Mẹ&Con – Rồi cũng đến ngày bạn được tận mắt nhìn thấy con lần đầu tiên trong đời. Trải qua bao đớn đau nhọc mệt của cơn vượt cạn, thể xác muốn kiệt quệ nhưng trái tim và tâm hồn bạn lại dâng tràn niềm hạnh phúc lớn lao nhất: Hạnh phúc được Làm mẹ! Bé của bạn đó – sinh linh bé bỏng do bạn “kiến tạo”. Bé mong manh và yếu ớt nhưng lại đủ sức làm thay đổi cả cuộc đời bạn, kể từ giây phút này!

Làm quen nhé con!

Bạn sẽ cảm nhận được rất rõ rệt mối quan hệ sâu đậm cùng bé khi đưa tay ra ôm bé vào lòng. Cùng một khoảnh khắc ấy, bé sẽ tìm cách nhận ra bạn, ghi nhớ sâu sắc về bạn thông qua mùi hương, làn da, tiếng nói… Thật kỳ diệu, như có một “thỏa thuận” từ trước, bé lập tức hiểu rõ bạn chính là MẸ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, người mẹ nếu được tiếp xúc trực tiếp với con ngay khoảnh khắc chào đời thì sau này khi bé lớn lên sẽ dễ dàng hiểu rõ từng cảm xúc của con, nhu cầu, mong muốn của con hơn là những người mẹ bị “cách ly” con vào thời điểm ấy. Do đó, nếu không vì lý do sức khỏe hoặc an toàn cho bé, bạn hãy dành cho con trọn vẹn những giây phút thiêng liêng đó. Đó sẽ là khoảnh khắc không bao giờ có được lần thứ hai trong đời.

chăm sóc trẻ sơ sinh

Trông con lúc đó thế nào? Xin nói trước để bạn đừng “tưởng tượng” quá mức và bị “bất ngờ”. Bé chưa “đẹp” như những em bé xinh tươi, mắt tròn xoe, da dẻ hồng hào, mũm mĩm đáng yêu như bạn thường thấy trong… hình đâu. Bé có thể khiến bạn hơi “giật mình” (nếu bạn chưa có kinh nghiệm mà mơ mộng quá nhiều). Đầu của bé lúc này trông lớn và thậm chí là hơi méo mó trong quá trình sinh nở. Nhưng đừng lo, những điều chưa hoàn hảo đó sẽ tự điều chỉnh trong khoảng một tuần. Bé có hai thóp mềm trên đầu. Hai thóp này sẽ dần đóng lại mà không cần sự chăm sóc đặc biệt nào.

Mắt bé lúc này thường… nhắm tịt. Bạn cũng đừng hốt hoảng nếu như phát hiện ra mắt bé cứ như bị sưng lên, có những chấm đỏ trong lòng trắng hay trông như… bị lé! Tất cả những điều này chỉ là do đầu chịu áp lực khi sinh mà thôi, sẽ tự hết trong khoảng 2 tuần sau đó. Bộ phận sinh dục của bé lúc này trông như bị phồng lên, “to” hơn bình thường nhưng thực chất đây cũng là điều hết sức… bình thường. Điều này sẽ mau chóng biến mất. Nếu thiên thần của bạn là con gái, bạn có thể phát hiện bé ra một chút máu và nước nhầy ở âm đạo trong vài ngày đầu mới sinh. Điều đó cũng là bình thường, bạn nhé!

Làn da của bé cũng có phần đặc biệt. Một vài bé được bao phủ hoàn toàn trong một lớp gây trắng. Một số bé khác có lớp gây ở mặt và tay. Nên nhớ, lớp gây này có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho làn da còn rất mỏng manh của con. Do đó, bạn đừng cảm giác rằng nó “dơ” và cố công tắm rửa, kỳ cọ lớp gây sẽ nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà giữ nguyên lớp gây hàng nhiều ngày liền. Sang ngày thứ hai sau khi sinh trở đi, lớp gây lại trở thành môi trường thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Lúc này, bạn cần chú ý tắm sạch cho con. Xin nhắc thêm bạn một điều nữa là rốn bé chưa rụng nên lúc tắm cần tránh làm ướt rốn. Tắm xong phải thay băng rốn vô khuẩn cho con.

