng màu đỏ nổi lên trên mặt da của trẻ. Đặc biệt dễ nhận ra tại các vùng “nếp” hay vị trí thường xuyên co duỗi như khuỷu tay, sau đầu gối (khoeo chân), mặt trước cổ, gáy, nếp vú ở trẻ gái…
Với các bé dưới 2 tuổi, trẻ sẽ có một vị trí nổi chàm đặc biệt không lẫn vào đâu được, đó chính là ở đôi má phúng phính của con, hoặc mặt trước gối vì con trườn bò nhiều. Thể đặc biệt này được các chuyên gia gọi riêng với cái tên là chàm sữa hay lác sữa. Các bé bị chàm sữa rất dễ quấy khóc, nên bố mẹ cần phải học cách chăm trẻ bị viêm da cơ địa.
Viêm da dị ứng do cơ địa hay chàm da ở trẻ thường đi kèm với một số bệnh lý đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng ở trẻ mà bố mẹ cần lưu ý.
Viêm da dị ứng do tiếp xúc – Viêm da tiếp xúc
Viêm da dị ứng do tiếp xúc thường ở các vùng da dễ “chạm”. Sang thương thường là một vết hoặc mảng đỏ có hình thù của vật chạm lên da trẻ. Nếu sờ lên da, bạn sẽ thấy vết đỏ này nổi cao hơn mặt da và có ranh giới rõ.
Thể này thường là do một yếu tố kích ứng, chẳng hạn như xà bông không hợp, đồ chơi có vật liệu gây kích ứng,… Việc tiếp xúc thường xuyên với các chất liệu “không hợp” với da của trẻ gây ra các phản ứng dị ứng.
Ngoài biểu hiện sẩn mảng đỏ đặc trưng thì trẻ còn có thể có mụn nước, vết gãi, hoặc vết sừng hóa (nếu để lâu),…
Viêm da dị ứng gây tiết bã – Viêm da tiết bã
Bệnh này hiện lên da của trẻ là những mảng vảy cứng, những vết đỏ da, thường thấy ở ngực và lưng. Ngoài ra việc tiết nhiều bã ở da, nhất là da đầu sẽ khiến trẻ có nhiều gàu.
Tuy nhiên với bất kỳ thể bệnh viêm da nào ở trẻ em, nhất là các bé nhỏ tuổi, bố mẹ nên đưa con đến các chuyên gia. Việc chẩn đoán sớm giúp loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng mà có kèm theo biểu hiện trên da.
3. Các giai đoạn phát triển bệnh viêm da dị ứng do cơ địa
Biểu hiện của viêm da dị ứng do cơ địa hay chàm da cơ địa biểu hiện qua 3 giai đoạn, bác sĩ thường gọi là “tuổi” của sang thương chàm da.
Giai đoạn cấp
Khi này trẻ sẽ có những biểu hiện mảng đỏ da nhưng ranh giới không rõ, nhô cao hơn mặt da (gọi là sẩn). Thường sẽ có nhiều đám sẩn rải rác trên da, thường ở vùng nếp gấp. Ngoài ra trẻ sẽ có các biểu hiện khác như
- Mụn nước tiết dịch
- Da bị phù nề, chảy dịch, khi bể ra sẽ đóng mài
- Các vết xước do gãi
- Đôi khi có nhiễm trùng bội nhiễm tụ cầu vàng gây tiết vảy vàng và mụn mủ
- Không có vảy da
Giai đoạn bán cấp
Viêm da dị ứng bán cấp có thể nhẹ hơn, da không phù nề hay tiết dịch so với giai đoạn cấp mà lại khô và ngứa. Trẻ thường có biểu hiện đỏ da hơn mụn nước hay mụn mủ. Đồng thời mảng đỏ da trong thời kỳ này cũng khó nhận biết hơn.
Giai đoạn mạn tính
Sang thương có “độ tuổi” mạn tính là các loại thâm, ranh giới rõ, thường là do trẻ gãi nhiều. Các vết cào gãi nhiều làm cho biểu hiện viêm da chuyển sừng hóa (liken hóa). Các thương tổn này cũng nằm ở vị trí nếp gấp da như lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ ngón, quanh cổ, cẳng chân…
Tuy nhiên các giai đoạn này chỉ nói đến “tuổi” mà không phản ánh độ nặng. Cùng một giai đoạn sẽ có các mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau mà các chuyên gia sẽ tư vấn cụ thể hơn sau khi khám cho trẻ.
