Gần đây, tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra ngày càng căng thẳng khiến không ít người “lo ngay ngáy” khi cho con đi học. Thay vì hỏi “Hôm nay con đi học có vui không?” Câu nói mà nhiều phụ huynh công nhận thường xuyên nói với con mình nhất khi đón chúng từ trường mẫu giáo trở về nhà là “Hôm nay đi học con có bị cô giáo đánh không?”.
Thương con là tâm lý chung của tất cả các bậc làm cha mẹ, nhưng không phải người nào cũng biết thương con đúng cách. Chuyện bạo hành trẻ em ở trường mầm non đúng là đáng chê trách thật, nhưng tất nhiên không phải giáo viên nào cũng vậy và sự việc có vẻ đang dần được đẩy đi quá xa bởi “tâm lý bắt chước”.
Tâm lý bắt chước của các bậc phụ huynh
Điều này được giải thích nôm na, dễ hiểu như sau: Một người có con bị bạo hành thật sự, làm đơn tố cáo lên cấp trên và được xử lý theo pháp luật, lấy lại công bằng. Thấy điều này, một số người khác (trong đó có những người mà con của họ chỉ dừng lại ở mức bị cô giáo kiểm điểm, chưa thể gọi là “bạo hành”) cũng “bắt chước”. Họ nghĩ rằng cứ làm đơn khiếu nại lên cấp trên, ắt phần thắng thuộc về mình. Họ chẳng đủ tỉnh táo (hoặc cũng có thể là chẳng muốn tỉnh táo) để phân biệt những hành động này của giáo viên đối với con mình thực chất là dạy dỗ giúp chúng tiến bộ hơn, hay thực sự bạo hành làm tổn thương con trẻ?
Tâm lý bắt chước còn được thể hiện với lối suy nghĩ: “Con ông A bị cô giáo đánh 2 roi, ổng cũng đem đi kiện huống gì con mình bị cô giáo đánh… 3 roi, mình lại không đi kiện?” Và thế là người có con bị cô giáo phạt… khóc nhè cũng đi kiện, người có con bị cô giáo phạt úp mặt vào tường cũng đi kiện…
Người người đi kiện, nhà nhà đi kiện bởi trong cuộc kiện tụng giáo viên, các bậc phụ huynh có một niềm tin mãnh liệt rằng “trăm phần trăm” mình sẽ thắng. Hoặc nếu không thắng, chí ít cũng sẽ… hòa chứ chẳng ai phải chịu thiệt bao giờ. Các giáo viên có vẻ như rơi vào tình trạng “yếu thế” nên không dám “manh động”, tuy nhiên liệu có chắc sức mạnh của hai chữ “kiện tụng” có thể chấm dứt hoàn toàn chuyện bạo hành trẻ em đang nhức nhối trong xã hội hiện nay?
Bạo hành trẻ em là một vấn nạn nhức nhối trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)
Muôn vàn “chiêu” bạo hành trẻ
Lắp camera là hình thức bảo vệ các thiên thần nhỏ được đưa ra, trước vấn đề bạo hành trẻ đang nhức nhối và có xu hướng tăng dần trong xã hội hiện nay. Ở các trường mầm non công lập hay các nhóm trẻ, hình thức này chưa được áp dụng rộng rãi. Song ở các trường mầm non Quốc tế, mỗi lớp học có tới 2 camera giám sát là chuyện bình thường, quen thuộc.
Tuy có tới tận 2 camera nhưng tình trạng bạo hành trẻ mầm non ở những ngôi trường “xịn” này cũng không phải không tồn tại. Th – một người bạn công tác tại một trong những trường mầm non có tiếng của Thành phố “bật mí” cho tôi một vài cách… bạo hành trẻ em không để lại dấu vết như:
“Dù có giận đến mấy, cũng đừng đánh học trò trong lớp. Lôi chúng vào nhà vệ sinh, giả bộ cho đi vệ sinh. Khuất tầm camera cũng là lúc… các cô muốn làm gì thì làm; Đừng đánh vào đầu, vào mặt trẻ. Chỉ đánh vào mông trẻ bởi ở phần này là thịt mềm, các vết thương sẽ tan rất nhanh, không để lại “dấu vết” như đánh vào xương cứng; Dùng thước kẻ hoặc dụng cụ có bề mặt lớn “xử lý” trẻ, lý do vì đánh bằng roi nhỏ các vết hằn sẽ in lâu hơn; Khép chặt lòng bàn tay vào nếu muốn phạt chúng, bởi đánh trẻ khi bàn tay chưa khép chặt sẽ khiến các ngón tay hằn lên da thịt và dễ bị phụ huynh phát hiện…”
Vâng, đây chỉ số ít các “chiêu” mà giáo viên truyền tai nhau trong việc bạo hành trẻ em. Nói gì thì nói, cái chính vẫn là lương tâm của người giáo viên chứ dù có cả chục camera đi chăng nữa, đã không ưa vẫn dễ tìm cách “lách luật”.
