Mẹ đã biết cách theo dõi thai nhi đạp chưa? Nhịp đạp của thai nhi không chỉ là cách bé giao tiếp với mẹ, mà còn là chỉ dấu cho sự phát triển và hoạt động của bé.
Thế nhưng làm thế nào để chẩn đoán sức khỏe của bé từ những cú đạp? Mẹ chắc hẳn đang có hàng loạt mối lo: Cảm giác thai nhi đạp như thế nào, thai nhi bao nhiêu tuần thì đạp, thai nhi thường đạp vào lúc nào, tại sao thai nhi ít đạp…. Bài viết sẽ hướng dẫn cách theo dõi thai nhi đạp chuẩn nhất mẹ hãy yên tâm đọc nhé.
Tại sao cần theo dõi thai nhi đạp?
Theo dõi thai nhi đạp (hay còn gọi là thai máy) giúp mẹ bầu nhanh chóng kiểm tra sức khỏe thai. Nhịp đạp của thai nhi phản ánh sự phát triển và hoạt động của bé trong bụng mẹ.
Nếu thai máy nhiều nghĩa là thai phát triển bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh. Trường hợp bé đạp ít hoặc không cử động trong thời gian dài rất có thể dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng nào đó như suy dinh dưỡng, thiếu oxy, dị tật bẩm sinh…
Không chỉ sức khỏe thể chất, việc theo dõi thai nhi đạp còn tăng cường kết nối mẹ con. Mẹ bầu dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện và lớn lên từng ngày của thai nhi. Từ đó giúp mẹ giảm bớt lo lắng, stress khi mang thai và có nhiều kỷ niệm đáng yêu trong khi mang thai.
Cách theo dõi thai nhi đạp
Thai nhi bao nhiêu tuần thì đạp?
Thai nhi bắt đầu có những cử động đầu tiên trong bụng mẹ từ khoảng tuần thứ 7 hoặc 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, thai còn rất bé nên mẹ gần như không thể cảm nhận được gì.
Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những cú đạp đầu tiên của bé từ khoảng tuần thứ 16 đến tuần thứ 25. Khi mang thai lần đầu, mẹ thường sẽ cảm nhận được những cú đạp của bé muộn hơn, từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 22. Nếu từng sinh con trước đó, mẹ có thể sẽ cảm nhận được những cú đạp của bé sớm hơn, từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 18.
Cảm giác thai nhi đạp như thế nào?
Cảm giác thai nhi đạp như thế nào là thắc mắc của nhiều mẹ bầu khi theo dõi thai nhi đạp. Thực tế, cảm giác này khá khó diễn tả và còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Tuổi thai, vị trí của bé trong bụng mẹ, cơ địa của mẹ bầu… đều ảnh hưởng tới việc thai nhi đạp mạnh hay yếu.
Một số mẹ bầu cảm nhận được những cú đạp của bé như giống như có cơn co thắt hay một cú chọc, đẩy, lăn xoay trong bụng. Một số lại mô tả theo dõi thai nhi đạp cảm giác như có bong bóng vỡ, như gió thoảng hay nhói nhẹ trong bụng. Cảm giác thai nhi đạp cũng có thể thay đổi theo thời gian, khi bé càng lớn, những cú đạp, xoay người của bé càng mạnh và rõ ràng hơn.
Thai nhi bình thường đạp bao nhiêu lần một ngày?
Không có một con số cụ thể nào để định lượng chính xác nhịp đạp của thai nhi. Mỗi bé có một mức độ hoạt động khác nhau, có thai nhi đạp mạnh cũng có bé ít vận động. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc chung có thể áp dụng khi theo dõi nhịp đạp của thai nhi:
- Thời điểm có thể đếm thai máy là từ tuần 16 nhưng mẹ sẽ cảm nhận rõ nhất là từ tuần thứ 28. Lúc này mẹ cần theo dõi thai nhi đạp cẩn thận để theo dõi sức khỏe bé.
- Mẹ bầu nên chọn một thời điểm trong ngày mà bé thường đạp nhiều nhất, thường là vào buổi tối, sau khi ăn, hoặc khi nằm nghỉ ngơi, để theo dõi thai nhi đạp.
- Mẹ bầu nên đếm số lần bé đạp trong vòng 2 giờ, hoặc cho đến khi đạt được 10 lần đạp. Nếu bé đạp ít hơn 10 lần trong vòng 2 giờ, mẹ bầu nên ăn uống đồ ngọt để tăng lượng đường trong máu, uống nước lạnh, hoặc kích thích bé bằng cách trò chuyện, vuốt ve bụng. Sau đó tiếp tục đếm nhịp đạp của bé trong vòng 2 giờ tiếp theo. Nếu bé vẫn đạp ít hơn 10 lần trong vòng 2 giờ, mẹ bầu nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
- Mẹ bầu nên ghi nhận số lần bé đạp mỗi ngày, và theo dõi sự thay đổi nhịp đạp theo thời gian. Nếu có bất kỳ sự bất thường nào mẹ bầu cũng cần báo ngay cho bác sĩ.
- Mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái. Thai nhi đạp nhiều hơn khi mẹ nằm nghiêng bởi bé được cung cấp nhiều oxy hơn và có không gian hoạt động rộng hơn lúc mẹ nằm ngửa. Đây là tư thế thích hợp để mẹ có thể dễ dàng theo dõi thai nhi đạp.
Các câu hỏi thường gặp khác
Thai nhi đạp ít thì sao?
Trung bình, thai nhi đạp khoảng 10-20 lần/giờ, nhưng con số cụ thể thay đổi tùy theo từng bé. Thai nhi đạp ít có thể là do nhiều nguyên nhân, như bé đang ngủ, bé đang kẹt trong tư thế khó vận động hoặc có vấn đề sức khỏe nào đó. Nếu mẹ bầu cảm thấy bé đạp ít hơn bình thường, mẹ bầu nên thử các cách kích thích bé đạp như đã nêu ở trên nhé.
Có nên chọc thai nhi đạp không?
Một số mẹ bầu có thói quen chọc thai nhi đạp bằng cách đẩy nhẹ bụng. Việc chọc cho thai nhi đạp không có vấn đề nhưng bạn cần chú ý tránh kích thích quá mức khiến trẻ bị giật mình, stress hoặc làm tổn thương đến thai nhi. Mẹ nên vuốt ve, nói chuyện, hát ru, hoặc đọc truyện để kích thích các giác quan của trẻ một cách an toàn.
Việc theo dõi thai nhi đạp rất quan trọng trong tam cá nguyệt thứ ba. Nhịp đạp của bé chính là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của thai nhi. Nếu bé ít vận động, mẹ hoàn toàn có thể thử các cách chọc thai nhi đạp an toàn để kích thích trẻ phát triển tốt hơn.