Mẹ và Con - Người bị chứng trầm cảm cười ít khi bộc lộ cảm xúc thật của mình với ai, lâu dần tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, tăng nguy cơ tự sát.

Trầm cảm cười là khái niệm còn mới lạ với nhiều người. Khi nhắc đến trầm cảm, chúng ta thường nghĩ đến những người bệnh luôn buồn bã, rầu rĩ, thiếu năng lượng sống. Tuy nhiên, ở các trường hợp người bệnh lại có xu hướng che giấu cảm xúc thật thông qua nụ cười, thái độ sống vui vẻ, tích cực. Đó gọi là trầm cảm cười.

Bệnh trầm cảm cười là gì?

Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc. Mỗi ngày, người bệnh phải “chiến đấu” với tâm trạng trầm cảm bên trong nhưng vẫn biểu hiện cảm xúc vui vẻ ở bên ngoài. Chính các biểu hiện bên ngoài khiến những người xung quanh lầm tưởng người bệnh đang tận hưởng một cuộc sống vui vẻ.

Trầm cảm cười hiện vẫn chưa được chứng nhận là tình trạng rối loạn tâm thần (theo DSM-5). Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể được chẩn đoán như một dạng rối loạn trầm cảm không điển hình.

trầm cảm cười là gì

Dấu hiệu trầm cảm cười

Người bệnh trầm cảm cười thường có những biểu hiện như:

  • Chán ăn hoặc rất thèm ăn: Khi bị trầm cảm, một số người có xu hướng ăn ít hơn, chán và bỏ ăn. Trong khi, một số trường hợp khác lại thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường. Ngoài sự thay đổi về lượng thức ăn, một số người lại thay đổi khẩu vị như thích ăn đồ ngọt nhiều hay mất cảm giác ngon miệng. Tình trạng này dễ dẫn tới sự tăng/giảm cân thất thường.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ: Đây là triệu chứng thường gặp ở người bị trầm cảm cười. Người bệnh sẽ khó vào giấc, ngủ không sâu, cảm thấy bồn chồn, thường thức dậy giữa đêm; hoặc dậy sớm và khó ngủ lại; hoặc bị đảo lộn giờ giấc như ngủ quá nhiều vào ban và đêm lại trằn trọc khó ngủ.
  • Cảm giác tuyệt vọng, tội lỗi: Người bệnh luôn cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân, dằn vặt về các lỗi lầm trong quá khứ; cảm thấy mình không còn giá trị, tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống và những người xung quanh.
  • Mất hứng thú với những hoạt động: Người bệnh không còn cảm thấy hào hứng với các hoạt động yêu thích trước đây. Ở mức độ nhẹ hơn, họ thường bị giảm năng suất, hiệu quả công việc; luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản; xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực.

Người bị trầm cảm cười còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như chậm chạp hoặc có thể kích động tâm thần vận động, dễ cáu gắt, lo âu, tay chân nặng nề. Thậm chí, một số người bệnh còn có ý nghĩ tự sát. Điều này có thể dẫn đến các những hành vi tự làm tổn thương.

Dấu hiệu trầm cảm cười

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cười

Đến nay, nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng trầm cảm cười là do sự thiếu hụt những chất dẫn truyền thần kinh trên não bộ (serotonin). Bên cạnh đó, một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như gen, yếu tố di truyền, tâm lý xã hội, môi trường sống…

  • Sợ thành gánh nặng cho người khác: Trầm cảm và cảm giác tội lỗi có xu hướng xuất hiện cùng lúc. Lúc này, người bệnh thường không muốn tạo gánh nặng lên người khác. Họ chỉ là không biết làm sao để kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.
  • Xấu hổ: Một số người bệnh nghĩ trầm cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối, thậm chí cho rằng có thể tự thoát khỏi tình trạng này. Người bệnh thường sợ rằng những người xung quanh sẽ lợi dụng nhược điểm này, xem họ là kẻ yếu đuối, dễ bị tổn thương, từ đó sẽ chống lại họ.
  • Phủ nhận sự thật: Một số nghiên cứu cho thấy có đến 50% người mắc trầm cảm phủ nhận cảm xúc buồn của mình. Họ cho rằng việc cười vui là không bị trầm cảm. Người bệnh không cho phép mình bị trầm cảm. Nhiều người không thừa nhận có điều gì đó không ổn với họ.
  • Chủ nghĩa hoàn hảo (cầu toàn): Người cầu toàn có xu hướng yêu cầu mọi điều trong cuộc sống phải thật hoàn hảo. Do đó, dù có bị trầm cảm, họ vẫn “ngụy trang” để che giấu nỗi đau hoặc những vấn đề gặp phải. Điều này khiến họ cho rằng thừa nhận chứng trầm cảm sẽ làm ảnh hưởng đến sự hoàn hảo mà mình luôn cố gắng duy trì trong cuộc sống.
  • Hạnh phúc phi thực tế: Một số yếu tố, trong đó có mạng xã hội đã xây dựng một hạnh phúc phi thực thế. Nhiều người chia sẻ những bức hình trên trang cá nhân thể hiện họ thành công, hạnh phúc. Chính điều này đã vô tình “bóp méo” khái niệm hạnh phúc của nhiều người. Từ đó, họ lại cho rằng mỗi mình đang đấu tranh với những vấn đề sức khỏe tinh thần. Họ cảm thấy bị cô lập. Điều này có thể khiến người bệnh che giấu đi tình trạng tinh thần của mình.

Làm sao để giúp người mắc trầm cảm cười?

Trầm cảm cười không được công nhận là một dạng trầm cảm trên lâm sàng. Vì thế, tình trạng này không có tiêu chuẩn xác định trong chẩn đoán, cũng không có phác đồ điều trị cụ thể. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ thường dựa trên các biểu hiện lâm sàng của mỗi người bệnh, từ đó đưa ra phán đoán và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.

Tuy có sự khác biệt nhất định đối với các dạng trầm cảm khác nhau, trầm cảm cười cũng được chữa trị dựa trên phác đồ điều trị chung cho bệnh trầm cảm. Quá trình điều trị gồm dùng thuốc, trị liệu tâm lý cùng chuyên gia, thay đổi lối sống tích cực. Bên cạnh đó, quá trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh và độ tuổi.

điều trị trầm cảm cười

Việc nhận biết về trạng thái tâm lý như trầm cảm cười là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, chúng ta mới có thể tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhằm cải thiện tâm trạng. Đặc biệt, việc chăm sóc bản thân và có thái độ sống lạc quan sẽ là chìa khóa để vượt qua trầm cảm cười, hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Bài viết liên quan