Mẹ&Con – Ngoài sứt môi, hở hàm ếch, mắc hội chứng Down hay bất thường trong cấu trúc tim mạch, dị tật bẩm sinh ở trẻ em còn có những dạng sau đây.

4. Dị tật bẩm sinh ở trẻ em – dị dạng cơ quan vận động

Dị tật bẩm sinh ở trẻ em
Dị tật bẩm sinh ở trẻ em thường gặp là dị dạng cơ quan vận động (chân, tay).

Dị dạng bẩm sinh cơ quan vận động thường gặp bao gồm: có nhiều hoặc ít hơn 5 ngón tay, ngón chân; các ngón tay hoặc ngón chân dính vào nhau; chân, tay khoèo; chân vòng kiềng và nhiều biến dạng bàn tay, bàn chân khác.

Cho tới tận bây giờ, nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh cơ quan vận động vẫn chưa được xác định rõ. Loại dị tật này có thể là xuất phát từ yếu tố di truyền. Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy, dị dạng bẩm sinh cơ quan vận động cũng có thể là do tư thế làm việc hoặc sinh hoạt của mẹ bầu, do thiểu dưỡng hoặc thiếu nước ối, mẹ mắc các loại bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi khi mang thai bé. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường như tác động của khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất… cũng làm tăng nguy cơ sinh con dị dạng chân, tay.

Chân, tay có hình dáng bất thường khiến trẻ gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, ngay khi sinh ra, nếu mẹ nhận thấy con có những bất thường về chân, tay thì cần thông báo cho bác sĩ biết để được thăm khám và điều trị sớm. Nếu bệnh được phát hiện từ thời kỳ bào thai hoặc ngay sau khi trẻ sinh ra, việc điều trị có thể cho kết quả tốt, ngừa được các biến chứng và sự tái phát.

Tùy vào mức độ dị dạng, loại dị dạng trẻ gặp phải mà bác sĩ lựa chọn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bé có thể được phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa trong trường hợp thừa ngón, ghép ngón nếu thiếu ngón, phẫu thuật tách dính ngón… Một số trường hợp khác, bé có thể không cần can thiệp phẫu thuật chỉnh hình. Thay vào đó, bé được chỉ định nắn chỉnh chân, tay bằng cách bó bột, sử dụng băng chỉnh hình, nẹp hoặc giày nẹp chỉnh hình kết hợp tập luyện những bài tập chân, tay đặc biệt.

5. Vẹo cột sống bẩm sinh

dị tật bẩm sinh ở trẻ em
Vẹo cột sống bẩm sinh là một dạng của dị tật bẩm sinh ở trẻ em.

Vẹo cột sống bẩm sinh là hiện tượng cột sống bị vẹo, cong hoặc lệch sang một bên bất kỳ. Vẹo cột sống bẩm sinh bắt nguồn từ rối loạn quá trình hình thành và phát triển cột sống ở trong phôi thai, thường do sự khiếm khuyết, biến dạng của thân đốt sống, khe khớp và đĩa đệm.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ vẹo, bé có thể được điều trị bảo tồn bằng cách mang áo chỉnh hình chống vẹo. Nhưng… nếu việc mang áo chỉnh hình không hiệu quả, thậm chí tình trạng dị tật còn tiếp tục tiến triển hoặc bé có các triệu chứng thần kinh thì sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Vẹo cột sống nguyên nhân bẩm sinh thường kèm theo những dị tật bẩm sinh ở tim, thận. Nếu không được phát hiện sớm (trong giai đoạn cột sống đang phát triển), tình trạng dị tật có thể tiến triển nặng gây khó điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bé sau này. Không chỉ mất thẩm mỹ, giảm chiều cao hay sinh hoạt khó khăn, cong vẹo cột sống còn gây tổn thương đến hệ tim mạch, hô hấp và làm giảm tuổi thọ.

Thông thường, 14-17 tuổi là độ tuổi tốt nhất nếu bé phải can thiệp mổ chỉnh hình cột sống. Giai đoạn này, cột sống đã phát triển tương đối ổn định và quan trọng hơn là cột sống của bé cũng còn mềm dẻo. Hơn nữa, trong độ tuổi này, sức đề kháng của bé cũng đủ mạnh để kháng lại các tác dụng phụ của việc điều trị và dùng thuốc gây ra.