Phụ huynh được và mất gì khi thi nhau kiện tụng?
Coi con mình là vàng là ngọc, nhiều phụ huynh cho con đi học nhưng ở nhà từ ông bà tới cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em lại “dán mắt” vào máy tính quan sát con mình qua camera và tìm các bắt bẻ, làm khó giáo viên khi họ có “biểu hiện đáng ngờ”? Nếu trong trường hợp con bạn bị bạo hành thật, kiện tụng là điều không có gì đáng bàn cãi. Song, trong trường hợp thực sự giáo viên không hề có ý định đánh đập học trò nhưng phụ huynh lại “sửng cồ” lên, điều gì sẽ xảy ra?
Làm thế nào để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em thực sự là một bài toán khó. (Ảnh minh họa)
Xin thưa rằng, 100% con bạn – những đứa trẻ vô tội trong chính cuộc chiến của cha mẹ và giáo viên là đối tượng thiệt thòi nhất. Nếu vẫn tiếp tục theo học ở lớp, hẳn các cháu sẽ bị cô giáo “lánh xa”, không chỉ bảo tận tâm, không chăm sóc tận tình vì sợ… “Mẹ nó dữ lắm, tốt nhất không nên đụng vào nó kẻo có chuyện gì lại… “rách việc”.
Và thế là, dĩ nhiên đứa trẻ sẽ bị cô lập trong một tập thể lớp học. Cha mẹ chúng thì chẳng có cớ trách móc giáo viên, bởi họ không đánh đập, không trừng phạt… Chẳng lẽ, lúc này phụ huynh lại kiện cáo giáo viên với lý do… “không đút cơm cho con tôi”, “không ôm ấp con tôi”, “không ru con tôi ngủ”…?
Còn trong trường hợp, đứa trẻ được chuyển sang lớp khác thì bạn có biết điều gì sẽ xảy ra sau đó không? Đó là cô giáo mới của chúng sẽ được giáo viên cũ – những người từng bị bạn làm khó “mớm mồi” toàn bộ tình hình quá khứ. Nghĩa là gia cảnh học trò này ra sao, cha mẹ thế nào, học ngoan hay dở… tất tần tật. Khi nhận được sự “xi nhan” của đồng nghiệp, ắt hẳn giáo viên mới của con bạn cũng có sự đề phòng “không phải dạng vừa đâu”.
Đừng mất niềm tin vào giáo viên
Đúng thật là tình trạng bạo hành trẻ em gần đây diễn ra có phần căng thẳng hơn trước, nhưng các bậc phụ huynh ơi, không phải giáo viên nào cũng “mất nhân tính” như vậy đâu. Còn nhiều lắm những người giáo viên đến với nghề vì tình yêu trẻ, dạy dỗ, chăm sóc chúng như chính khúc ruột mình đẻ ra.
Cô V.A, giáo viên một trường mầm non ở quận Tân Bình, Tp.HCM chia sẻ: “Mình thương các cháu không khác gì con ruột, đúng thì mình thưởng, sai thì mình phạt nhưng nói chung cũng chỉ muốn tốt cho chúng mà thôi. Nhưng nhiều khi phụ huynh không hiểu, hoặc bị tác động bên ngoài nên nghĩ là mình hung dữ, bạo hành trẻ. Từ đó, họ có có những lời nói và hành động đau lòng khiến mình dần mất đi nhiệt huyết của một người giáo viên”.
Nỗi lòng của cô V.A cũng là lời chưa nói của rất nhiều giáo viên ngay thẳng, anh minh. Thật buồn khi trong ngành giáo dục thời gian gần đây không may xuất hiện một vài “con sâu”, để từ đó làm rầu nguyên một nồi canh lớn.
Phải làm sao để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em, nhất là ở các trường mầm non? Câu hỏi này thực sự là một bài toán khó mà cho đến hiện tại, ngay cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất cũng chưa tìm ra đáp án.
Về phía giáo viên, hãy nhớ tiếng cười của trẻ em chính là “nồi cơm” nhà mình. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Đừng vì một phút nóng giận, không kiềm chế được bản thân mà gây nên những chuyện khiến chính bản thân rơi vào vòng lao lý, danh tiếng hủy hoại, xã hội tẩy chay. Về phía các bậc phụ huynh, đừng bới lông tìm vết, đừng chuyện bé xé ra to. Yêu thương đôi khi không chỉ là cưng với nựng, yêu thương đôi khi còn là la mắng và cảnh cáo khi cần. Hãy để giáo viên làm tròn bổn phận của họ đối với con mình, nếu họ làm… méo đã có pháp luật, đừng lo!