Nói lắp, thế nào là bình thường?
Nói lắp là một giai đoạn bình thường của lời nói và phát triển ngôn ngữ. Khi đứa trẻ bắt đầu tập nói, chúng sẽ lặp lại ngắn gọn từ hoặc cụm từ như “um”, “ah”… Tuy nhiên, nếu con bạn thường xuyên lặp đi lặp lại một từ hoặc một cụm từ, rất có thể bé đã bị nói lắp.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị nói lắp?
“Nói lắp xảy ra khi bộ não có vấn đề về việc phối hợp tất cả các cơ chế liên quan đến việc nói. Tất cả mọi thứ từ vệc kiểm soát hơi thở đến chuyển động của lưỡi, răng, môi và vòm miệng” – Suzanne Martin, nhà nghiên cứu bệnh về ngôn ngữ ở Toronto (Canada) cho biết. Lứa tuổi dễ mắc bệnh nói lắp nhất, đó là trẻ em ở độ tuổi từ 2 – 6. Việc căng thẳng, lo âu cũng có thể làm cho tình trạng này trở lên tồi tệ hơn. Nói lắp có xu hướng di truyền và tình trạng bé trai mắc bệnh nói lắp thường cao hơn gấp 3 lần so với bé gái. Trẻ em bị khuyết tật, trong đó có chứng bệnh tự kỷ và hội chứng Down sẽ có nhiều khả năng bị nói lắp hơn so với những trẻ còn lại.
Làm thế nào khi con bạn bị nói lắp?
Nếu bạn nghi ngờ con mình bị nói lắp, thay vì ngồi chờ thì can thiệp sớm là một việc làm rất hữu ích. Hãy ghi âm lại câu nói lắp của con mình và gửi cho bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ theo dõi và dạy bạn cách làm thế nào để khuyến khích giúp con mình nói tròn câu, mượt mà hơn.
“Thông thường, trong vòng một hoặc hai năm kể từ khi bé bắt đầu nói lắp, 80 – 90% sẽ được cải thiện sau khi điều trị. Điều quan trọng nhất khi nói chuyện với một đứa trẻ nói lắp, đó là lắng nghe những gì chúng đang nói thay vì nghĩ cách làm thế nào để chúng nói tốt hơn.” – Ông Deryk Beal, giám đốc điều hành Viện điều trị nói lắp và nghiên cứu tại Đại học Alberta ở Edmonton (Canada) cho biết.
Lời khuyên khi giao tiếp với một đứa trẻ nói lắp
* Hãy thoải mái nhất có thể.
* Nói chuyện chậm rãi và nhẹ nhàng.
* Không nên ngắt quãng, nhưng nếu không hiểu hãy hỏi cho rõ.
* Đừng đề nghị chúng phải nói chậm hơn hay bắt đầu lại.
Kim Hương (Theo Todaysparent)