Tết nguyên đán có lẽ là dịp mà bất cứ ai cũng cảm thấy mong chờ. Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là Tết, bạn có cảm thấy nhớ thương và mong Tết đến thật nhanh? Nếu bạn đang nôn nao chờ Tết, những bức ảnh dưới đây sẽ thay ngàn lời muốn nói và khiến bạn mong Tết đến gấp trăm lần.
Cúng ông Công ông Táo, cúng giao thừa
Theo phong tục tập quán Việt Nam, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo để tiễn Táo quân lên chầu trời. Theo quan niệm của người dân nước ta, ba vị Thần Táo còn được gọi là vua Bếp, trước ngày Tết sẽ lên chầu trời, thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế về những sự kiện xảy ra dưới trần gian, đặc biệt là trong gia đình. Vì thế, cần làm lễ tiễn ông Công ông Táo với hy vọng Táo quân sẽ thưa những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng, nói nhẹ đi những điều chưa may mắn hoặc chưa tốt.
Hơn nữa, người Việt còn cho rằng, Táo quân có khả năng phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn. Vì thế, sửa soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp trở thành một phong tục không thể thiếu trong dịp Tết nguyên đán với hy vọng có một năm mới bình an và may mắn.
Bên cạnh mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thì vào dịp Tết, mỗi gia đình còn chuẩn bị thêm một mâm cỗ thịnh soạn vào đêm giao thừa để cúng trời đất, cảm tạ đất trời và các vị thần đã coi sóc gia đình trong một năm vừa qua và đón chào các vị thần mới đến gia đình. Mâm cúng giao thừa thường được các gia đình chuẩn bị vô cùng tươm tất, trang trọng với hy vọng xua bỏ những điều không may mắn của năm cũ để có một năm mới tốt lành hơn.
Mứt Tết
Chắc chắn, hình ảnh những đĩa mứt ngày Tết sẽ giúp bạn cảm thấy, Tết đang đến thật gần rồi phải không nào? Ngày Tết, gia đình nào cũng có những đĩa mứt Tết, nào là mứt dừa, mứt me, nào là mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen,… Những loại mứt thơm nồng, ngọt ngào như một lời chúc năm mới với hy vọng một năm tràn ngập những điều ngọt ngào như mứt vậy.
Cách làm các loại mứt Tết cũng vô cùng đơn giản, không cần phải quá khéo tay, bạn vẫn hoàn toàn có thể trổ tài làm mứt để chiêu đãi họ hàng, bạn bè trong dịp Tết nguyên đán sắp đến đấy nhé!
Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trước Tết, hầu hết các gia đình đều quây quần bên nhau, cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, cùng thức khuya để canh nồi bánh chín. Những hoạt động này còn giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội quây quần trò chuyện với nhau sau một năm bận rộn, ai cũng có công việc riêng. Và có lẽ, nhắc đến các hoạt động ngày Tết nguyên đán mà không kể đến những nồi bánh chưng, bánh tét đêm trước Tết với khói cao nghi ngút là một thiếu sót rất lớn.
Hoa đào nở rộ
Ngày Tết ở miền Bắc không thể thiếu những cành đào hồng thắm tươi. Sự tích về hoa đào ngày Tết được ông cha ta kể lại:
“Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào cành lá sum suê, thân cây to lớn, bóng cây rậm rạp che phủ cả một vùng rộng. Cây đào này đã mọc đã từ rất lâu đời. Trên cây đào có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Cũng nhờ vậy, ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của 2 vị thần nên chẳng dám đến gần cây hoa đào và cũng không dám bén mảng đến gần khu vực đó.
Vào ngày cuối năm, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong những ngày Tết nguyên đán, khi 2 vị thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ đã đến tác oai tác quái. Vì thế, người dân nơi đây đã bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ hoặc lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà. Kể từ đây, hoa đào bắt đầu gắn liền với ngày Tết cổ truyền của dân ta.”
Mai vàng thắm tươi
Nếu miền Bắc có hoa đào thì nhắc đến Tết nguyên đán tại khu vực miền Nam, không thể không nhắc đến những cành mai vàng rực rỡ. Với những người con xa xứ, hình ảnh những bông mai nở vàng luôn khiến người ta nao lòng, nhớ về một cái Tết và người thân đang chờ đợi tại quê nhà.