Nếu mẹ đang nghi ngờ về cột sống của bé cưng, mẹ có thể chủ động kiểm tra lưng của bé. Mẹ nhớ chú ý đến sự mất thăng bằng của hai vai và thân. Mẹ có thể yêu cầu bé vừa cúi đầu từ từ, đồng thời giữ thẳng chân. Sau đó, mẹ quan sát lưng của bé từ cả phía sau và cả phía trước, nếu xuất hiện phần xương nhô ra, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện kiểm tra để có kết quả chính xác nhất.

6. Dị tật đường tiêu hóa

Dị tật bẩm sinh
Dị tật bẩm sinh ở trẻ em không ngoại trừ đường tiêu hóa.

Dị tật đường tiêu hóa cũng là dị tật bẩm sinh ở trẻ em thường gặp. Dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa có thể là do cơ quan phát triển không đầy đủ, ở vị trí bất thường; cơ bao trong hoặc ngoài khoang bụng bị yếu hoặc có lỗ thủng; thần kinh ruột phát triển sai lệch…

Phần lớn các dị tật liên quan đến đường tiêu hóa cần phải điều trị ngay, vì chúng có thể gây hoạt tử ruột, thậm chí là tử vong.

Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa, từ trên xuống dưới có thể kể đến các dị tật thường gặp sau:

Hẹp thực quản và lỗ dò khí-thực quản

Hẹp thực quản là dị tật mà thực quản bị chít hẹp hoặc không thấy đoạn cuối. Thực quản bình thường là một ống dài có chức năng đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Khi bị chít hẹp, đồ ăn bị chặn lại, không thể xuống đến dạ dày để tiêu hóa.

Đa phần trẻ sơ sinh bị hẹp thực quản bẩm sinh đều kèm theo dị tật lỗ dò khí-thực quản. Đây là loại dị tật nguy hiểm khiến đồ ăn, thức uống có thể lọt vào phổi qua lỗ dò dẫn đến ho, viêm phổi, khó thở, thậm chí là tắt thở.

Thoát vị hoành

Thoát vị hoành xảy ra do cơ hoành bị yếu, quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện. Điều này tạo ra một khe hở khiến phần lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn. Các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể nhô lên vùng lồng ngực, thông qua khe hở của cơ hoành.

Thoát vị hoành bẩm sinh có thể được chẩn đoán ngay từ trong thời kỳ bào thai. Sau sinh, trẻ mắc dị tật thoát vị hoành bẩm sinh cũng có những biểu hiện đặc trưng như thở gắng sức, tím tái và suy hô hấp.

Cách điều trị chủ yếu là phẫu thuật đưa trả toàn bộ tạng thoát vị về lại ổ bụng và khâu vá lỗ thoát vị.

Hẹp hậu môn

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh tương đối phổ biến, xảy ra do sự rối loạn phát triển trong một thời kỳ nào đó của em bé khi còn trong bụng mẹ. Để nhận biết dị tật, cha mẹ có thể quan sát những những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến sau đây:

  • Không có lỗ hậu môn, hoặc lỗ hậu môn nằm ở vị trí khác thông thường như sát âm đạo;
  • Có lớp màng che đi lỗ hậu môn;
  • Phân có thể đi qua đường tiểu của trẻ;
  • Bé không đi ị trong vòng 1-2 ngày sau sinh;
  • Bé có biểu hiện căng chướng bụng và nôn mửa.

Khi con có những triệu chứng như trên, cha mẹ nhớ đưa con đến thăm khám bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt.

Cách phòng tránh các dị tật thai nhi

  • Ngăn ngừa dị tật thai nhi cho bé, mẹ bầu cần thực hiện những điều sau:
  • Đi khám tiền thai kỳ.
  • Giám định di truyền nếu gia đình của vợ chồng bạn có tiền sử dị tật bẩm sinh.
  • Trước khi mang thai nên tiêm phòng vắc-xin phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan A, B, uốn ván, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não…
  • Không tùy tiện sử dụng bất cứ một loại thuốc nào nếu có ý định mang thai hoặc đang mang thai.
  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh và hạn chế thực phẩm chế biến công nghiệp. Đồng thời, “nói không” với rượu bia, thuốc lá.
  • Uống thêm sữa và vitamin bổ sung cho bà bầu, đặc biệt là axit folic theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tránh tối đa việc tiếp xúc với các loại hoá chất và nơi có dịch bệnh.
  • Cuối cùng, mẹ nhớ dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tập các bài tập thai giáo phù hợp với thể trạng để tránh các dị tật bẩm sinh ở trẻ em.

Bài viết liên quan