Chúng tôi từng cãi nhau như cơm bữa…
Quen 6 năm mới đi đến hôn nhân, ròng rã suốt 6 năm ấy, thực tế chúng tôi đã phát sinh khá nhiều những ý kiến bất đồng. Anh và tôi đều là mẫu người có cái tôi khá lớn, rất tự tin vào chính bản thân mình, tự tin đến mức đôi khi… cho mình là số 1, kể cả trong mối quan hệ tình cảm kia. Thế nhưng, cãi nhau thì cãi, rốt cuộc chúng tôi vẫn đến được “kết quả cuối cùng” bằng một đám cưới linh đình, đẹp như mơ.
Điều tôi cảm nhận được nhiều nhất ở anh là tình yêu dành cho tôi. Anh rất yêu tôi. Có những lúc cãi nhau, giận hờn, rồi anh cũng luôn luôn làm hòa (dù lỗi có khi về phía anh, có khi về phía tôi). Thành thật mà nói, sau này tôi mới biết, chính cách cư xử đó có phần khiến tôi chủ quan và “lờn”. Tôi luôn cười xòa mỗi khi ai đó nhắc nhở rằng phải học cách nhường nhịn chồng một chút. Tôi luôn mạnh miệng bảo rằng: “Vợ chồng em khắc khẩu thế thôi chứ vài bữa nữa là đâu vào đấy thôi à. Có cãi cỡ nào thì cuối cùng rồi ảnh cũng lại làm hòa, mọi thứ cũng lại nồng nàn như cũ…”.
Chúng tôi giữ được như thế thật. Tức là vài ba bữa cãi, cãi xong lại làm lành, lành xong vài bữa lại cãi, nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng có thể xa anh hay mất anh. Chúng tôi cãi nhau nhiều đến nỗi khi tôi nói ra, bạn bè, người thân của tôi đều ngạc nhiên, không tin được vợ chồng tôi có thể giận nhau vì những lý do nhỏ nhặt, buồn cười như thế.
Ban đầu, tôi cũng có phần mệt mỏi với chuyện cãi cọ lặt vặt này. Song, lâu dần, sau 6 năm quen nhau, đến khi cưới, tôi chả còn bận tâm nhiều đến nó. Tôi cho rằng nó như một phần tất yếu. Thay vì cố gắng tìm hiểu suy nghĩ của chồng, hoặc ngồi xuống để bàn bạc với nhau một cách nghiêm túc, tôi lại phủi tay: “Cãi vài bữa chán là lại hòa ngay ấy mà!”. Thậm chí, có hôm, cãi với chồng xong, anh giận bỏ đi cà phê với bạn bè thì tôi cũng điềm nhiên xách xe đi xem phim, đi spa hay đi mua sắm.
Có lần, một chị bạn lớn hơn tôi nhiều tuổi chứng kiến một trận cãi “lặt vặt” của vợ chồng tôi. Chị cảnh báo khi tôi chỉ còn lại một mình: “Em đừng xem nhẹ chuyện này. Vợ chồng quan trọng nhất là sự thuận hòa, tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Những chuyện cãi nhau như thế thấy thì tưởng không sao, nhưng lâu dần như căn bệnh mạn tính, nó khiến em đâm ra xem nhẹ những gút mắc trong gia đình mình. Lúc đó mà có người thứ ba nhảy vào là mệt em đấy nhé!”. Đáp lại lời chị, như mọi khi, tôi vẫn gạt tay: “Em bảo đảm với chị nhiều lắm là dăm bảy ngày, anh ấy sẽ là người lại làm lành trước cho xem… Chả có gì quan trọng đâu chị ạ…!”.
Tôi mất anh, vì sự chủ quan ấy!
Ba năm sau ngày cưới, tình trạng khắc khẩu của vợ chồng tôi hoàn toàn không thuyên giảm, có phần còn nặng hơn vì giờ đây đã chung sống dưới một mái gia đình, có quá nhiều cái “chung”, có quá nhiều cái phát sinh để mà bất đồng ý kiến. Chúng tôi có với nhau đứa con đầu lòng, chuyện cãi cọ càng tăng. Có lần, bực mình vì một điều gì đó khá nhỏ nhặt liên quan đến việc chăm sóc con, tôi gắt lên với anh và nói nặng lời, đại loại như anh thấy không sống được thì chia tay đi, mệt quá!