Xin chữ đầu xuân
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Xin chữ đầu xuân là một trong nét đẹp trong văn hóa người Việt từ thời ông cha ta cho đến nay. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh những ông đồ bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều đã trở thành một hình ảnh quen thuộc và thân thương đến lạ. Với quan niệm biết chữ, có tri thức là có tương lai rộng mở cùng truyền thống hiếu học của người Việt Nam, người dân thường xin chữ với hy vọng những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy sẽ đến trong năm mới này. Với mong muốn một năm mới an khang, sung túc, gia chủ thường xin các chữ như “Hưng”, “Thịnh”, “An”, “Phát”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Tín”, “Đăng Khoa”, “Tài”, “Nhẫn”…
Thông thường, người cho chữ sẽ là ông đồ túc nho. Và vì chữ Nho có thể được viết theo nhiều cách khác nhau nên tùy theo tâm trạng hay hoa tay mà chữ có thể được viết thành nhiều kiểu khác nhau, mang đến cảm giác độc đáo duy nhất.
Lì xì đầu năm
Thông thường, vào ngày đầu tiên của năm mới, con cháu sẽ đi chúc Tết bố mẹ, ông bà và được bố mẹ, ông bà lì xì lại. Phong tục lì xì mang ý nghĩa mong muốn con cháu có một năm may mắn, sung túc, những đứa trẻ có thể học giỏi hơn, ngoan ngoãn hơn. Vì thế, những hình ảnh gia đình quây quần chúc Tết thường khiến người ta dù đang ở nơi đâu cũng muốn quay trở về quê hương để ăn Tết.
Hoạt động múa lân sư rồng
Một trong những phong tục truyền thống thường thấy trong ngày Tết nguyên đán chính là các hoạt động múa lân sư rồng. Múa lân, sư, rồng là một trong những hình thức múa dân gian thể hiện ước mong của người dân, hy vọng một năm mới thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc. Nét đặc biệt trong những tiết mục múa này chính là “ông Địa” với gương mặt tươi cười ngoác rộng cả mang tai, đem đến sự nhộn nhịp, vui tươi cho năm mới. Thông thường, một đội múa lân sư rồng có ít nhất 6 người và có thể lên đến số lượng 20, 30 người.
Xuất hành đầu năm
Một nét đẹp khác trong phong tục, tập quán của người Việt Nam vào ngày đầu năm mới chính là xuất hành đi lễ chùa. Thông thường, ngày xuất hành là ngày mùng 1 Tết hoặc gia chủ có thể xuất hành theo ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và chọn các phương hướng tốt, hợp mệnh với mong muốn có thể gặp được để có thể gặp được các vị thần tài, thần may mắn,…
Khi xuất hành đi chùa dâng lễ đầu năm, người Việt còn có phong tục bẻ một cành lộc (cành đa nhỏ, cành đề, cành si,…) hoặc xin trái cây tại chùa với quan niệm xin lộc về để ở bàn thờ trong nhà cho một năm thêm may mắn. Tuy nhiên, phong tục này chỉ có nhiều ở khu vực miền Bắc hoặc miền Nam, còn khu vực miền Trung thì ít hơn.
Xông đất
Với người Việt Nam, mùng 1 suôn sẻ thì bạn sẽ có một năm thuận lợi, may mắn. Vì thế, người xông đất cho gia đình trong ngày đầu năm rất quan trọng.
Sau thời điểm giao thừa tức là bước sang một năm mới, rủ bỏ những điều cũ kỹ. Lúc này, người bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới được xem là người xông đất. Người này thường là người có sức khỏe tốt, thành công trong công việc, có đức hạnh và tài năng,… để giúp cho gia đình một năm bình an, khỏe mạnh, thuận buồm xuôi gió.
Tết nguyên đán sắp đến, nhìn những bức ảnh trên bạn có cảm thấy nôn nao? Bạn đã đặt vé xe, vé máy bay để chuẩn bị trở về đón Tết cùng gia đình hay năm nay lại chẳng về thăm nhà được do dịch bệnh khó khăn? Hãy chia sẻ câu chuyện của mình cùng Tạp chí Mẹ và Con nhé!