Theo định nghĩa y học, trẻ từ khi sinh ra đến 30 ngày được gọi là sơ sinh. Trẻ sinh ra đủ tháng khi tuổi thai từ đủ 37 tuần đến hết 41 tuần. Trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng lúc chào đời trên 2,5 kg, chiều dài của bé trung bình 48 – 50cm.

Nên làm gì những ngày đầu tiên?

Có vô vàn điều phải làm trong những ngày đầu tiên. Nhưng điều cơ bản đầu tiên bao giờ cũng là cần chú ý giữ ấm cho con. Hãy luôn ghi nhớ rằng trog tử cung của mẹ, thân nhiệt của bé ổn định nhưng ra ngoài thì dễ bị “sốc nhiệt” khi nhiệt độ môi trường thấp hơn hẳn. Bạn cần giữ ấm trẻ bằng cách giữ nhiệt độ trong phòng đủ ấm (từ 28-30 độ C), không có gió lùa. Luôn ủ ấm bé và có bao tay, vớ, áo quần đủ kín để giữ cho bé ấm.

Việc kế tiếp cần nhớ là duy trì việc tắm nắng sớm cho con khoảng 15 – 20 phút. Tắm nắng sớm sẽ giúp bé tránh được nguy cơ bị vàng da. Lưu ý rằng trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Hiện tượng này xuất hiện vào ngày thứ hai, thứ ba sau sinh, sau đó giảm dần. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc nếu như hiện tượng vàng da kéo dài trên vài ngày thì nên hỏi ngay ý kiến bác sĩ vì nếu không phát hiện kịp, bé dễ gặp nguy hiểm ngay.

Vệ sinh cho bé trong những ngày đầu tiên cũng rất quan trọng. Mọi dụng cụ dùng cho thiên thần bé bỏng như bình sữa, muỗng, ly, đầu ti… đều cần được đảm bảo vệ sinh ở mức cao nhất trước khi dùng. Áo quần cho con cũng cần giặt sạch, phơi dưới nắng. Đừng dùng các loại xà phòng, hóa chất giặt quần áo của trẻ vì da trẻ cực kỳ nhạy cảm và thính giác của bé cũng “siêu” hơn bạn tưởng. Bé có thể khó chịu vì những mùi hương hóa chất mà bình thường bạn nghĩ là… thơm.

Một vấn đề khác quan trọng với trẻ là chăm sóc rốn. Không nên băng kín rốn vì sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Nên để hở rốn sau khi chăm sóc, rốn sẽ rụng tự nhiên sau 7 – 15 ngày. Rốn mới rụng phải giữ khô ráo, sạch sẽ cho tới khi lên sẹo.

Về chuyện dinh dưỡng, chắc chắn bạn từng nghe không biết bao nhiêu lần rằng sữa mẹ tốt hơn mọi loại sữa khác trên đời cho bé. Do đó, nên cố gắng tập cho con bú mẹ. Sau khi sinh, trong vòng 30 phút nên cho bé bú mẹ để tận dụng nguồn sữa non, vốn là nguồn sữa rất giàu chất kháng khuẩn, giúp bé tránh được bệnh vặt và những nhiễm trùng trong các ngày đầu. Để đảm bảo đủ sữa cho bé bú, bạn cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, chế độ dinh dưỡng phong phú, ăn nhiều cá thịt, trứng, rau, trái cây, uống nhiều sữa và nước. Đừng bắt chước các “mẹo” dân gian ăn cơm với thịt kho thật mặn, kiêng cữ hết canh rau sẽ rất ảnh hưởng sức khỏe và cũng không tốt cho sức khỏe của chính bạn chút nào.

Lưu ý cho mẹ!

Hãy nhắc nhở mình luôn cẩn thận với bao tay của bé. Đã có những trường hợp, bác sĩ phải tháo khớp ngón của trẻ sơ sinh chỉ vì mẹ không để ý, để những sợi chỉ nhỏ trong bao tay quấn vào ngón tay của bé gây hoại tử. Trước khi mang bao tay cho trẻ, cần kiểm tra cẩn thận các sợi chỉ này. Nếu không thì nên lộn mặt trái của bao tay ra ngoài để đảm bảo phần tiếp xúc với những ngón tay con hoàn toàn trơn nhẵn, không có bất kỳ sợi chỉ thừa nào dù nhỏ nhất.

Tags:

Bài viết liên quan