Anh lặng đi một lát rồi ra khỏi nhà. Tôi bực bội trong lòng nhưng vẫn thản nhiên, vì như đã nói, chúng tôi cãi nhau nhiều đến độ tôi tin rằng đó chỉ là lần thứ 1.001 mà thôi, rằng anh làm gì làm rồi cũng lại quay về, làm lành như trước giờ vẫn thế. Tuy nhiên, lần này thì khác. Tôi chờ mãi đến tối vẫn không thấy anh về. Khoảng 11 giờ đêm, anh nhắn: “Anh muốn yên tĩnh vài ngày để suy nghĩ. Em cứ ngủ đi…”. Tôi phớt lờ, không nhắn lại, ngày hôm sau vẫn chẳng thèm nhắn tin hay gọi điện hỏi xem anh đi đâu, làm gì.
Cách vài hôm, anh về. Tôi vẫn im lặng và lạnh nhạt, chờ đợi sự làm hòa của anh. Nhưng lần này, tôi thấy có một sự thay đổi là lạ khi anh trở nên “bình thản”, lặng lẽ, không nồng nhiệt, cũng không tỏ vẻ gì muốn làm hòa. Chúng tôi giữ chiến tranh lạnh cả tuần lễ liền. Anh không ăn cơm nhà nữa. Sáng anh đi, tối mịt mới về. Cảm giác cáu kỉnh trong tôi bắt đầu gia tăng. Tôi chờ mãi không thấy anh lên tiếng để thoát khỏi sự ngột ngạt này thì bắt đầu cố tình “kiếm chuyện” (thực chất cũng chỉ là mong thoát khỏi tình hình đó và mong anh chú ý đến mình). Tôi nhắn tin gây sự với anh, kiểu như: “Anh không về thì báo em biết khỏi chờ cơm. Em không rảnh để chờ vậy đâu!”, “Chưa thấy ai vô trách nhiệm như anh, hôm nay đưa con đi chích ngừa mà anh cũng không nhớ à?”.
Tôi càng kiếm chuyện, anh càng xa lánh và im lặng. Đây là lần đầu tiên giữa chúng tôi xảy ra tình trạng đó. Mệt mỏi, tôi đã phải viết cả những cái thư cho anh, kiểu như: “Giờ anh muốn cái gì? Tôi mệt lắm với kiểu im lặng này rồi. Nếu anh muốn kết thúc thì anh nói một tiếng, chúng ta chia tay!”. Nhưng đáp lại tất cả những cáu kỉnh của tôi, những trò nhắn tin, gọi điện, những email, những lá thư để trên bàn ăn… lần đầu tiên sau 6 năm quen nhau và 3 năm chung sống, anh tuyệt nhiên không đáp lại tôi bằng bất cứ một lời nào.
Thật tình là tôi nổi điên. Sự tự tin thái quá về chuyện chắc chắn anh sẽ là người làm hòa như xưa nay vẫn thế khiến tôi không chịu nổi với sự im lặng trong nhà. Tôi làm đủ chuyện, anh im lặng. Tôi chuyển sang nhắn những email mềm mỏng hơn, anh im lặng. Tôi nổi cáu lại quay về với sự điên tiết của mình, anh vẫn im lặng. Anh về đến nhà là lên phòng làm việc, ngủ luôn ở đó. Anh ăn cơm ngoài. Anh né tránh tôi bằng mọi cách có thể. Tôi hằn học đập cửa phòng làm việc, đòi nói chuyện cho bằng được thì anh… bỏ ra khỏi nhà. Tình hình ngày một tệ hơn, cho đến một ngày, anh về nhà, điềm tĩnh ngồi xuống nhìn tôi và bảo: “Chúng ta chia tay thôi em!”.
Trời đất sụp đổ dưới chân tôi!
Phản xạ đầu tiên của tôi là gào lên: “Anh muốn vậy phải không? Được! Thế thì tôi viết đơn ngay, anh đừng lo…!”. Tôi nhào lên máy tính, viết đơn, in ra, ký ngay vào, hả hê đẩy về phía anh và bảo: “Đấy, xong rồi! Anh lo phần còn lại đi nhé!”. Chỉ thế thôi, rồi tôi lao lên phòng ngủ của mình, đóng rầm cửa lại.
