Nhiều người được chẩn đoán tăng axit uric máu không khỏi lo lắng sợ mắc gút. Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng axit uric máu tăng. Bạn cũng không cần quá lo lắng vì vẫn có các phương pháp điều trị hiệu quả.
Tăng axit uric máu là gì ?
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin – thành phần cấu tạo nên DNA, RNA..(các vật chất di truyền nói chung). Axit uric trong máu đến từ nguồn nội sinh lẫn ngoại sinh (chủ yếu là thực phẩm). Cơ thể sẽ đào thải lượng axit thừa qua đường nước tiểu và mồ hôi. Bình thường, nồng độ axit uric máu ở khoảng 420 micromol/lít ở nam và 360 micromol/lít ở nữ. Nếu nồng độ vượt quá ngưỡng này thì được gọi là tăng axit uric máu.
Khi axit uric quá nhiều, chúng có thể tạo thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp và gây ra bệnh gút. Ngoài ra, các tinh thể này cũng có thể xuất hiện tại da, mô mềm hoặc sỏi thận. Không phải lúc nào tăng axit uric máu cũng có triệu chứng rõ ràng. Nếu lượng axit thừa quá nhiều có thể dẫn tới cơn gút cấp tính: đau dữ dội sau một bữa ăn nhiều đạm, đau ở khớp, nhất là khớp ngón chân cái.
Gút mạn và tăng axit uric mạn tính có các biểu hiện phổ biến sau:
- Hạt tophi là muối urat lắng đọng trong mô, dưới da. Thường gặp ở vành tai, cạnh các khớp.
- Sưng đau, biến dạng khớp do axit uric lắng đọng tại các khớp.
- Sỏi thận: cơn đau quặn ở thận, đau từ hông lưng lan xuống bẹn, nặng hơn là tiểu ra máu.
- Suy thận
Tăng axit uric máu có phải bệnh gút (gout) không?
Chắc chắn thắc mắc của rất nhiều người là tăng axit uric máu có phải bệnh gút không. Thực tế, dù có nhiều người, kể cả bác sĩ ngoài chuyên khoa cứ thấy acid uric tăng là cho điều trị gút. Đây là quan niệm sai lầm vì tăng axit uric không đồng nghĩa với mắc gút. Chỉ được coi là bệnh gút khi tăng axit uric máu đi kèm với lắng đọng muối urat gây tổn thương khớp và các tổ chức khác. Việc chẩn đoán gout phải do bác sĩ có chuyên môn và thông qua xét nghiệm lâm sàng rõ ràng.
Thông thường thì tăng axit uric máu chỉ là yếu tố cho thấy có nguy cơ mắc gút rõ ràng. Nhưng cũng không thiếu trường hợp có những người tăng uric nhiều năm mà không mắc phải cơn gút cấp nào. Ngược lại, vẫn có trường hợp người bệnh gút nhưng có thời điểm giảm axit uric máu so với mức bình thường.
Nguyên nhân gây tăng axit uric máu
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng axit uric trong máu. Việc xác định nguyên nhân cụ thể không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thông thường, có các lý do như sau:
Do tác nhân di truyền
Hội chứng Lesch-Nyhan (liên quan đến rối loạn sự trao đổi purine bẩm sinh) do một khiếm khuyết trong gien tạo protein rất quan trọng. Protein này có vai trò loại bỏ axit uric ra ngoài cơ thể có tên là hypoxanthine phosphoribosyltransferase 1 hoặc HPRT1. Khi cơ thể thiếu enzyme này thì sẽ dễ dàng bị tăng axit uric trong máu.
Sự gia tăng chuyển hóa purine
Tình trạng tăng axit uric trong máu cũng xảy ra ở người có khối u phát triển nhanh. Không chỉ ung thư mà gồm cả u xơ đa bào, một số bệnh bạch cầu. Bệnh nhân ung thư khi được điều trị bằng hóa trị cũng có thể bị tăng axit uric máu do hội chứng phân tách khối u.
Hội chứng này xảy ra khi hóa trị làm chết hàng loạt tế bào ung thư, giải phóng nội chất tế bào vào máu và do đó tăng axit uric trong máu.
Giảm bài tiết, thải trừ axit uric
Thông thường thận sẽ lọc và thải trừ 80% axit uric thừa trong cơ thể. Khi cơ chế này gặp vấn đề thì lượng axit uric tích tụ trong máu sẽ tăng cao. Đa số nguyên nhân này xuất hiện ở người mắc bệnh thận mạn tính, suy thận. Ngoài ra các bệnh về trao đổi chất, rối loạn nội tiết cũng có thể là tác nhân làm giảm bài tiết axit uric.
Chế độ dinh dưỡng không khoa học
Thực tế thì dinh dưỡng là nguyên nhân rất phổ biến dẫn tới tình trạng tăng axit uric trong máu. Có nhiều thực phẩm chứa purine cao ảnh hưởng đến điều tiết uric trong cơ thể. Trong đó có thể kể tới: thịt đỏ, cá, cá mòi, nấm men, nội tạng động vật…
Mặt khác, trái với ăn uống quá nhiều thì việc ăn kiêng quá mức, tập thể dục vất vả cũng có thể gây tăng axit uric. Do lúc này cơ thể tự phân hủy năng lượng mà thận lại không bài tiết hiệu quả được.
Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến trên thì vẫn còn nhiều lý do gây tăng axit uric máu như:
- Dùng nhiều rượu bia
- Suy giáp
- Huyết áp cao
- Đường huyết cao
- Bệnh béo phì
- Phơi nhiễm chì, thuốc trừ sâu
- Một số loại thuốc làm tăng axit uric máu, đặc biệt là thuốc cho bệnh tim
Cần làm gì khi axit uric máu tăng cao ?
Khó mà nói được cách điều trị tăng axit uric máu nào phù hợp với bạn. Chỉ có phác đồ điều trị sau khi thăm khám, kiểm tra tìm kiếm nguyên nhân từ bác sĩ có chuyên môn thì mới hiệu quả tốt được.
Trường hợp chỉ tăng axit uric máu mà không có triệu chứng cụ thể, nồng độ dưới 10mg/dl thì không cần điều trị. Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học hơn là được.
Trường hợp bệnh nhân bị tăng axit uric máu ở mức trên 12mg/dl, phải đối mặt với nguy cơ bệnh tim mạch thì cần dùng thuốc điều trị hạ axit uric. Các trường hợp đặc biệt như tăng axit uric mạn tính, bệnh gút, bệnh nền khác, dị ứng thuốc… thì cần có chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa uric axit máu tăng
Cách phòng tránh khá đơn giản:
- Chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, ít mỡ
- Tập thể dục đều đặn
- Hạn chế chất kích thích, chất gây nghiện
- Không dùng thuốc bừa bãi mà cần theo chỉ định bác sĩ
Tóm lại, tăng axit uric máu có nhiều nguyên nhân. Để có phương án xử lý, điều trị tốt nhất thì bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên môn để được tư vấn.