Dịp cuối năm với 7749 chương trình khuyến mãi, từ Black Friday đến ngày đôi 11.11, 12.12,… chính là thời điểm bạn “chốt đơn” liên tục? Hãy cẩn thận để tránh rơi vào bẫy của các cửa hàng và có thể mua sắm tiết kiệm, thông minh nhất, bạn nhé!
“Ma trận” siêu sale, siêu giảm giá dịp cuối năm
Chỉ còn vài tháng nữa là một năm lại kết thúc. Và đây cũng chính là thời điểm các cửa hàng, các thương hiệu lớn nhỏ tung ra chương trình khuyến mãi liên tục. Đặc biệt, sau nhiều tháng liên tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường mua sắm đang dần nhộn nhịp trở lại bởi hàng loạt siêu ưu đãi, siêu giảm giá đến 50%, thậm chí là 70% để để kích cầu mua sắm.
Hàng loạt chương trình giảm giá có thể khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận mua sắm” dẫn đến tình trạng ham rẻ và mua những món đồ không cần thiết hoặc không sử dụng được. Bên cạnh đó, việc mua “hớ”, dính vào bẫy của các cửa hàng tăng giá lên và sau đó giảm giá cũng là một tình trạng thường thấy ở mỗi mùa sale. Do đó, cần tỉnh táo để mua sắm tiết kiệm, săn ưu đãi nhưng không “cháy túi” bạn nhé!
8 Bí quyết mua sắm tiết kiệm giúp bạn săn đồ giá hời, tiền vẫn rủng rỉnh
Cân nhắc các món đồ CẦN mua và MUỐN mua
Để có thể mua sắm tiết kiệm, trước tiên bạn nên liệt kê toàn bộ tất cả những món đồ mà bạn có ý định sẽ mua trong lần này. Sau đó, hãy tiếp tục chia danh sách này làm 2, đâu là những món đồ mà bạn cần mua để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và đâu là các món đồ bạn muốn mua nhưng chưa thật sự cần thiết.
Sau đó, hãy bắt đầu tính toán thật cẩn thận về số tiền bạn cần phải chi trả cho những thứ mà bạn cần phải mua. Sau khi nhận thấy mình phải chi quá nhiều tiền, bạn sẽ có thể sẽ gạch bớt rất nhiều trong danh sách còn lại đấy! Và nếu tổng số tiền trên danh sách cần phải mua quá nhiều, bạn cũng có thể cân nhắc thêm một lần nữa xem món đồ này có thật sự cần thiết hay không. Đây chính là kinh nghiệm giúp bạn mua sắm tiết kiệm và thông minh, không bỏ ra quá nhiều tiền cho việc mua sắm.
So sánh giá trước và sau khi khuyến mãi
Một trong những “chiêu trò” của một số cửa hàng chính là tăng giá sản phẩm sau đó lại tung ra các chương trình khuyến mãi để kích thích tâm lý săn sale của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn vẫn mua sản phẩm với giá bình thường, không rẻ hơn so với trước các đợt giảm giá.
Do đó, trước khi mua hàng ít nhất 1 tuần, bạn có thể nghiên cứu trước giá của sản phẩm và đến ngày khuyến mãi, đối chiếu lại mức giá để xem món hàng này có thật sự đang được giảm giá hay không. Nếu không, bạn có thể cân nhắc lại về việc mua chúng. Một cách đơn giản để giảm thiểu việc mua sắm và giúp bạn mua sắm tiết kiệm hơn phải không nào?
Nắm rõ thời gian diễn ra khuyến mãi
Bên cạnh những “ngày hội” giảm giá đồng loạt như Black Friday, các gian hàng cũng thường xuyên có những hoạt động ưu đãi cho riêng thương hiệu của mình. Đây chính là cơ hội tốt để bạn mua sắm với mức giá siêu rẻ. Và để mua sắm tiết kiệm hơn, hạn chế “cạn túi”, bạn nên ghi lại thời gian diễn ra khuyến mãi của từng món hàng mà bạn có ý định mua.
