Cách đây chỉ vài ngày, một bé trai 8 tuổi đã tử vong trong nhà vệ sinh trong trạng thái treo lơ lửng. Cơ quan chức năng nghi vấn em qua đời do học theo “thử thách MoMo” (MoMo Challenge). Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh người lớn, các bậc cha mẹ cần có sự kiểm soát nội dung trẻ đang xem để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thử thách Momo – mang “tử thần” đến gần hơn với con trẻ
Nguồn gốc của thử thách
Thử thách này bắt nguồn từ một nhân vật có tên là Momo. Đây là nhân vật có đôi mắt lồi, miệng rộng, làn da nhợt nhạt, mình gà tóc đen. Nhân vật này trên thực tế lại là một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Tác phẩm có tên là “Chim mẹ”, được trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở Tokyo (năm 2016).
Tuy ý tưởng ban đầu của tác phẩm điêu khắc này hoàn toàn vô hại nhưng kẻ xấy đã lợi dụng chính hình ảnh này để tạo ra một thử thách và đặt tên là “thử thách Momo“. Kẻ xấu sẽ liên hệ với người chơi thông qua Messenger hoặc WhatApps rồi yêu cầu người chơi làm theo những hành động gây hại cho bản thân, khiến người chơi trầm cảm, nung nấu ý định tự sát.
MoMo Challenge xuất hiện lần đầu tiên trên Youtube bởi một tài khoản tên là ReignBot. Tài khoản này đã gửi những thử thách tai hại đến các thanh thiếu niên, trẻ em nhỏ tuổi. Cũng giống như “Thử thách Cá voi xanh”, các nhiệm vụ người chơi cần thực hiện trong Momo Challenge cũng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tín mạng của người chơi. Và nếu bạn từ chối thực hiện, người đưa ra thử thách sẽ bắt đầu gửi các tin nhắn đe dọa, uy hiếp, các hình ảnh đẫm máu khiến người chơi không ngừng suy nghĩ, sợ hãi.
Vào thời điểm tháng 2/2019, các nhiệm vụ của thử thách Momo còn xuất hiện “ẩn” bên trong các bộ phim hoạt hình, các trò chơi nổi tiếng cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig. Thậm chí, thử thách này còn xuất hiện trên kênh Youtube Kids.
Cũng chính vì lý do này, cha đẻ của tác phẩm nghệ thuật “Chim mẹ” đã quyết định hủy bức tượng này.
Những nạn nhân của trò chơi kỳ dị
Trường hợp bé trai 8 tuổi tử vong vào ngày 25/11/2020 tại Đồng Nai không phải là lần đầu tiên có người tử vong sau khi tham gia thực hiện thử thách Momo. Vào thời điểm tháng 10, một bé gái 5 tuổi cũng đã tử vong trong tình huống tương tự.
Và nếu bạn tìm kiếm những thông tin về thử thách này, có lẽ bạn sẽ thấy rất nhiều cái tên, rất nhiều trường hợp trẻ em xấu số trở thành nạn nhân của trò chơi đầy tai hại:
- Một bé gái 12 tuổi tại Argentina đã qua đời khi tham gia Momo Challenge vào thời điểm thử thách này vừa mới xuất hiện không lâu.
- Ngày 28 tháng 8 năm 2018, một thiếu niên ở Ấn Độ tên Manish Sark, 18 tuổi đã tử vong trong chuồng gia súc. Tại hiện trường có chữ “Illuminati” và “Devil’s one eye” được vẽ nguệch ngoạc trên tường.
- Tháng 9 năm 2018, một cô gái 12 tuổi và một cậu bé 16 tuổi ở Colombia cũng đã tự sát khi làm theo lời kêu gọi trong thử thách Momo. Theo các thông tin được cung cấp, cậu bé 16 tuổi đã gửi thử thách này cho cô bé 12 tuổi trước khi qua đời.
- Ngày 27 tháng 2 năm 2019, cô bé 5 tuổi sinh sống tại Cheltenham (Anh Quốc) đã tự cắt tóc khi xem các đoạn phim về thử thách này.
- Chỉ sau đó không lâu, một bé gái 7 tuổi cũng tự đập đầu mình vào tường do bị sang chấn tâm lý vì Momo Challenge.
Hãy bảo vệ con khỏi nguy hiểm tiềm tàng từ Internet
Không chỉ riêng thử thách Momo mà trước đó còn có Thử thách Cá voi xanh hay hàng loạt các thử thách mang tính chất nguy hiểm khác đã xuất hiện trên Internet. Vậy làm sao để chúng ta có thể bảo vệ sự an toàn của con khi ngày nay, trẻ có nhiều cơ hội để sử dụng Internet và tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau? Liệu bạn có đang kiểm soát con đúng cách?
