Mẹ&Con – Trong năm đầu đời, cách giao tiếp gần như duy nhất của trẻ với bố mẹ khi muốn đáp ứng một nhu cầu nào đó chính là khóc. Bố mẹ thường cảm thấy bối rối, không hiểu được lý do trẻ sơ sinh quấy khóc và cách dỗ trẻ sơ sinh khóc.

Dưới đây là cẩm năng nhỏ nhưng cực kỳ hữu ích để bạn tham khảo mỗi khi bé yêu “mít ướt”.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh quấy khóc và cách xoa dịu

trẻ sơ sinh quấy khóc
Trẻ sơ sinh quấy khóc do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Con đói: Cho con bú để giúp con xua tan đi cơn đói.

Con bị đầy hơi: Mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng của bé theo chiều kim đồng hồ để đẩy khí ra ngoài, giúp bé dễ chịu hơn.

Con cần ợ hơi: Bé ngồi trên đùi mẹ, hơi nghiêng về phía trước. Mẹ dùng lòng bàn tay đỡ cằm của bé, phần cổ tay đỡ ngực bé, tay còn lại nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé để đẩy hơi ra.

Tã con bẩn: Kiểm tra và thay tã cho bé nếu tã lót của bé ẩm ướt hoặc bẩn.

Con buồn ngủ: Vừa bế bé, vuốt ve nhẹ lên đầu, lưng, vừa ru bé bằng những giai điệu êm ái để bé bình tĩnh đi vào giấc ngủ.

Con quá lạnh hoặc quá nóng: Mẹ có thể kiểm tra bé bị nóng hay lạnh quá bằng cách sờ vào bụng bé. Nếu bụng bé quá nóng, hãy bỏ một lớp quần áo ngoài, giảm nhiệt độ máy lạnh… và ngược lại.

Con bị làm phiền: Đôi khi, bé cũng cảm thấy khó chịu với những thứ xung quanh như ánh sáng, tiếng ồn hay được truyền từ tay người này sang tay người khác. Nếu bé khóc vì những điều này, mẹ nhớ đưa bé đến một căn phòng yên tĩnh nhưng thoáng khí.

Con đang đau: Bé có thể khóc khi gặp rắc rối bởi một thứ gì đó khó có thể nhận diện được, như các sợi chỉ trong bao tay bị buộc chặt vào tay bé, bị mác áo cọ xát vào cơ thể hoặc mép vải cào vào người… Trong trường hợp này, mẹ cần cố gắng tìm hiểu nguyên nhân bé đau để có cách xử trí phù hợp nhất.

Con mọc răng: Bé mọc răng thường thích cắn và có kèm theo sốt. Mẹ có thể làm bé xao lãng để quên đi cảm giác đau bằng cách cho con tắm nước ấm, cho bé ngậm núm ti lạnh… Nếu mẹ đã “bất lực” vì bé vẫn cứ quấy khóc và có triệu chứng sốt thì nhớ đưa bé đến bác sĩ.

Con không khỏe: Giọng khóc của bé sẽ khác hẳn đi khi con khóc vì không khỏe như yếu hơn, khẩn thiết hơn, khóc không ngừng hoặc khóc to. Dựa vào bản năng làm mẹ của mình, khi cảm nhận tiếng khóc của bé bất thường, tốt nhất mẹ nên đưa bé đi khám.

Con muốn đi chơi: Ở trong một không gian quá lâu cũng có thể khiến bé nhàm chán và quấy khóc. Mẹ thử thay đổi môi trường khác cho bé. Nếu bé đã ở trong nhà suốt cả ngày, mẹ có thể đưa bé ra ngoài khi tiết trời đẹp.

Con muốn được ôm: Đôi khi, lý do trẻ sơ sinh quấy khóc rất đơn giản là chỉ cần được ôm ấp, vỗ về để có cảm giác được bảo vệ, yêu thương.

Làm gì khi mọi nỗ lực xoa dịu trẻ sơ sinh quấy khóc là “công cốc”?

  • Ngoại trừ yếu tố sức khỏe, trẻ sơ sinh quấy khóc là một điều bình thường. Do đó, mẹ cố gắng đừng đổ lỗi cho bản thân khiến chuyện dỗ con trở thành áp lực. Chuyện bé khóc cũng có thể chỉ là một giai đoạn. Nó sẽ qua đi khi bé nhà bạn lớn hơn. Lúc này, bé sẽ học được những cách mới để giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhờ đó, chuyện bé khóc quá nhiều sẽ sớm dừng lại.
  • Với các bé thường xuyên “mít ướt” mà chẳng do cơn đau nào hoành hành, đôi khi, bạn có thể để bé khóc trong vài phút, chỉ cần đảm bảo con an toàn trong lúc đợi bạn dỗ dành. Đừng căng thẳng, lo lắng và bỏ mọi thứ để kịp chạy đến đáp ứng bé! Sự quan tâm của bạn có thể khiến bé trở nên phụ thuộc. Hơn nữa, bé luôn được đáp ứng nhu cầu một cách dễ dàng sẽ thường đòi hỏi và khó tự lập hơn đấy! Thỉnh thoảng, không có gì có thể làm bé nín khóc ngoài việc đợi thời gian trôi qua.
  • Thay vì chạy đến ngay lập tức khi con khóc, bạn thử chăm sóc cho bản thân trước tiên xem sao:
  • Đặt bé vào nôi đung đưa và để bé khóc một lát, ngoài tầm bạn có thể nghe thấy. Tuy nhiên, bạn đừng quên “bí mật” theo dõi con để đảm bảo bé được an toàn. Hít thở sâu và để bản thân thư giãn một chút, sau đó bạn quay lại dỗ bé sau.
  • Nếu cả bạn và bé đều tức giận trong khi bạn đã thử mọi cách thì đừng quên nhờ sự giúp đỡ của anh xã hoặc người thân. Để bản thân nghỉ ngơi và nhờ một người khác thay bạn chăm sóc bé một lát sẽ giúp bản thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong việc nuôi con.
  • Tham gia các hội, nhóm dành cho cha mẹ và bé trên mạng xã hội. Bằng cách này, bạn có thể gặp gỡ những ông bố, bà mẹ khác có cùng cảnh ngộ và nhờ họ giúp đỡ về mặt tinh thần.
  • Tìm kiếm lời khuyên phù hợp khi chăm bé từ những người thân, bạn bè đi trước, đặc biệt là mẹ, bà của bạn.

  • Yêu con thì ai cũng yêu, nhưng ôm ấp, nựng nịu, dỗ dành cũng cần hợp lý, mẹ nhé! Đừng để con bắt tín hiệu rằng, “Người lớn rất sợ mình khóc”. Khi lớn hơn một chút, các bé sẽ sử dụng tiếng khóc để điều khiển bố mẹ, nảy sinh ra tính ăn vạ để đòi hỏi thứ mình muốn đấy!

Bài viết liên quan