Mẹ&Con - Tôi nhìn bà tha thiết nói: Mẹ... khi mẹ nói con đường đúng có nghĩa mẹ nghĩ con đường kia là sai, mà với con thì không có đường nào là sai cả. Hai đường đều đúng, vì nó đều là bản năng tự nhiên. MC Thanh Vân không cần con béo, chỉ mong con khỏe MC Anh Tuấn: 'Chân trời trong tình yêu không chỉ có sự hấp dẫn giữa nam và nữ' MC Xuân Hiếu – Dạy con biết yêu thương

MC hải ngoại nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên sinh năm 1965 tại Sài Gòn, nay tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng vẻ đẹp như “chim sa cá lặn” của cô không hề phai mờ theo thời gian. Không chỉ nổi tiếng bởi nhan sắc, tài năng và cách đối nhân xử thế mà cô cũng được đánh giá rất cao. Mới đây trên trang cá nhân của mình, Kỳ Duyên đã chia sẻ một bài viết có tên “Thương yêu là chấp nhận” xoay quanh cách nhìn nhận về tình yêu đồng tính qua cuộc nói chuyện với mẹ và hai con gái.

Lời văn mộc mạc nhưng sâu sắc của nữ MC nhận được đồng tình của tất cả mọi người. Bà mẹ trẻ Trúc Quỳnh chia sẻ: “Em thích cái cách chị thương con vô điều kiện và không gò bó con theo con chuẩn mực nào để con phải mặc cảm với gia đình. Bản ngã tự nhiên thì phải để nó phát triển một cách tự nhiên đúng không chị?” Trong khi đó ông bố có tên Minh Lê nhận xét: “Với nhận thức và trí tuệ của mình, Kỳ Duyên hoàn toàn có thể cống hiến cho dân tộc Việt nam được nhiều hơn nữa nếu cô tham gia nội các, ví dụ: Bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng giáo dục…” Dù đã nhấn nút “like” nhưng MC Kỳ Duyên vẫn hài hước trả lời: “Cám ơn Minh nhưng Kỳ Duyên không hứng thú làm chính trị tý nào!”

MC Kỳ Duyên và hai cô con gái xinh đẹp

MC Kỳ Duyên và hai cô con gái xinh đẹp

Dưới đây là nguyên văn đoạn chia sẻ của Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên trang cá nhân

Thương yêu là chấp nhận

Nhân mới xem phim “A Danish Girl” (phim về người họa sĩ ở đầu thập niên là một trong những người tiên phong giải phẫu để biến từ nam thành nữ), tôi nhớ có lần mẹ tôi và tôi đi đón hai cháu ở trường về. Tôi lái xe, mẹ ngồi bên cạnh. Hai con gái Maili lúc đó 9 tuổi và Yên li 6 tuổi, ngồi đằng sau. Bỗng Yênli lên tiếng hỏi, và cho tới ngày nay tôi vẫn không hiểu trong đầu óc bé nhỏ của em đang nghĩ gì mà bỗng dưng lại “phọt” ra câu hỏi lạ lùng này.

-“Mommy… mai mốt lớn lên con lấy con gái được không?” (“Mommy when I grow up can I marry a girl?”)

Không hẹn cả mẹ và tôi cùng trả lời nói chồng lên nhau.

Mẹ: “Không!”
Tôi: “Được!”

Rồi cả hai cùng trố mắt nhìn nhau lắc đầu quầy quậy. Chúng tôi ra dấu bằng mắt sự bất đồng tư tưởng nhưng không nói tiếp đề tài này trước mặt hai cháu. Là người mẹ đơn thân, gia đình chính của tôi gồm có mẹ và hai con. Mẹ và tôi chia sẻ trách nhiệm dạy dỗ hai cháu. Để tránh trường hợp con nít vòi mẹ không được lại quay sang vòi bà hoặc chỉ nghe lời một người mà chúng cho là có quyền hơn trong nhà, từ lâu hai mẹ con đã đồng ý là bao giờ cũng “sát cánh” để đưa ra duy nhất một tiếng nói, một quyết định chung đối với con cháu. Xin cái gì bà đã nói không là không, có sang nài nỉ mẹ thêm cũng bằng thừa. Nhất là những lúc tôi đi show xa, thì lời nói của bà là mệnh lệnh cuối cùng. Nếu không “đoàn kết chặt chẽ” sẽ bị chúng “chia rẽ đánh lẻ tẻ”. Đừng nhìn những thân hình bé bỏng, cái miệng xinh xinh, đôi mắt to đen lúc nào cũng sẵn sàng lưng tròng nếu không được cái kẹo mà bị lừa! Con nít khôn lắm và hình như có giác quan thứ sáu để tìm ra yếu điểm của người lớn và lợi dụng triệt để. Vì vậy hai mẹ con tôi không bao giờ tranh cãi trước mặt tụi nhỏ. Có gì không đồng ý sẽ bàn sau.