Để tránh săn “hụt” các ưu đãi, bạn có thể chọn tính năng nhắc nhở trên chính laptop hoặc các thiết bị di động mà mình đang sử dụng, chẳng hạn như đặt giờ trên điện thoại trước 15 phút trước giờ diễn ra ưu đãi. Thông thường, khuyến mãi chỉ diễn ra vào một khung giờ duy nhất nên việc nắm rõ thời gian sẽ giúp bạn “chốt đơn” thông minh, mua sắm tiết kiệm.
Hạn chế mua sắm theo nhóm quá đông người
Đi mua sắm cùng bạn bè, hội “cạ cứng” của mình thì còn gì thích bằng phải không nào? Thậm chí, nhiều người còn xem đây như 1 cách xả stress, giải tỏa áp lực, căng thẳng hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu muốn mua sắm tiết kiệm và bảo vệ túi tiền của mình khỏi tình trạng hết tiền vì mua sắm quá mức, bạn nên đi mua sắm một mình bạn nhé. Chúng ta thường có tâm lý đám đông, khi thấy bạn bè của mình mua một món đồ nào đó, bạn cũng thường có xu hướng muốn mua theo để “bằng bạn bằng bè”. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mua sắm vô tội vạ, mua quá mức cần thiết.
Tìm hiểu giá cả và chọn gian hàng cần thiết
Cùng một sản phẩm có thể có nhiều cửa hàng với các mức giá và chương trình ưu đãi khác nhau. Nếu mua sắm online, bạn có thể dành thời gian để nghiên cứu các cửa hàng cùng bán sản phẩm và so sánh mức giá giữa các cửa hàng. Đây chính là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để bạn có thể mua sắm tiết kiệm, tránh mua phải hàng hóa với giá cao hơn mặt bằng chung.
Tìm sản phẩm thay thế
Sản phẩm mà bạn yêu thích có giá quá cao? Bạn thật sự cần sản phẩm này nhưng… ví tiền lại chẳng cho phép? Vậy thì làm sao để mua sắm tiết kiệm mà vẫn sở hữu được món đồ mình đang cần?
Rất đơn giản! Bạn hãy tìm các sản phẩm khác cùng loại, cùng chức năng nhưng mức giá thấp hơn bạn nhé! Nếu bạn đang mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, bạn có thể xem phần “sản phẩm gợi ý”. Thông thường, các sản phẩm gần giống với sản phẩm bạn lựa chọn (về mẫu mã, kiểu dáng, tính năng,…) sẽ được hiển thị để bạn so sánh và lựa chọn sản phẩm có mức giá phù hợp hơn với túi tiền của mình.
Cẩn trọng khi mua đồ giảm giá
Một trong những lưu ý quan trọng nếu bạn muốn mua sắm tiết kiệm, không lạc vào “bão sale” chính là hãy cẩn thận kiểm tra kỹ càng sản phẩm trước khi mua. Các sản phẩm khuyến mãi thường không đi kèm với chính sách đổi trả, hỗ trợ bảo hành. Do đó, nếu mua phải những món hàng lỗi thì lúc này, bạn sẽ mất tiền oan đấy nhé.
Dùng thẻ trả trước
Thói quen dùng thẻ tín dụng trả sau có thể khiến bạn không nhận ra mình đã chi “khủng” đến mức nào cho đến cuối tháng, khi nhận được sao kê từ ngân hàng. Để kiềm chế sở thích mua sắm và giúp mua sắm tiết kiệm hơn, tốt nhất bạn nên chọn thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc dùng thẻ trả trước để lập tức thấy được mình đã sử dụng hết bao nhiêu tiền, từ đó cân đối lại chi tiêu của mình trong việc mua sắm.
Mùa sale cuối năm đã đến, người người nhà nhà rục rích mua sắm. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo để mua sắm tiết kiệm và chi tiêu thông minh, tránh trở thành “con mồi” của các chương trình khuyến mãi bạn nhé!