Mẹ&Con - Mấy tháng liền không thấy con đưa sổ liên lạc cho mình ký, chị M.Hương gặng hỏi thì cậu nhóc Tùng Hưng (8 tuổi) đều trả lời một cách… ngây thơ: “Con không thấy cô phát sổ. Chắc để đến họp phụ huynh cô mới phát!”. Chỉ đến khi nhận được cuộc điện thoại của chính cô giáo chủ nhiệm, chị mới… bật ngửa khi biết rằng hóa ra lâu nay con mình vẫn đang đóng vai “chú Cuội”

Trẻ nói dối cha mẹ nên làm gì

Ảnh minh hoạ

Ai dạy mà con trắng đen lẫn lộn thế này??!

Điên tiết khi phát hiện ra rằng hàng tháng, cô giáo vẫn đều đặn gửi sổ liên lạc về và con trai chị đã táo bạo đến mức dám tự động… giả chữ ký của mẹ, chị M.Hương ngay lập tức gọi điện cho chồng và chuẩn bị một buổi “thẩm vấn” ngay tại nhà. Chỉ chờ con đi học về, chị bảo con vào ăn cơm ngay rồi ra đây cho ba mẹ nói chuyện! Nhìn vẻ mặt đằng đằng sát khí, đầy vẻ nghiêm trọng của ba mẹ, có lẽ cậu nhóc cũng hiểu ra phần nào nguyên nhân. Nhưng thay vì líu ríu cúi đầu, khóc lóc nhận lỗi như chị tưởng thì cậu bé tỉnh queo… quay mặt đi chỗ khác, im lặng trước mọi câu hỏi của ba mẹ đặt ra!

Thực tế, chị Hương không phải là bà mẹ duy nhất rơi vào cảnh trái khoáy, phát hiện ra đứa con ngoan ngoãn hiền lành của mình nói dối như… Cuội thế này. Có những lỗi nói dối nho nhỏ, chỉ xảy ra đúng một lần duy nhất, ví dụ con xin bạn cho đi chơi nhưng bạn không cho. Chẳng đặng đừng, con phải viện ra một cớ gì đó như đi học nhóm, đi họp lớp, đi thăm cô chủ nhiệm… để thỏa mãn một mong muốn nhất thời. Nhưng có nhiều trường hợp khác, trẻ nói dối một cách có hệ thống, có tính toán, nói dối từ lần này sang lần khác thành một chuỗi sự kiện, hoặc có thể nói dối như một thói quen, chuyện chẳng đáng nói dối cũng nói dối cho bằng được.

Trong những trường hợp này, các chuyên gia tâm lý cho biết: Cần phân loại nguyên nhân nói dối của trẻ để đưa ra cách ứng phó thích hợp. Thay vì đánh mắng, gắt gỏng, trừng phạt thật nặng thì bạn nên hiểu cặn kẽ, thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói dối của con. Rồi cùng con nghĩ xem có cách ứng xử nào tốt hơn mà không cần phải nói dối hay không. Thường thì trẻ nói dối vì sợ bị ba mẹ la mắng. Ví dụ như nếu nói thật về điểm số sẽ bị phạt nặng, nếu nói thật về chuyện làm bài không được sẽ bị ba mẹ đánh đòn, không cho đi chơi… Chính vì vậy, muốn con mình trung thực, trước hết bạn phải điều chỉnh chính cách hành xử của mình mỗi khi trẻ nói thật. Có như vậy, mới mong con tin tưởng ở ba mẹ mà chia sẻ những vấp váp, sai lầm, thất bại của trẻ được.

Một điều quan trọng bạn cần lưu ý là trẻ dưới 4 tuổi hoàn toàn chưa hiểu rõ khái niệm thế nào là nói thật, thế nào là nói dối. Trong suy nghĩ của trẻ ở độ tuổi ấy, những sự việc thật và những sự việc mang tính tưởng tượng gần như hòa quyện vào nhau. Vì thế, nếu trẻ nói với bạn rằng một con mèo đã hất đổ ly sữa (trong khi chính trẻ đã làm đổ) thì đừng vội quát lên với con hay nghĩ rằng con mình nói dối như Cuội. Chính trẻ cũng tin rằng có lẽ một con mèo nào đó, của một bà phù thủy nào đó vừa bay qua đây, hất đổ ly sữa của trẻ đấy!

“Bắt bài” những câu nói dối của con

Bắt đầu từ 6-7 tuổi, trẻ đã có thể phân biệt được một cách rõ ràng sự việc nào là thật, sự việc nào là giả. Cũng từ đây, bạn sẽ phải học cách đối phó với những trò “dựng chuyện” của con. Ông bà nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuyện nói dối của trẻ cũng vậy. Nhiều phụ huynh hay có thói quen cứ giả bộ không biết (trong khi thực chất đã biết rất rõ từng sự việc) để rồi hỏi lòng vòng theo kiểu mèo vờn chuột với con. Có người tưởng đây là cách hay, có thể “bắt bài” trẻ và khiến trẻ nhận ra trẻ không thể qua mặt ba mẹ được. Song thực tế, đây là suy nghĩ rất sai lầm.

