Mẹ&Con - Bạn làm sao có thể yên tâm đi làm lại, nếu như biết ở nhà, bé cứ ngằn ngặt khóc đủ kiểu để đòi mẹ về, đòi mẹ bế? Bạn làm sao có thể yên tâm ra khỏi cổng, khi con cứ vẫy vùng trên tay người giúp việc hoặc bà nội, bà ngoại? Để trẻ an toàn khi ngủ cùng bố mẹ Con giành bố với mẹ Khơi gợi tình yêu thương nơi bố

Để có thể yên tâm đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh cho đến lúc bé vào được mẫu giáo, bạn sẽ phải tập cho con, để bé bớt đeo mẹ đấy! Vài mẹo nhỏ này sẽ giúp ích nhiều cho bạn.

1. Chơi “ú òa” với con

Bà mẹ nào cũng từng rất nhiều lần chơi ú òa với con. Nhưng bạn có bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa của trò chơi ú òa là gì không? Đó chính là “bài học” đầu tiên bạn dành cho bé, để định hình khái niệm về… sự vắng mặt tạm thời của mẹ!

Bạn và bé che mặt lại: Bé không thấy bạn. Bạn và bé mở tay ra “òa” một cái: Mẹ lại… hiện ra! Khi bạn cho bé chơi trò này cùng bạn từ rất sớm, tự khắc trong bé sẽ định hình được một “khái niệm” (theo kiểu riêng của bé) về sự vắng mặt tạm thời của mẹ.

Mẹ không “biến mất”. Mẹ chỉ đang chơi trò chơi. Và chỉ vài giây là mẹ lại hiện ra. Bạn có thể tăng dần khoảng thời gian “ú òa” lên trong vòng 10 giây hoặc hơn. Thời gian bé “ú” mặt trong lòng bàn tay lâu lên dần rồi mới “òa” ra với mẹ giúp bé thích nghi và học được dần cách “xa mẹ tạm thời”.  

tap-be-bot-bam-me-khoe-cho-ca-con-lan-me

2. Tập cho bé quen với sự chăm sóc của người khác

Đừng để đến sát ngày bạn đi làm lại mới tập. Từ khi bé hết tháng thứ nhất, bạn đã cần giúp bé quen dần với những khoảng thời gian trong ngày sẽ có ba hoặc bà nội, bà ngoại ẵm bồng, tắm, xi tè, cho ăn. Bạn đừng trực tiếp làm tất cả mọi việc. Thay vào đó chỉ cần đứng gần, cho bé cảm nhận được mẹ vẫn bên cạnh. Nếu bạn thực hiện điều này từ sớm, đến thời điểm bạn đi làm lại, bé sẽ dần quen với việc vắng mẹ từ 4-8 tiếng/ngày.

Bạn cũng có thể thử “vắng mặt” bằng cách để bé cho người khác trông và đứng ở phòng khác. Khi bé đòi mẹ, đừng vội vào ngay mà chỉ cần nói vọng vào: “Mẹ đây! Mẹ đây!”. Bé nghe tiếng của bạn nhưng chưa thấy bạn xuất hiện thì sẽ vẫn hiểu ra dần là mẹ ở đâu đấy, gần gần, một lát mẹ mới vào.

Một lưu ý quan trọng là bạn cần để cho bé được người khác dỗ ngủ, không tập bất kỳ thói quen nào “chỉ mẹ mới làm được” cho con. Chẳng hạn, nếu bạn luôn ôm con trên tay và ru con thì khi bạn vắng nhà, không ai có thể thay thế điều này cả. Tiếng hát ru của mẹ và cái ôm của mẹ, hơi ấm của mẹ, sự đong đưa tay của mẹ là những thứ rất “đặc trưng”. Cần lưu ý tránh tập cho bé quen đến mức “không có không được” những điều này.

3. Một chiếc khăn thấm “hơi” mẹ

Khi bạn cho con bú hoặc vắt sữa, bạn nên dùng một chiếc khăn mềm để lau ngực và thấm một chút sữa ướt. Chiếc khăn này có thể lót hoặc treo ở đâu đó sát thành nôi. Bạn có biết khứu giác của trẻ rất nhạy không? Đây là một mẹo dân gian nhưng thật sự rất hữu ích. Mùi của mẹ từ chiếc khăn như kề cận bên cạnh bé, khiến bé đỡ quấy và đỡ “nhớ” mẹ. Cách này nên áp dụng cho bé trong khoảng thời gian bạn vừa mới đi làm trở lại.