4. Nguyên nhân dẫn đến viêm da dị ứng là gì?
Phần lớn nguyên nhân bị chàm ở các trẻ nhỏ là do dị ứng nguyên. Cho đến nay, chưa có nguyên nhân cụ thể nào gây ra bệnh viêm da dị ứng. Tuy nhiên có một số yếu tố được xem là có thể gây ra tình trạng chàm da này, như:
- Loại xà bông không hợp, tiếp xúc chất tẩy rửa
- Độ ẩm da thấp
- Dị ứng theo mùa
- Thời tiết lạnh
- Nickel, thường thấy trong đồ nữ trang và phần khóa dây nịt
- Vật liệu da (đặc biệt là các loại hóa chất tạo da)
- Vật liệu cao su
5. Cách chăm sóc trẻ bị viêm da dị ứng
Cách chăm sóc
Có 2 yếu tố mà bác sĩ sẽ hướng đến đó là giảm ngứa và giảm viêm.
Với mục tiêu đầu tiên là chống ngứa, bạn có thể đắp một miếng gạc lạnh hoặc bôi lên lớp da khô một lớp kem làm ẩm, nhất trong mùa khô, mùa lạnh.
Để giảm viêm, trước tiên phải tìm ra chất “thủ phạm” gây kích ứng da của trẻ và thay thế các vật dụng quanh trẻ có chứa vật liệu đó. Việc loại bỏ dị ứng nguyên là yếu tố then chốt để điều trị bất kỳ bệnh dị ứng nào.
Sau khi đi khám và chẩn đoán ra bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại kem bôi chứa corticosteroid, một loại thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị viêm da dị ứng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc Corticosteroid dạng uống hoặc thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm.
Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?
Bạn sẽ cần lưu ý những biểu hiện sau đây để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế đúng lúc đấy:
- Các trẻ dưới 2 tuổi bị nổi ban đỏ
- Trẻ nổi mụn nước kèm theo ban đỏ da, gây ngứa nhiều khiến con mất ngủ
- Trẻ than phiền vùng da bị ban đỏ có biểu hiện đau
- Trẻ có rối loạn hô hấp như khò khè, thở nhanh mà có tiền sử nổi chàm
- Khi bạn thấy chỗ mụn nước có vệt đỏ, có mủ hoặc đóng mài vàng
6. Viêm da dị ứng do cơ địa có thể phòng ngừa?
Chàm là biểu hiện cơ địa, nhưng vẫn có thể hạn chế các biểu hiện viêm da dị ứng tái phát ở trẻ với những mẹo sau:
- Chăm sóc da, giữ làn da của con có một khô thoáng vừa đủ, không bị quá khô nhưng cũng không ẩm ướt
- Tạo một thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh căng thẳng, bởi vì thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe làn da
- Chọn loại quần áo có chất liệu mềm mịn, thông thoáng và thấm hút mồ hôi tốt
- Quần áo phải thoải mái không quá rộng hay quá chật sẽ gây ra tình trạng hầm bí, ẩm ướt
- Vệ sinh da bằng loại xà bông phù hợp với con, nếu các bé còn nhỏ, nên chọn loại xà bông dành riêng cho trẻ nhỏ. Các thành phần trong loại sữa tắm này sẽ phù hợp với loại da mềm mỏng cua con.
- Vệ sinh kỹ các vùng nếp gấp như kẽ ngón, khủy tay, khoeo chân, cổ và lau sạch miệng bé sau khi bú sữa sẽ giúp hạn chế tình trạng chàm diễn ra
- Tránh tiếp xúc với động vật hoặc đồ vật kém vệ sinh, chú ý các loại dễ chứa chất gây kích ứng mà ít được bố mẹ để ý như: thú nhồi bông, áo quần bằng len dạ, chổi bông, khăn quàng len…
- Tránh sử dụng và lạm dụng các loại thuốc bôi da nếu không thực sự cần thiết.
Chăm sóc một bé bị viêm da dị ứng sẽ không phải là một nỗi lo toan nếu như bố mẹ nắm chắc những chìa khóa quan trọng của bệnh lý này. Hi vọng với bài viết trên sẽ giúp phần nào giải đi lo lắng này của bạn.