"Bắt bài" những câu nói dối của con

Bạn biết hôm nay con bị điểm kém môn Toán (vì đã lén kiểm tra tập của con trước đó). Thế thì đừng nên tạo điều kiện cho con phải nói dối bằng cách đặt ra câu hỏi: “Sao, hôm nay con học tốt đấy chứ? Điểm kiểm tra có được cao không?”. Khi bạn hỏi như vậy, trẻ sẽ nghĩ rằng bạn không biết, rằng bạn kỳ vọng nhiều ở trẻ. Vì thế, một số trẻ sẽ thú nhận kết quả, nhưng một số trẻ khác sẽ tự tập cho mình cách nói dối bằng câu trả lời vòng vèo: “Con làm bài cũng được!”, “Cô chưa phát bài kiểm tra nên con không biết điểm…”.

Bằng cách này, bạn sẽ vô tình tập cho trẻ quen với việc ứng phó tình hình bằng cách nói dối. Trẻ cũng dần nhận thức được rằng nói dối chẳng sao cả, cùng lắm mẹ biết sự thật thì mẹ mắng cho một trận là cũng xong rồi. Thay vì thế, bạn nên hạn chế tối đa việc “thử thách” con với các tình huống khiến con phải phân vân giữa việc nói thật và nói dối. Nếu biết con bị điểm kém môn Toán, bạn có thể bắt đầu câu chuyện ngay rằng: “Bài kiểm tra Toán vừa rồi con không hiểu bài chỗ nào mà bị điểm kém vậy con?”. Như vậy, trẻ sẽ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải nói thật với bạn.

Bạn cũng tuyệt đối không nên gọi con là “đồ nói dối như Cuội”, kể cho người khác nghe về “thành tích” nói dối của trẻ. Khi bị chọc ghẹo, bị mất lòng tin của mọi người, trẻ sẽ rơi vào cảnh chẳng còn gì để mất nên lại càng dễ dàng thốt ra những lời nói dối hơn. Ngược lại, trong trường hợp trẻ nói thật (dù chỉ là một câu nói thật đơn giản nhất), bạn cũng nên trân trọng, khuyến khích, khen ngợi trẻ một cách chân thành. Hãy nói cho con biết rằng: “Con đã rất dũng cảm khi nhận lỗi như vậy!”.

Bạn cũng nên kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích liên quan đến việc nói dối. Hãy đặt câu hỏi cho con, xem con nên làm gì trong những tình huống ấy và giải thích với trẻ rằng khi con nói thật, trẻ sẽ tránh được nhiều rắc rối, khiến vấn đề trở nên dễ giải quyết hơn nhiều. Về phía mình, bạn cũng cần nhắc nhở bản thân hai việc quan trọng để làm gương cho con. Thứ nhất là không nên thốt ra những lời nói dối dễ dàng trước mặt trẻ trong cuộc sống thường ngày. Thứ hai là không nên kỳ vọng quá nhiều ở con. Những kỳ vọng của bạn sẽ gây áp lực với trẻ và nhiều đứa trẻ nói dối chẳng qua chỉ vì chúng rất thương ba mẹ, không muốn ba mẹ phải thất vọng về mình.

Ông xã tôi rất hay dạy cho con nói dối để… bao che cho anh ấy. Ví dụ như anh ấy đi nhậu về trễ (có chở con đi chung) thì dạy con nói với tôi là hai ba con ghé đi thăm chú A. bị bệnh… Đã vài lần tôi phát hiện, định la hoặc đánh con thì ông xã lại bênh con. Tôi phải làm gì để dạy trẻ trung thực trong trường hợp ấy? Việc bạn cần làm trước tiên là nói chuyện với chồng để anh ấy hiểu tác hại của việc mình làm cũng như đưa ra những thỏa thuận riêng trong việc dạy dỗ con. Nếu cha mẹ ứng xử theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, một bên la mắng, một bên bao che thì việc trẻ quen dần với những câu nói dối sẽ chỉ còn là một sớm một chiều, không tránh khỏi.

Về phía mình, bạn cũng nên thay đổi cách ứng xử mỗi khi được nghe sự thật. Ví dụ nếu ông xã thú thật nguyên nhân tại sao về trễ (đi nhậu với bạn bè), bạn không nên làm ầm lên trước mặt con, vì như thế chẳng khác nào bạn chứng minh với trẻ rằng: Thấy chưa, nếu nói dối giùm cho ba thì đỡ phải thấy ba mẹ cãi nhau thế này!

Không có đứa trẻ nào tự nhiên sinh ra đã trung thực hay đã quen tật nói dối như Cuội. Hãy luôn nhắc nhở mình rằng chính cha mẹ là tấm gương gần gũi nhất cho trẻ noi theo, bạn sẽ biết mình nên làm gì với trẻ.

Tags:

Bài viết liên quan