4. Bình tĩnh với những cơn đòi mẹ

Khi thấy con khóc ngằn ngặt đòi mẹ, thét lên hoảng sợ, ôm cứng lấy mẹ nhất định không chịu rời ra, bạn cần cố hết sức bình tĩnh. Sự mất bình tĩnh của bạn như nhăn mặt nhíu mày, la hét, bực dọc với bé, tệ hơn nữa là cũng khóc òa lên theo bé (vì cảm thấy bất lực không biết làm sao dỗ con) chỉ góp phần khiến bé nhạy cảm hơn, thấy bất an hơn và sợ hãi nhiều hơn. Nếu bạn tỏ ra không có gì, bé sẽ nhận ra “không có gì”.

Bạn có biết vì sao bé bám mẹ?

Sợi dây tình cảm giữa mẹ và con rất bền vững và chính sức mạnh của mối quan hệ thiêng liêng này đã làm bé thích ở cạnh bên bạn cả ngày. Mỗi khi được giao cho ai khác là bé lại cảm thấy bất an. Cho dù người lớn có dỗ dành: “Mẹ đi làm chút mẹ về ngay” nhưng trong bé, nỗi sợ hãi bị “xa lìa” mẹ khiến bé kêu khóc và đòi.  

Bé còn quá nhỏ, chưa hình thành được khái niệm thời gian. Bé lại rất nhạy cảm với từng thứ quen thuộc của mẹ: Hơi thở, giọng nói, bàn tay, mùi sữa… Tất cả! Không có gì “thay thế” được bạn ở trong bé. Chính vì vậy, bé sẽ thật sự cảm thấy chuyện bạn xa rời bé là cả “vấn đề nghiêm trọng”!

5. Không… lén đi!

Việc lợi dụng bé không chú ý để “biến mất” sẽ khiến bé rất hốt hoảng. Thay vào đó, bạn cần tập cho bé thói quen chào tạm biệt bé, sau đó vắng mặt một lát rồi xuất hiện trở lại. Ngoài ra, cũng ghi nhớ thêm rằng đừng kéo dài thời gian chào con, an ủi con, vì bé sẽ càng lúc càng khóc dai dẳng thêm mà thôi. Dứt khoát chào ngắn gọn, mỉm cười với con và đi ra rất nhanh. Cứ như thế, bé sẽ thích nghi được chuyện mẹ đi làm tốt hơn là bạn quay ra quay vào, khóc lóc với con, dỗ dành con, bịn rịn không dứt…

tap-be-bot-bam-me-khoe-cho-ca-con-lan-me

6. Tăng cường sự “bù đắp” khi ở nhà

Khi bạn về đến nhà mỗi ngày, hãy tranh thủ tối đa khoảng thời gian này để gần gũi, chơi đùa với con. Thực tế, bạn cũng có thể tập điều này cho bé từ thời điểm bé 3 tháng tuổi trở lên: Buổi sáng để bà và người giúp việc chăm nhiều, buổi tối mẹ chăm nhiều.

Như đã nói, sự đòi mẹ của bé bắt nguồn từ cảm giác không an tâm. Nếu như bạn thể hiện được cho bé đầy đủ tình yêu thương, quan tâm, gần gũi, bé sẽ ý thức được dần “niềm tin” với mẹ, tin rằng mẹ sẽ chỉ “vắng mặt một chút”. Lúc đó, tự nhiên bé sẽ bớt gào thét sợ hãi mỗi khi bạn đi làm.

Giai đoạn “bám mẹ”

Những bé ở tuổi chập chững biết đi cho đến tuổi đi mẫu giáo thường thích bám mẹ nhất. Bởi đó là khoảng thời gian bé bất an với sự xa cách. Bé sợ mẹ sẽ rời xa mình mà không trở lại nữa. Với những bé “quen hơi” mẹ từ nhỏ, chỉ có mẹ chăm sóc chủ yếu thì sự “bám mẹ” càng tăng. Vì vậy, bạn cần chi phối bé từ nhỏ với sự chăm sóc của nhiều người thân khác nhau trong gia đình. Bé sẽ dễ dàng vui chơi, ăn ngủ với người thân dù có mẹ hay không.

Bám mẹ là hiện tượng bình thường mà các bé sẽ thể hiện trong quá trình phát triển tâm lý của mình. Nhưng bám ở mức độ thế nào cho hợp lý là một điều mẹ cần cân nhắc và sớm tập cho con. Nếu như bạn vào nhà vệ sinh bé cũng gào khóc đòi theo thì bạn cần “chỉnh đốn” lại bé. Bởi việc này sẽ gây khó khăn lớn cho bạn đến thời điểm bạn phải đi làm trở lại. Ngoài ra, bám mẹ hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển tính cách độc lập của bé sau này. Bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập với môi trường không tốt.

Tags:

Bài viết liên quan