Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn liên lụy đến những người xung quanh. Vì thế, nếu chồng nghiện thuốc lá thì hãy tìm cách để anh ấy không hút thuốc nữa bạn nhé!
Thuốc lá – sự hấp dẫn trong từng làn khói
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Bộ Y tế, tại nước ta có đến khoảng 15,3 triệu người hút thuốc lá và số người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động lên đến 33 triệu người.
Số người tử vong do khói thuốc lá cũng lên đến 40.000 người. Vậy vì sao nhiều người lại nghiện thuốc lá và thích hút thuốc đến thế?
Người hút thuốc lá trông rất “ngầu”
Rất nhiều trường hợp bắt đầu hút thuốc lá từ khi còn là thanh thiếu niên. Lúc này, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và những người xung quanh, cho rằng việc hút thuốc lá sẽ khiến bản thân trong phong cách hơn, hấp dẫn hơn và lôi cuốn hơn.
Sau một vài lần hút và thu được sự chú ý của những người xung quanh thì chúng ta lại càng cố gắng hút thuốc lá nhiều hơn và dần bị nghiện bởi chất nicotine có trong thuốc lá.
Là một cách để giải tỏa áp lực
Nhiều người cho biết, khi căng thẳng, họ thường hút thuốc lá. Hít một hơi thuốc thật sâu rồi thở ra, đắm mình trong từng làn khói là cách họ tự chìm trong thế giới riêng của mình. Điều này đặc biệt hiệu quả với cánh đàn ông vì tâm lý đàn ông cho rằng, việc khóc sẽ khiến người khác chê cười nhưng khi hút thuốc lá thì thuốc lá cho phép mình được “yếu đuối” mà không sợ ai ý kiến, dò xét.
Hút thuốc lá để… thăng tiến
Với những người mới vào công ty hoặc đang cần làm quen với đối tác nam, mời nhau một điếu thuốc được xem như một cách làm quen phổ biến. Những ngành nghề đặc thù phải giao tiếp nhiều như sale, kinh doanh, nghiệm thu công trình,… thì việc mời thuốc nhau trở nên thường xuyên hơn và khiến nhiều người bắt đầu nghiện thuốc lá.
Vì sao việc cai nghiện thuốc lá thật sự khó khăn?
Nếu muốn hỗ trợ chồng cai thuốc lá, trước tiên cần xác định lý do tại sao việc cai nghiện thuốc lá lại khó khăn đến vậy. Có thể nói, nghiện thuốc lá là một dạng nghiện cả về thể chất lẫn tâm lý. Chất nicotine trong thuốc lá sẽ giải phóng dopamine mang đến cho bạn cảm giác kích thích, luôn trong trạng thái hưng phấn vui vẻ. Với người đang gặp áp lực, hút thuốc lá giúp bạn giải toả căng thẳng và cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi hút nhiều thuốc, chất nicotine sẽ bắt đầu khiến bạn nghiện thuốc lá và phụ thuộc vào thuốc. Như vậy, khi bạn quyết tâm cai thuốc lá và dừng hút, cơ thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu, gặp những phản ứng như bồn chồn không yên, người nôn nao, tâm trạng bực bội,…
Các triệu chứng thường gặp khi bắt đầu cai nghiện thuốc lá bao gồm:
- Chóng mặt (có thể kéo dài một hoặc 2 ngày sau khi bỏ thuốc)
- Trầm cảm
- Cảm giác thất vọng, thiếu kiên nhẫn và tức giận
- Lo lắng
- Cáu gắt
- Khó ngủ, bao gồm khó ngủ và ngủ không sâu giấc, có những giấc mơ xấu hoặc thậm chí là ác mộng
- Khó tập trung
- Bồn chồn hoặc buồn chán
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Chán ăn hoặc thèm ăn vô độ
- Tăng cân
- Nhịp tim chậm hơn
- Táo bón và đầy hơi
- Ho, khô miệng, đau họng và chảy nước mũi
- Tức ngực
Hơn nữa, với những người xem thuốc lá như một cách giải tỏa tinh thần, nếu không tìm được một cách thư giãn, giải stress khác thì sẽ thật khó để có thể dừng hút thuốc. Và nếu xung quanh bạn có nhiều người nghiện thuốc lá hoặc bạn phải thường xuyên tiếp xúc với người nghiện thuốc lá, việc cai thuốc sẽ trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Chồng nghiện thuốc lá, bài toán đau đầu của những nàng vợ
Không phải ai cũng thoải mái với việc người xung quanh mình hút thuốc, đặc biệt là người đầu ấp tay gối với mình. Vậy trong trường hợp chồng nghiện thuốc lá thì chị em cần làm gì?
Nói với anh ấy về tác hại của việc hút thuốc lá
Không phải ai cũng ý thức được việc nghiện thuốc lá nguy hiểm ra sao. Hoặc đôi khi, người hút thuốc lá chỉ nghĩ những tác hại đối với bản thân mình mà quên mất, khói thuốc lá có thể lan xa và ảnh hưởng đến cả những người xung quanh, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ.
Nếu chồng nghiện thuốc lá, bạn có thể tâm sự với anh ấy hoặc tế nhị gửi cho anh ấy những đoạn video, bài viết về tác hại của thuốc lá với bản thân người hút và những người xung quanh. Hãy dùng tuyệt chiêu “mưa dầm thấm đất”, thường xuyên chia sẻ một cách nhẹ nhàng, không càm ràm hay cằn nhằn với anh ấy.
Đồng hành cùng chồng
Việc cai nghiện thuốc lá không phải là chuyện ngày 1 ngày 2 và dĩ nhiên, đây là một việc chẳng hề dễ dàng. Do đó, bạn không nên để chồng vượt qua thử thách này một mình mà hãy đồng hành cùng chồng trong suốt khoảng thời gian anh ấy bắt đầu từ bỏ thuốc lá bạn nhé.
Bạn có thể đòng hành cùng chồng bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cùng anh ấy lên kế hoạch cho việc cai nghiện thuốc lá, cổ vũ tinh thần của anh ấy, tìm hiểu các phương pháp bỏ hút thuốc hoặc thậm chí cùng anh ấy đến gặp bác sĩ để nhận tư vấn, hỗ trợ.
Kiên nhẫn với chồng
Như Mẹ và Con đã chia sẻ, khi một người đang nghiện thuốc lá bắt đầu dừng hút thuốc, cơ thể họ sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội, tâm lý cáu gắt và luôn trong cảm giác thèm được hút thuốc. Lúc này, nếu anh ấy nản lòng hoặc hút 1-2 điếu thuốc, bạn không nên chỉ trích chồng mà cần phải thông cảm và kiên nhẫn với anh ấy hơn nữa.
Đặt ra các cột mốc
Với 1 người mỗi ngày hút 4-5 điếu thuốc lá thì việc ngừng hút thuốc đột ngột là một việc không hề khả thi. Vì thế, bạn có thể cùng chồng đặt ra các cột mốc, chẳng hạn như trong vòng 1 tháng đầu tiên sẽ giảm tần suất hút thuốc xuống chỉ còn 3 điếu thuốc/ngày rồi sau 2 tháng sẽ là 1 điếu/ngày và sau 3 tháng thì không còn hút thuốc lá nữa.
Việc giảm từ từ sẽ dễ dàng hơn và giúp cả hai thấy được hiệu quả tức khắc, có động lực để cùng nhau cố gắng trong hành trình cai nghiện thuốc lá của chồng.
Nghiện thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút và gia đình, những người xung quanh. Hãy cùng chồng cai nghiện thuốc lá để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn nhé!