Thực sự trong thâm tâm tôi, đến tận lúc đó, tôi vẫn không hề tin rằng chúng tôi sẽ chia tay hay sẽ mất nhau. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là một trận cãi cọ, giận hờn, rằng rồi chúng tôi sẽ vẫn làm lành. Có thể bạn không hiểu được cảm giác này và chê trách tôi, nhưng hãy đặt mình vào tôi, hãy biết rằng vào thời điểm đó, tôi đã quá quen với những trận cãi nhau như cơm bữa, tôi vẫn tin tuyệt đối vào tình yêu của anh dành cho tôi và không thể hiểu được một sự thật rằng tình yêu không phải là thứ bất biến, nó có thể mất đi!
Ký đơn xong, tôi chờ anh một lời xin lỗi hay làm hòa. Nhưng không có! Anh dọn quần áo ra khỏi nhà, chỉ báo với tôi rằng thủ tục sẽ được tiến hành, rằng anh chỉ xin tôi để anh hàng tuần đến thăm con, chăm sóc cho thằng bé. Đáp lại những điều anh viết, tôi lại nghĩ đứa con có thể là vũ khí của mình. Tôi viết lại một email dài, mỉa mai: “Anh mà cũng nghĩ đến con ư… Tôi không muốn nó có người bố giống như anh…”.
Sau email cuối cùng ấy, anh tiếp tục im lặng, không nói gì nữa. Tôi không tin được, cho đến ngày ra tòa, hòa giải, rằng anh thật sự muốn ly hôn! Tôi vùng vẫy trong cảm giác tức giận vì anh “dám” để lâu thế mà không làm hòa với mình. Tôi nỗ lực làm anh tổn thương vì tôi muốn nhìn thấy anh đau, cho hả cái cảm giác đau trong lòng tôi. Thật sự, cho đến ngày cuối cùng, khi chúng tôi kết thúc cuộc sống vợ chồng, tôi vẫn còn không tin mọi thứ là thật. Với tôi, tất cả như một cơn ác mộng, mà tôi cũng không biết tại sao nó bắt đầu. Đến lúc ấy, tôi mới khóc lóc vật vờ, tôi nhắn tin, gọi điện cho anh… Nhưng đáp lại, vẫn là sự im lặng đến vô cùng tận!
Không có gì kinh khủng bằng sự im lặng! Nó tệ còn hơn những lời cãi cọ, những tiếng quát tháo hay gì gì… Tôi cuống cuồng và vật vờ tìm anh, nhưng tôi càng tìm, anh càng tránh. Cuối cùng, tôi biết anh đã có một người phụ nữ mới. Cơn ghen trong tôi trỗi dậy, tôi nhắn tin, gọi điện, làm đủ mọi cách để nguyền rủa, chửi bới anh. Tôi nói anh phụ rẫy, ác độc… Đáp lại tôi, anh vẫn im lặng, một sự im lặng đến lạnh người!
Một ngày, tôi nghe tin anh sắp tái hôn (chỉ sau 6 tháng kể từ ngày chúng tôi kết thúc). Tôi lao đến nhà mẹ chồng của mình, khóc lóc và bảo rằng tôi không tin đó là sự thật. Đáp lại lời tôi, mẹ chồng tôi chỉ thở dài, nắm tay tôi và nói một điều khiến tôi đau đến… thấm thía: “Con ạ, nó bảo mọi thứ đã hết rồi, nó đã quá mệt mỏi và tổn thương, chỉ còn cảm giác ngao ngán. Mẹ biết trong chuyện này không chỉ có lỗi của con mà còn ở cả phần nó nữa. Mẹ chỉ tiếc, đã nhắc các con nhiều lần, rằng vợ chồng, sự tôn trọng nhau quan trọng lắm. Những trận cãi nhau của các con như lỗ nhỏ đắm thuyền. Cãi mãi… cãi mãi… thì thành ra như thế! Một khi tình yêu đã không còn, một khi người đàn ông đã mệt mỏi và chỉ còn muốn lìa xa, thì con ơi, tất cả đã là muộn mất!”.
*Tên tác giả đã được thay đổi theo yêu cầu nhằm đảm bảo tính riêng tư.
Thay vì cố gắng tìm hiểu suy nghĩ của chồng, hoặc ngồi xuống để bàn bạc với nhau một cách nghiêm túc, tôi lại phủi tay: “Cãi vài bữa chán là lại hòa ngay ấy mà!”