Nguyên nhân khiến bé lười học
Bé lười học do rất nhiều nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
Có thể nói ham chơi chính là nguyên nhân khiến bé lười học. Với bé, việc học luôn là “trách nhiệm” vô cùng nặng nề. Trong khi đó, các trò chơi lại vô cùng hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hoạt động và được vui đùa, khiến bé hào hứng và thích thú hơn.
Bên cạnh đó, việc lười học của bé cũng có thể xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ hoặc do thầy cô giảng bài không thu hút. Thậm chí, điều này còn có thể xuất phát từ việc bé có mâu thuẫn với bạn trong lớp hay không thích một điều gì đó ở trường… Để khắc phục chứng lười học của con, bạn cần biết rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra hướng khắc phục phù hợp. Hãy chú ý quan sát hành động, lời nói của con, sau đó cùng ngồi lại trò chuyện với bé, bạn sẽ tìm ra cách cho từng vấn đề con đang mắc phải.
Chiêu “trị” bé lười học
Thay đổi nhận thức của con về việc học
Bé lười hay cảm thấy sợ hãi với việc học có thể là do chúng chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc học đối với mình. Vì vậy, giúp con thay đổi nhận thức là điều đầu tiên bố mẹ nên làm. Hãy cho con biết rằng, việc học sẽ mang lại lợi ích cho chính bản thân của chúng, chứ không phải bố mẹ hay thầy cô. Bố mẹ nên dùng những tấm gương học tập và sự thành công của họ để khuyến khích trẻ ham học. Ngược lại, cũng nên kể cho con nghe hậu quả của việc lười học để trẻ vì sợ hãi mà không dám lười biếng nữa.
Khen ngợi khi bé chăm chỉ
Đừng tiếc lời khen ngợi khi con chăm chỉ và nhận được kết quả tốt. (Ảnh minh họa)
Ai trong chúng ta cũng thích được khen hơn là chê. Vì thế, khi trẻ làm tốt một việc nào đó, kể cả việc học, bố mẹ hãy dành cho con những lời tán dương đúng mực như: “Con làm tốt lắm!”, “Cố lên, con có thể làm tốt hơn nữa đấy!”. Sự khen ngợi đúng lúc sẽ là động lực khiến trẻ trở nên thích thú và say mê với việc học, điều mà trước đó chúng luôn cảm thấy vô cùng chán ngắt.
Không so sánh bé với bạn bè
Trong học tập, bé không tránh khỏi những lúc bị điểm số thấp hơn bạn. Những lúc này thay vì trách móc hay so sánh con với bạn bè, bố mẹ nên dành cho con sự an ủi, quan tâm nhiều hơn. Bởi với các bé, điểm thấp đã là một nỗi buồn khó chấp nhận rồi. Về đến nhà, sự chê bai, chỉ trích của bố mẹ lại càng khiến bé cảm thấy bị xúc phạm nặng nề hơn. Từ đó bé sẽ cảm thấy áp lực, mệt mỏi, tự ti, chán nản. Thậm chí, bé sẽ muốn buông xuôi việc học. Trong những tình huống tương tự thế này, bố mẹ hãy an ủi và cho con biết rằng, con người ai cũng có những điểm yếu, điểm mạnh của riêng mình. Nếu con chưa giỏi ở môn này, con có thể sẽ mạnh ở môn khác, chỉ cần con cố gắng hơn, con sẽ đạt được điểm số mình muốn. Để giúp con học tốt hơn, bố mẹ nên phối hợp với giáo viên tìm ra sự thiếu sót và lỗi sai khiến bé học kém và cùng con tìm hướng giải quyết. Việc làm này không chỉ giúp bé hào hứng hơn trong việc học, mà còn khiến con tin tưởng và yêu quý bố mẹ nhiều hơn.
Giúp bé tìm thấy niềm vui trong học tập
Mẹ thử để ý xem, bé sẽ học rất tốt những môn mình thích và ngược lại. Vì lẽ đó, bố mẹ hãy giúp con tìm thấy niềm vui trong học tập bằng cách “sáng tạo” thêm một chút để môn học trở nên thú vị hơn.
Chẳng hạn, nếu bé không thích môn lịch sử, bạn hãy dựng lại câu chuyện theo cách thật thú vị từ những cột mốc lịch sử đó, cho con xem phim, đọc truyện tranh để con hiểu rõ hơn về những điều mình đang được học. Chắc chắn, bé sẽ nhanh chóng bị thu hút và quên đi thực tế đó là một môn học nhàm chán và khó nhớ.
Tạo sự gần gũi giữa môn học với thực tế
Đôi khi bé lười học là vì cảm thấy kiến thức trong sách vở xa rời thực tế, khiến chúng mất đi hứng thú khám phá. Vì vậy, trong mỗi một môn học bạn nên chỉ ra mối liên hệ giữa lý thuyết với thực tế gần gũi xung quanh bé. Ví dụ cây xanh cần nắng và diệp lục để tổng hợp chất dinh dưỡng nuôi cây, ánh nắng mặt trời sẽ làm nước bốc hơi tạo thành mây và mưa…
Phương pháp học lý thú này sẽ giúp bé có cơ hội nắm bắt bài vở nhanh hơn, nhớ lâu hơn mà giúp bé không bị ám ảnh khi phải học thuộc lòng. Từ đó, việc học dần trở nên thú vị và bé sẽ chăm chỉ hơn rất nhiều.
Lưu ý cho mẹ:
Mẹ hãy tạo cho bé một không gian học tập yên tĩnh và thoáng mát, tránh tiếng ồn tivi, còi xe và nhất là tiếng nói cười, vui đùa để con tập trung cho việc học tốt hơn.