Về đến nhà, tôi vào phòng mẹ đóng cửa và nói ngay: “Mẹ, mình thương tụi nhỏ thì phải cho nó cái quyền để sống thật. Nếu nó yêu ai, người đó mang lại hạnh phúc cho nó, lo cho nó và là người tốt là được rồi. Còn người đó là đàn ông hay đàn bà con thấy không thành vấn đề”.

Mẹ tôi là một người rất thoáng, nhất là so với những người ở thế hệ của bà. Bà thở nhẹ gật gù: “Mẹ biết… thì tất nhiên nó yêu ai mình cũng chấp nhận. Nhưng cứ dạy cho nó đi theo con đường đúng đã, rồi sau này nó muốn quẹo ngang quẹo dọc gì thì tuỳ nó.”

Haizzz… vẫn chưa đủ thoáng cho tôi. Tôi nhìn bà tha thiết nói: “Mẹ… khi mẹ nói ‘con đường đúng’ có nghĩa mẹ nghĩ con đường kia là sai, mà với con thì không có đường nào là sai cả. Hai đường đều đúng, vì nó đều là bản năng tự nhiên. Tính tình con người hình thành từ lúc nhỏ và ảnh hưởng rất nhiều qua lối sống và cách suy nghĩ của người lớn trong gia đình. Nếu mình cho tụi nó cảm giác đó là chuyện không nên, chuyện sai lầm thì dù sau này mình có chấp nhận, nó cũng đã lớn lên với mặc cảm là nó đã phụ lòng mình, làm mình thất vọng. Con không muốn con con phải như vậy vì con đã thấy quá nhiều cảnh đau khổ của những người lúc nào cũng phải “gồng mình” để che dấu giới tính. Con có những người bạn gái mà con không bao giờ thấy thật sự gần gũi vì họ không thoải mái với chính bản thân, lúc nào cũng che đậy, nên không dám mở lòng chia sẻ để đưa đến tình bạn chân thật. Con có những người bạn trai vì bố mẹ bắt phải đi lấy vợ, sinh con, nhưng rồi vẫn lén lút ngoại tình với trai khác. Như vậy không những người đó cảm thấy đau khổ, tội lỗi, mà người vợ sống bên cạnh cũng cảm nhận được ở chồng mình có cái gì đó… lãnh đạm…vô cảm”.

Nói đến đây tôi nhớ tới cô cháu gái. Từ nhỏ cháu đã biết mình là người đồng tính nhưng giấu gia đình. Áp lực nhiều quá cháu bị trầm cảm và đã có lần định từ tử. Cháu đến tâm sự với tôi và tôi khuyên cháu cứ mạnh dạn sống thật và nói cho gia đình biết. Tôi còn dặn: “Cháu cứ yên tâm nói với nhà là Cô Duyên ủng hộ cháu! Nếu nhà không chấp nhận, cháu tới ở với cô.” Cháu tôi làm theo lời “xúi dại”, và quả nhiên lúc đầu gia đình chống đối dữ dội, còn bị người anh lớn từ nữa chứ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Bây giờ cháu lấy một người vợ là bác sĩ với hai bằng chuyên khoa (đang tiếp tục học để lấy thêm cái bằng luật sư). Công việc tốt, hai đứa ở nhà bạc triệu, tối ngày quấn quýt, hạnh phúc vô ngần. Vợ cháu cưng chiều cháu còn hơn nâng trứng hứng hoa. Tôi rất vui cho cháu, nhưng thiết nghĩ nếu cháu được sự cảm thông của gia đình thì cháu đã không phải lãng phí 35 năm đầu của cuộc sống trong đắng cay. Tôi không muốn con tôi phải trải qua như vậy. Tình yêu của tôi không có điều kiện. Nó yêu ai, tôi yêu người đó.

Trở lại câu chuyên trên xe, ngồi một lúc sau Yênli lại hỏi tiếp: “Mai mốt lớn lên con lấy Ba Hội được không?”

Hội là chồng tôi lúc đó nhưng không phải cha ruột của tụi nhỏ. Tôi chưa kịp trả lời, chị Maili ngồi cạnh đã át giọng lên tiếng chỉ bảo: “Yênli! Làm sao em lấy Ba Hội được??”

Hummm… chẳng lẻ 9 tuổi mà đã hiểu về khái niệm loạn luân…? Tôi nhìn Maili qua kính chiếu hậu hỏi thử: “Maili, tại sao Yênli không thể lấy Ba Hội được?” Maili hãnh diện trả lời rất đàn chị: “Vì khi Yênli lớn lên thì Ba Hội già chết mất rồi!!”

Tags:

Bài viết liên quan