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay cảm thấy đau đầu bởi không biết cách dạy con ngoan, nên người nào thì đúng. Sự kiểm soát của bố mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em, khiến con cảm thấy bức bối, sinh ra tâm lý phản kháng, chống đối. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát con có thể để lại nhiều hậu quả đau lòng từ những thử thách, những thông tin độc hại trên Internet mà điển hình chính là thử thách Momo.
Hãy trò chuyện với con nhiều hơn
Trò chuyện là một trong những cách đơn giản nhưng lại hiệu quả giúp bạn có thể hiểu được con. Mỗi ngày đều nói chuyện với con, bạn sẽ hiểu con hơn, nhận ra những thay đổi bất thường trong tâm lý của trẻ như con đang sợ hãi, lo lắng… Như vậy, bố mẹ có thể kịp thời phát hiện những tình huống xấu trước khi mọi chuyện diễn biến tồi tệ hơn.
Ngoài ra, việc con có thể trò chuyện cùng bố mẹ cũng tạo nên cảm giác tin tưởng ở con. Như vậy, con sẽ dễ chia sẻ cùng bố mẹ khi con bị đe dọa, uy hiếp hoặc đang xảy ra vấn đề.
Nói với con rằng, không ai có thể ép con làm điều con không muốn
Thử thách Momo hay Thử thách Cá voi xanh đều đánh vào tâm lý của trẻ, cho trẻ thấy nếu trẻ không làm theo sẽ bị trừng phạt như thế nào. Vì thế, bố mẹ cần phải thường xuyên nói với con rằng, không một ai có quyền ép con thực hiện những điều xấu mà con không muốn làm. Và để trẻ có thể làm được điều này, ở nhà bố mẹ cũng không nên ép trẻ làm điều con không thích. Hãy xây dựng cho con thói quen tự lập, không phụ thuộc quá nhiều vào người khác để trẻ có thể mạnh mẽ từ chối khi bị yêu cầu tham gia vào những trò chơi kỳ dị này.
Dạy con biết phân biệt đúng/sai, phải/trái
Theo chuyên gia tâm lý – giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, “Trẻ nhỏ chưa đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo.” Vì thế, điều mà chúng ta cần làm để bảo vệ trẻ chính là dạy con biết đúng sai, để con có thể hiểu rõ đâu là điều nên làm và không nên làm. Ngoài ra, bạn có thể khuyến khích trẻ hỏi ý kiến bố mẹ nếu chưa thể tự xác định được việc mình có ý định thực hiện có đúng hay không
Quan tâm đến con nhiều hơn
Chuyên gia tâm lý – giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam cũng chia sẻ thêm rằng: “Nhiều nghiên cứu về mặt tâm lý đã chỉ ra rằng hầu hết những trường hợp này đều trong tâm trạng cô đơn, luôn muốn tìm kiếm sự thừa nhận và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên trong đời sống thực lại chưa thể có được những mong muốn này”.
Vì thế, bố mẹ nên quan tâm đến con, dành cho con những lời khen ngợi thay vì chỉ áp dụng cách dạy con nên người ngày xưa là “thương cho roi cho vọt”. Đôi khi áp lực đến từ bố mẹ và việc bố mẹ luôn từ chối những nỗ lực của con, không quan tâm đến cảm xúc của con mà chỉ ép con học hay làm những điều bố mẹ muốn chính là lý do đẩy trẻ vào các thử thách nguy hiểm như thử thách Momo.
Sử dụng các phần mềm quản lý trẻ em
Khi trẻ sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng để lên Youtube xem phim, chơi game, bố mẹ có thể cài đặt một số phần mềm để giới hạn các nội dung mà con có thể xem. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần trực tiếp kết nối thiết bị trẻ đang sử dụng với thiết bị của bố mẹ để biết nội dung con xem là gì, có độc hại hay không.
Hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết
Trẻ em ngày nay thường đươc tiếp xúc với công nghệ từ sớm. Vì vậy, trẻ sẽ dễ có những định hướng lệch lạc dẫn đến các hành động nguy hiểm. Vì thế, cần hạn chế con sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, học thêm kỹ năng hay đơn giản là tổ chức các hoạt động gia đình để tránh trẻ có thời gian rảnh rỗi ở một mình và tìm xem các nội dung không phù hợp.
Thử thách Momo chính là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh không quan tâm đến con, luôn bận rộn, không có thời gian chăm sóc con và để con một mình với các thiết bị điện tử. Cũng như Thử thách Cá voi xanh, nếu không có Momo thì sẽ có những thử thách khác nguy hiểm hơn. Vì thế, điều cần làm lúc này chính là học cách giúp trẻ sử dụng Internet an toàn, bố mẹ hãy lưu ý để tránh các trường hợp đau lòng nhé!