Mẹ và Con - Bạn có biết, trẻ em cũng có thể bị tâm thần phân liệt? Đây là một căn bệnh không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn cả ở trẻ nhỏ...

Tâm thần phân liệt ở trẻ em gây ra một loạt các vấn đề, hành vi và cảm xúc. Không cha mẹ nào muốn con bị mắc bệnh này cả. Nhưng nếu trẻ không may mắc bệnh thì bé cần được điều trị sớm nhất để cải thiện tốt hơn và hòa nhập được với cộng đồng. Nếu bố mẹ không rõ về bệnh lý này thì hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!

trẻ bị tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt ở trẻ em là gì?

Đây là một rối loạn tâm thần không phổ biến nhưng là bệnh nghiêm trọng. Bệnh có thể dẫn tới các vấn đề về nhận thức, hành vi hoặc cảm xúc. Nó có thể dẫn đến một số kết hợp của ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành vi cực kỳ rối loạn làm suy giảm khả năng hoạt động của trẻ.

Về cơ bản thì bệnh này ở trẻ em giống với tâm thần phân liệt ở người lớn nhưng xuất hiện sớm hơn, có tác động sâu sắc tới hành vi và sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì bệnh lý khởi phát quá sớm nên đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc chẩn đoán, điều trị, giáo dục, phát triển cảm xúc và xã hội của bé. Bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý rằng, bệnh này ở bệnh mãn tính cần điều trị suốt đời. Nếu có thể điều trị càng sớm thì có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị.

Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em

Tùy theo độ tuổi bố mẹ có thể quan sát ra các triệu chứng khác nhau để phát hiện bệnh lý này.

Dấu hiệu và triệu chứng sớm

Các dấu hiệu sớm nhất của tâm thần phân liệt ở trẻ em có thể bao gồm các vấn đề như chậm ngôn ngữ, biết bò muộn hoặc bất thường, biết đi muộn, có các hành vi vận động bất thường khác như rung lắc hoặc đập cánh tay… Đây cũng có thể là dấu hiệu và triệu chứng của trẻ bị rối loạn tự kỷ. Do đó, bố mẹ cần tìm hiểu và loại trừ khả năng mắc rối loạn tự kỷ để việc chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn.

Triệu chứng ở thanh thiếu niên

Mặc dù triệu chứng bệnh lý tâm thần ở lứa tuổi này tương tự như người lớn, nhưng tình trạng lại khó nhận biết hơn. Một số dấu hiệu điển hình ban đầu mà bố mẹ có thể tham khảo như thường lấy tiền từ bạn bè và gia đình, hiệu suất học tập giảm ở trường, khó ngủ, tâm trạng cáu kỉnh hoặc chán nản, thiếu động lực, có hành vi kỳ lạ, sử dụng chất kích thích…Về vấn đề ảo giác do tâm thần phân liệt, nhóm tuổi này có thể ít gặp tình trạng này hơn hoặc gặp nhiều hơn so với người lớn.

dấu hiệu trẻ bị tâm thần phân liệt

Dấu hiệu và triệu chứng muộn hơn

Khi trẻ bị tâm thần phân liệt, các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của rối loạn bắt đầu xuất hiện bao gồm:

  • Ảo tưởng: Bé có thể nghĩ bản thân có khả năng đặc biệt, có danh tiếng, có người đang thích hoặc một thảm họa lớn sắp tới..
  • Ảo giác: Bé có thể thường nói mình nghe thấy hoặc nhìn thấy những thứ không tồn tại. Đối với người bị tâm thần phân liệt thì ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào trong đó việc nghe thấy giọng nói là ảo giác phổ biến nhất.
  • Suy nghĩ vô tổ chức: Suy nghĩ vô tổ chức biểu hiện từ lời nói vô tổ chức. Bé có thể trả lời hoặc nói những câu không liên quan tới câu hỏi. Lời nói có thể bao gồm việc ghép các từ vô nghĩa không thể hiểu được.
  • Vận động vô tổ chức hoặc bất thường: Triệu chứng này được biểu hiện theo rất nhiều cách khác nhau, ví dụ như không tập trung vào mục tiêu, phản kháng với các hướng dẫn, tư thế kỳ quái, thiếu phản ứng hoàn toàn hoặc chuyển động vô ích và quá mức.
  • Giảm khả năng hoạt động bình thường: Bé có thể bỏ bê vệ sinh cá nhân, tỏ ra thiếu cảm xúc, không thích giao tiếp, không thay đổi nét mặt, giảm hứng thú với các hoạt động hàng ngày và thiếu các trải nghiệm niềm vui…

