Nếu không test đường thai kỳ để phát hiện kịp thời thì đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó có phì đại phủ tạng, tăng nguy cơ tai biến sản khoa, thậm chí là gây tử vong.
Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ) là căn bệnh rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào. Bệnh có thể khởi phát tại bất kỳ thời điểm trong suốt thời gian mang thai và ít có triệu chứng rõ ràng. Chính vì thế, nếu không kiểm tra tiểu đường thai kỳ thì gần như không thể phát hiện bệnh.
Nguyên nhân gây đái tháo đường là do sự mất cân bằng của insulin – loại hormone giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng. Trong thời gian mang thai, sự thay đổi các hormone trong cơ thể làm giảm tác dụng của insulin. Sự mất cân bằng này là nguyên nhân chính khiến thai phụ mắc bệnh.
Mọi thai phụ đều có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, nhưng đây là nhóm người có nguy cơ cao:
- Chỉ số BMI > 30.
- Mẹ mang thai khi tuổi > 40.
- Đã từng sinh con mắc dị tật bẩm sinh không rõ lý do.
- Tiền sử thai chết lưu 3 tháng cuối không rõ nguyên nhân.
- Sử dụng thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus, hoặc nhiễm virus…
- Đã từng sinh con nặng từ 4kg trở lên.
- Người từng mắc tiểu đường thai kỳ trước đây.
- Người có người thân, họ hàng trong gia đình mắc bệnh tiểu đường.
Nữ giới có chỉ số BMI > 30 rất dễ mắc tiểu đường thai kỳ
Khi nào nên test đường thai kỳ?
Ngay từ những lần khám thai đầu tiên thì bạn đã có thể làm xét nghiệm để dự đoán nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Lúc này, xét nghiệm được thực hiện là đo glucose máu lúc đói, HbA1C. Dựa trên kết quả của xét nghiệm dự đoán này mà thời gian cụ thể sẽ có thay đổi:
- Với mẹ bầu không có nguy cơ: Làm xét nghiệm dung nạp glucose vào thời điểm thai nhi được 24 – 28 tuần tuổi.
- Mẹ có nguy cơ: Tùy theo nồng độ đường huyết lúc đói mà kết quả sẽ là đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường trên lâm sàng. Mẹ bầu cần theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng. Vào thời điểm thai được 24 – 28 tuần tuổi thì mẹ vẫn cần làm test đường thai kỳ lại một lần nữa để có kết quả chính xác nhất.
Thời điểm kiểm tra tiểu đường thai kỳ lý tưởng nhất là từ tuần 24 – 28
Thời điểm kiểm tra tiểu đường thai kỳ tốt nhất là từ tuần 24 đến 28 vì lúc này nhau thai đã phát triển hoàn thiện. Hormone kích thích bài tiết glucagon tăng, đề kháng insulin giảm, tăng phân giải glycogen ở gan thành glucose đồng thời khả năng dung nạp glucose ở mô ngoại vi cũng giảm. Tất cả các yếu tố này tổng hợp lại sẽ khiến lượng đường huyết trong cơ thể mẹ tăng cao.
Quy trình test tiểu đường thai kỳ
Chuẩn bị gì trước khi thử tiểu đường thai kỳ
Để việc thử tiểu đường thai kỳ cho kết quả chính xác nhất cũng như để mẹ bầu thấy thoải mái nhất thì nên lưu ý các vấn đề sau:
- Với xét nghiệm yêu cầu nhịn đói thì thời gian nhịn tương đối dài, bạn nên mang theo đồ ăn để nạp lại năng lượng ngay sau lần lấy máu cuối cùng.
- Mang theo các phương tiện giải trí để thư giãn trong thời gian chờ xét nghiệm.
- Không cần thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ trước khi làm xét nghiệm.
- Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì nên hỏi rõ y bác sĩ trước để đảm bảo không làm sai lệch kết quả.
Test đường thai kỳ 1 bước: Nghiệm pháp dung nạp 75g glucose uống
Chuẩn bị: Bà bầu cần nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện test đường thai kỳ 1 bước. Tốt nhất là xét nghiệm vào buổi sáng.
Cách thực hiện: Bà bầu uống 75g glucose và nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch để đo nồng độ đường vào 2 mốc: 1 giờ và 2 giờ sau khi uống.
Chẩn đoán là thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ nếu một trong ba chỉ số dưới đây bất thường:
- Đường huyết khi đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Đường huyết tại mốc 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Đường huyết tại mốc 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Nếu cả ba chỉ số đều dưới các giá trị trên thì kết quả là không bị tiểu đường thai kỳ.
Test đường thai kỳ 2 bước
Với phương pháp test tiểu đường thai kỳ 2 bước thì thai phụ không cần nhịn đói trước đó. Quy trình thực hiện cũng không quá phức tạp:
Bước 1: Uống 50g glucose và đo đường huyết ở mốc 1 giờ sau khi uống. Nếu đo được đường huyết vượt ngưỡng 130 mg/dL (7.2mmol/L) thì tiếp tục thực hiện bước 2.
Bước 2: Uống 100g glucose khi đang đói và lần lượt đo đường huyết ở mốc 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ sau khi uống. Kết quả được xem là bất thường nếu:
- Đường huyết khi đói = 95mg/dL (5,3 mmol/L)
- Đường huyết đo tại mốc 1 giờ > 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Đường huyết đo tại mốc 2 giờ > 155 mg/dL (8,6 mmol/L)
- Đường huyết đo tại mốc 3 giờ > 140 mg/dL (7,8 mmol/L)
Làm gì nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ?
Nếu kết quả cho thấy bạn đã mắc tiểu đường thai kỳ thì cũng không nên quá lo lắng. Hãy:
- Kiểm tra định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho bà bầu lành mạnh, và tuân thủ thực đơn dành cho người mắc tiểu đường thai kỳ.
- Luôn mang theo đồ ngọt để đề phòng trường hợp hạ đường huyết đột ngột.
- Nếu được chỉ định tiêm insulin thì cần theo dõi liên tục và điều chỉnh lượng insulin theo chỉ định bác sĩ.
- Luyện tập hợp lý để cơ thể khỏe mạnh, chẳng hạn như đi bộ, tập yoga cho bà bầu…
Vận động cơ thể hợp lý giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng tiểu đường thai kỳ
Hy vọng thông tin chi tiết về quy trình test đường thai kỳ và các lưu ý trên sẽ giúp các mẹ bầu chủ động hơn trong việc tầm soát bệnh. Để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ mẹ nên chú ý thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Và hơn hết là đừng quên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường nhé.