Ai trong chúng ta cũng biết rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thế nhưng, đến một giai đoạn nhất định khi bé yêu đã đủ cứng cáp và sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho con nữa, cai sữa là điều bắt buộc phải làm.
Thoạt nghe thì có vẻ không đến nỗi khó khăn, nhưng thực tế việc cai sữa dứt điểm cho bé yêu lại không dễ dàng chút nào cho cả mẹ và bé. Thậm chí có nhiều trường hợp sau cai sữa một thời gian, bé còn “tái nghiện”.
Làm thế nào để cai sữa dứt điểm cho con hiệu quả nhất? Dưới đây là những mẹo nhỏ Mẹ&Con mách các mẹ đây!
Cai sữa mẹ là việc không hề dễ dàng đối với trẻ nhỏ – Ảnh minh họa
1. Không quá vội vàng
Cai sữa mẹ phải được tiến hành từ từ bằng cách giảm dần số lần cho bé ti sau đó mới dừng lại hẳn. Nếu trước đây mẹ cho bé bú 10 lần/ngày, nay có thể giảm dần xuống còn 6 lần, 3 lần trước khi kết thúc hẳn để bé tập làm quen. Tuyệt đối tránh đột ngột “cắt viện trợ” khiến bé chưa kịp thích ứng sẽ có những biểu hiện xấu như khóc lóc, quấy phá, chán ăn…
2. Thay thế bằng nước có vị ngọt
Ngoài sữa mẹ, các loại sữa bột hay nước trái cây cũng có vị ngọt tương tự. Khi tập cho con cai sữa, mẹ có thể thay thế bằng các loại nước có vị ngọt này, “đánh lừa” bé yêu khi con khóc lóc, lên “cơn thèm” ti. Sau một thời gian, bé sẽ quên hẳn việc bú mẹ.
3. Tích cực tham gia các hoạt động
Hướng bé đến các trò chơi tích cực, làm cho chúng trở nên bận rộn hơn cũng là một cách giúp cai sữa hiệu quả. Khi đã thấm mệt, điều duy nhất con muốn là đi ngủ chứ không phải ngồi chờ được bú mẹ như ngày thường. Lưu ý mẹ là nên chọn những hoạt động thể chất vừa sức với con để tận dụng tối đa lợi ích của việc cai sữa và cả tăng cường sức khỏe, mở cho con cánh cửa ra thế giới bên ngoài.
4. Dùng đồ ăn nhẹ mỗi khi đói
Nếu bé đã trên 1 tuổi, bạn có thể cho chúng thử một vài món ăn nhẹ lành mạnh như sữa chua dầm trái cây, trứng luộc, khoai tây nướng… khi đói. Lúc này, bé sẽ không có nhiều sự lựa chọn nào khác cho chiếc dạ dày đang trống rỗng của mình nên sẽ nhanh chóng hợp tác với mẹ. Đây cũng là cách mẹ tập cho con làm quen với nhiều dạng thức ăn đa dạng khác ngoài cháo, nui và sữa…
5. Áp dụng biện pháp dân gian
Trước đây, để cai sữa cho con nhiều biện pháp dân gian thường được các bà, các mẹ áp dụng đó là bôi tỏi, dầu xoa hoặc quấn tóc quanh núm vú. Kết quả là bé sẽ dần không thích ti mẹ nữa vì nếm phải những vị khó chịu hoặc sợ hãi trước các “vật thể lạ” hiện diện trên đầu ti.
6. Gửi con cho người thân
Mẹ tạm “lánh nạn”, gửi con cho ông bà nội ngoại trông nom khoảng 1-2 ngày cũng là cách mà nhiều người thường áp dụng để con “quên” mẹ. Với cách làm này, mẹ nên chuẩn bị sẵn một số thức ăn dự phòng để ông bà có thể “đối phó” với cơn thèm ti của bé. Trong khoảng thời gian bé đã dần quên, mẹ cũng nên tập làm quen với cảm giác xót con để không “mềm lòng” cho bé bú lại khi con quấy khóc.
Có rất nhiều biện pháp cai sữa cho con, nhưng cái chính vẫn là sự kiên trì của người mẹ – Ảnh minh họa
Cai sữa cho bé thời điểm nào là thích hợp nhất?
Theo các nhà khoa học, sớm nhất là khi bé được 4 tháng tuổi mẹ có thể cai sữa cho con, nếu điều kiện cho con bú mẹ không còn thuận lợi. Tuy nhiên, phải cực kỳ cân nhắc đến những ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé.
Mùa xuân và mùa thu là thời điểm thích hợp nhất trong năm cho việc cai sữa, vì lúc này thời tiết mát mẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ dàng “hợp tác” với bạn hơn. Mẹ không nên cai sữa cho bé vào mùa hè hoặc mùa đông để tránh các bệnh về tiêu hóa và hô hấp.
Các dấu hiệu bé có thể cai sữa
– Đầu cứng cáp, không cần dùng tay đỡ phía sau gáy
– Ngồi vững, không cần nhờ sự trợ giúp
– Tỏ ra khó chịu khi bú mẹ
– Ban đêm hay thức giấc giữa chừng vì đói
Mẹ không nên cai sữa cho bé trong các trường hợp sau:
– Khi bé đang ốm, vì việc làm này khiến bé khó thích nghi với những thay đổi mới, gây biếng ăn, suy dinh dưỡng…
– Thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa hay các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát…
Chúc các mẹ cai sữa thành công!