Các triệu chứng khó diễn giải

Khi tâm thần phân liệt ở trẻ em bắt đầu sớm, các triệu chứng có thể tích tụ dần. Ban đầu, những dấu hiệu này mơ hồ đến mức bạn không thể nhận ra điều gì sai. Nhưng theo thời gian, các biểu hiện này dần trở nên nghiêm trọng và đáng chú ý hơn. Cuối cùng, trẻ có thể phát triển các triệu chứng rối loạn tâm thần, bao gồm ảo giác, ảo tưởng và khó suy nghĩ. Khi những suy nghĩ trở nên vô tổ chức hơn, thường sẽ gây ra hiện tượng “thoát khỏi thực tế” (rối loạn tâm thần), thường xuyên phải nhập viện và điều trị bằng thuốc.

Chẩn đoán bệnh cho trẻ từ sớm

Sau khi loại trừ các rối loạn sức khỏe tâm thần khác và xác định các triệu chứng không phải do lạm dụng chất, thuốc thì việc chẩn đoán bệnh lý tâm thần phân liệt mới chính xác. Do đó, quá trình chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Nhằm loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng và kiểm tra các biến chứng liên quan.
  • Các xét nghiệm và sàng lọc: Việc xét nghiệm giúp loại trừ các triệu chứng tương tự, sàng lọc chất kích thích. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc CT.
  • Đánh giá tâm lý: Gồm các quan sát ngoại hình, thái độ, hỏi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, bao gồm mọi suy nghĩ tự làm hại hoặc làm hại người khác, đánh giá khả năng suy nghĩ và hoạt động ở mức độ phù hợp với lứa tuổi và đánh giá tâm trạng lo lắng, các triệu chứng loạn thần. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử bệnh của gia đình và của trẻ.

chẩn đoán bệnh

Việc chẩn đoán bệnh lý này có thể rất dài và đầy thử thách do một số bệnh tương tự gây nhiễu. Bác sĩ có thể cần theo dõi hành vi, nhận thức và suy nghĩ của trẻ trong 6 tháng trở lên trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Trong một số trường hợp có hành vi gây hại cho người khác hoặc tự làm thương mình thì trước khi chẩn đoán chính thức được đưa ra thì bác sĩ có thể cho con dùng thuốc.

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Điều trị tâm thần phân liệt ở trẻ em là điều trị suốt đời, ngay cả trong thời gian khi các triệu chứng dường như biến mất. Một số phương pháp điều trị bệnh bao gồm:

Dùng thuốc

Thuốc chống loạn thần thường có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng ở liều thấp nhất có thể như ảo giác, ảo tưởng, mất động lực và thiếu cảm xúc. Theo thời gian, các bác sĩ có thể thử kết hợp các loại thuốc khác nhau hoặc liều khác nhau. Tùy thuộc vào các triệu chứng bệnh mà có thể kết hợp các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu. Có thể mất vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc mới nhận thấy sự cải thiện của các triệu chứng.

thuốc

Rèn luyện kỹ năng sống

Kế hoạch điều trị cũng bao gồm việc xây dựng các kỹ năng sống có thể giúp trẻ hoạt động ở mức độ phù hợp với lứa tuổi. Trẻ bị bệnh về tâm thần thường gặp khó khăn đối với các vấn đề học tập, trường học, trong các công việc hàng ngày như tắm hoặc mặc quần áo… Vậy nên, bố mẹ cần hết sức kiên trì dạy con các kỹ năng xã hội và học tập này.

Ngoài ra, khi trẻ lớn lên, bố mẹ nên tập trung giúp những người bị tâm thần phân liệt chuẩn bị, tìm và duy trì công việc của mình. Trong thời gian khủng hoảng hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng, có thể cần nhập viện. Điều này có thể giúp đảm bảo an toàn cho trẻ và đảm bảo rằng bé đang có chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và vệ sinh phù hợp. Đôi khi, nhập viện là cách an toàn và tốt nhất để nhanh chóng kiểm soát các triệu chứng.

trị bệnh cho trẻ

Tâm thần phân liệt ở trẻ nhỏ mặc dù không phổ biến nhưng một khi đã mắc bệnh thì mức độ nghiêm trọng cũng như khả năng mãn tính là rất cao. Chính vì thế, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển trong nhận thức, hành vi và cảm xúc của con cái nhé!

Bài viết liên quan