Thời điểm nào là thích hợp để trẻ em học tiếng anh?
Việc xác định độ tuổi nào cho trẻ em học ngoại ngữ là tốt nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Các nhà sinh lí học thì cho rằng sự phát triển của não bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Các nhà tâm lý học thì cho rằng: Trẻ em học ngôn ngữ tốt hơn vì ít dựa vào cách giải thích ngữ pháp và khả năng tư duy miễn dịch. Các nhà ngôn ngữ học khẳng định: Khả năng song ngữ không ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh.
Trong giai đoạn phát triển sớm của não bộ, con người có khả năng đặc biệt dành cho việc nắm bắt và tiếp thu ngôn ngữ. Khả năng này sẽ suy giảm dần theo thời gian khi con người lớn hơn và tiến đến quá trình phát triển các kỹ năng khác. Giai đoạn từ 2 – 4 tuổi là giai đoạn trẻ có khả năng bắt chước, sao chép các âm thanh, thẩm thấu và phát âm ngoại ngữ một cách chuẩn xác nhất.
Các nhà ngôn ngữ học đã chứng minh rằng trẻ em học ngoại ngữ sớm không những không ảnh hưởng đến việc học tiếng Việt mà còn giúp cho trẻ học tiếng Việt một cách có tư duy logic hơn. Khi học một ngôn ngữ mới, trẻ thường có khả năng hấp thụ từ vựng và sử dụng chúng một cách tự nhiên thay vì học một cách có ý thức như người lớn.
Đối với trẻ nhỏ, việc học tiếng Anh hay học bất cứ ngoại ngữ nào cũng giống như học tiếng Việt, trẻ không cần học ngữ pháp để nói được mà học nói ngay từ nhỏ rồi mới đi học ngữ pháp tại trường. Theo cách hiểu đó, từ khi sinh ra, trẻ đã vận dụng cách ghi nhớ để học ngôn ngữ theo cách bẩm sinh của riêng mình thông qua môi trường sống như hoạt động giao tiếp, trò chuyện, kết nối với người khác.
Các nhà ngôn ngữ học đã chứng minh rằng trẻ em học ngoại ngữ sớm không những không ảnh hưởng đến việc học tiếng Việt mà còn giúp cho trẻ học tiếng Việt một cách có tư duy logic hơn (Ảnh minh họa).
Cơ chế tiếp thu ngoại ngữ của trẻ theo quy trình sau: Thời gian đầu, trẻ sẽ bắt chước những gì người lớn nói, lâu dần trở thành phản xạ một cách vô thức rồi dần dần trở thành ý thức để phản xạ lại. Trẻ sẽ nghe, sau đó nói được những câu đầu tiên đến những câu đơn giản và dần dần thành những câu dài, phức tạp dần lên theo thời gian.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trẻ nhỏ đã yêu thích một bài hát tiếng Anh đến nỗi chỉ trong vài ngày đã thuộc lòng được bài hát mặc dù phát âm chưa chuẩn và chẳng hiều bài hát nói về cái gì. Việc học ngôn ngữ xuất phát từ sự tiếp xúc thường xuyên hay sở thích sẽ dễ dàng hơn rất nhiều sơ với việc “bị” bắt buộc phải nhớ như trong lớp học.
Trẻ em học tiếng anh sớm có lợi ích gì?
Trẻ học đồng thời hai ngôn ngữ từ khi còn nhỏ sẽ kích thích tư duy sáng tạo của trẻ, trẻ sẽ nhanh nhạy, hoạt bát và thông minh hơn. Bên cạnh đó còn tăng cường khả năng tập trung, tăng khả năng cảm nhận được ngoại cảnh sâu sắc do việc linh hoạt lựa chọn từ ngữ phù hợp để chuyển đổi ngôn ngữ.
Việc cho trẻ em học tiếng Anh sớm sẽ giúp trẻ có được sự tiếp cận quý giá đối với ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ và có cơ hội làm quen với những âm điệu ngôn ngữ. Điều này rất có lợi cho việc học tập sau này. Trẻ càng sớm được làm quen với một ngôn ngữ thứ hai thì trẻ càng có nhiều cơ hội trở nên thuần thục ngôn ngữ đó và càng dễ dàng trong việc tiếp thu các ngôn ngữ thứ 3, thứ 4…
Trẻ em học tiếng Anh từ sớm rất có lợi cho việc học tập sau này (Ảnh minh họa).
Khi trẻ em học ngoại ngữ thông qua giao tiếp với người khác sẽ hình thành kĩ năng giao tiếp giúp trẻ tự tin hơn khi trò chuyện cùng người khác và quyết đoán trong tính cách.
Nhiều phụ huynh cho rằng, bé nhà mình còn nhỏ chưa nên cho đi học tiếng anh là chưa hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, việc cho trẻ em học tiếng anh hay bất cứ ngôn ngữ nào ở độ tuổi sớm cũng cần có phương pháp và các chương trình giảng dạy đúng đắn, phù hợp.